Căn bệnh khiến Kasim Hoàng Vũ tiều tuỵ, gương mặt biến dạng nguy hiểm thế nào? - Doctor247

Căn bệnh khiến Kasim Hoàng Vũ tiều tuỵ, gương mặt biến dạng nguy hiểm thế nào?

Mới đây, thông qua mạng xã hội, một người bạn thân của ca sĩ Kasim Hoàng Vũ đã chia sẻ về tình trạng bệnh hiện tại của anh, có phần gầy gò, hốc hác và cần phải phẫu thuật cắt xương hàm.

Được biết, trước đó anh bị mắc bệnh viêm khớp thái dương hàm, đã từng phẫu thuật khiến gương mặt bị lệch, biến dạng và gầy sút nhiều cân do phải ăn uống kiêng khem. Căn bệnh này khá thường gặp, mặc dù không phải là bệnh nguy hiểm nhưng trong một số trường hợp nặng, người bệnh phải phẫu thuật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

Khớp thái dương hàm nối xương hàm dưới với xương của hộp sọ ở mỗi bên, là một trong những khớp phức tạp nhất trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong việc nhai, nuốt, ngáp và nói chuyện.

Viêm khớp thái dương hàm (còn gọi là rối loạn khớp thái dương hàm, viêm khớp hàm thái dương) là bệnh lý rối loạn khớp hàm và các cơ mặt xung quanh dẫn đến tình trạng đau có chu kỳ, co thắt cơ, mất cân bằng khớp nối giữa xương hàm và xương sọ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người bệnh.

Kasim Hoàng Vũ gầy gò, gương mặt khó nhận ra do bạo bệnh. Ảnh VTC News

Viêm khớp thái dương hàm diễn ra ở một hoặc cả hai bên mặt. Lúc đầu, cơn đau vùng má hoặc thái dương ở mức độ nhẹ và có thể tự khỏi. Khi bệnh diễn biến nặng, đau với tần suất liên tục, dữ dội, nhất là lúc ăn và nhai, phát ra âm thanh lục cục kèm theo một vài biểu hiện khác như nhức đầu, đau mặt, mỏi cổ, đau nhức tai, 2 bên thái dương, mệt mỏi, mọc hạch ở một hoặc cả hai bên, sưng to cơ nhai khiến gương mặt to ra mất cân đối.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng trật khớp, dính khớp khiến người bệnh đau đớn và không thể mở miệng.

5 thói quen hàng ngày có thể dẫn đến bệnh viêm khớp thái dương hàm

Nguyên nhân gây bệnh hàng đầu là các bệnh lý về xương khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, khớp nhiễm khuẩn, sau chấn thương vùng hàm do tai nạn…. Ngoài ra, 5 thói quen hàng ngày có thể gây bệnh gồm:

Siết chặt hàm: Nhiều người có thói quen nghiến hàm vô thức xảy ra do căng thẳng hoặc lo lắng mãn tính. Hành động này có thể tạo ra áp lực lớn lên răng, truyền đến khớp hàm, dẫn đến đau và viêm.

Nhai mạnh: Thói quen nhai ngoài bữa ăn có thể khiến các khớp và cơ hàm bị sử dụng quá mức, gây căng thẳng đến mức co thắt di chuyển đến cổ và đầu. Các thói quen liên quan đến căng thẳng, như nhai kẹo cao su, thuốc lá, bút chì, đá viên và các đồ vật khác. Ví dụ, nhai kẹo cao su trung bình 20 phút cho mỗi miếng, một số người có thói quen nhai một bên nhiều hơn, dẫn đến một bên khớp thái dương hàm phải làm việc quá mức, dẫn đến đau và viêm.

Ngoài ra, chế độ ăn nhiều thực phẩm cứng và dai như rau sống, thịt khô cũng góp phần gây thoái hóa sụn hàm.

Sử dụng răng không đúng chức năng: Sử dụng răng cho các chức năng khác ngoài việc nhai thức ăn làm tăng khả năng mắc bệnh. Ví dụ dùng răng để mở chai, xé băng dính và cắn vỏ hạt, các khớp hàm phải chịu các chuyển động và áp lực không tự nhiên. Ngoài việc làm sứt, mẻ răng, những thói quen này còn gây mất cân bằng giữa hàm trên và hàm dưới, gây áp lực lên các cơ và dây chằng xung quanh, gây đau mãn tính và viêm.

Tư thế xấu và nằm sấp: Tư thế gù lưng làm kéo căng quá mức cổ và hàm dưới về phía trước, gây mất cân bằng các khớp hàm và lệch khớp cắn. Hay nhiều người có thói quen tì hàm vào tay khi học, lướt mạng xã hội hoặc xem TV. Tư thế này có thể thoải mái, nhưng có thể gây áp lực tác động lên hàm, đẩy vào khớp, khiến đĩa đệm lệch khỏi vị trí và gây đau khi đóng mở hàm. Ngủ nằm sấp sẽ gây thêm áp lực lên hàm vì đầu, cổ và lưng không thẳng hàng.

Ăn những miếng lớn: khi cắn những miếng thức ăn quá lớn so với miệng, khiến hàm phải mở rộng quá mức để chứa những miếng thức ăn lớn hơn, điều này làm trầm trọng thêm cơn đau và có thể gây trật khớp hàm, gây đau mạn tính và viêm.

Điều trị bệnh viêm khớp thái dương hàm

Để điều trị bệnh này cần được thực hiện ở bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh có bác sĩ chuyên sâu về bệnh lý này và tùy thuộc nguyên nhân, mức độ bệnh. Để giảm đau khớp và đau các cơ, bệnh nhân sẽ được chỉ định một số thuốc giảm đau. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm các phương pháp vật lý trị liệu (chiếu tia hồng ngoại, xoa bóp cơ, chườm nóng…). Tiếp theo là phương pháp đeo máng nhai, nhằm giảm tác động của việc nghiến răng và điều chỉnh khớp cắn.

Từng có vẻ ngoài lãng tử, phong trần, giờ đây Kasim Hoàng Vũ trở nên hốc hác, gầy rộc vì bạo bệnh. Ảnh: VTC News

Nếu các tác nhân răng hàm mặt là nguyên nhân gây bệnh, người bệnh sẽ được điều trị bằng các phương pháp chỉnh hình như niềng răng, nhổ bỏ răng, điều chỉnh khớp cắn, phục hình thẩm mỹ răng hoặc phẫu thuật xương ổ răng… Khi đáp ứng điều trị tốt thì bệnh có thể khỏi sau vài ngày.

Các trường hợp nặng, gồm cấu trúc xương trong khớp hàm bị mòn; khối u ở trong hoặc xung quanh khớp; khớp bị sẹo, dính khớp cần phẫu thuật cắt xương hàm, nhằm giúp giảm đau và tình trạng cứng hàm.

Với các trường hợp bệnh nặng, nguyên nhân phức tạp, quá trình điều trị có thể kéo dài cả năm, đôi khi phải sống chung với bệnh suốt đời và cuộc sống của người bệnh có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Do vậy, để phòng ngừa mắc bệnh, mọi người cần tránh 5 thói quen kể trên và khi có biểu hiện bệnh, cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa khám bệnh và điều trị. Bệnh viêm khớp xương hàm mặc dù là một bệnh nhẹ, song việc điều trị không hiệu quả có thể dẫn đến biến chứng nặng nề về sau.

Theo: Kênh 14.vn

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận