Chủ đề
Hà Nội, TP.HCM nằm trong top 50 thành phố ô nhiễm, làm gì bảo vệ sức khỏe?
Chúng ta luôn hô hào phong trào sống xanh, bảo vệ môi trường, nhưng mỗi ngày hàng triệu tấn rác thải nhựa vẫn thải ra môi trường, chất lượng không khí vẫn ngày càng tệ hơn.
Người nào cũng nghĩ đây là việc lớn, việc chung mà chưa thực hành “sống xanh”.
Bắt đầu từ hành động nhỏ
Mỗi ngày không khó để bắt gặp những bà nội trợ xách hàng chục túi nilông đi chợ về, mua thức ăn nhanh đựng trong bao bì sử dụng một lần. Đây là bắt nguồn của những bãi rác ngổn ngang lẫn lộn rác thải hữu cơ, vô cơ.
Bà N.T.H., 58 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM, nói bà biết muốn giữ gìn môi trường thì các loại rác cần được phân loại, rác tái chế được để riêng. Nhà bà cũng hay sử dụng loại pin tiểu, pin cạn nếu theo đường thu gom rác thông thường thải ra môi trường thì rất độc hại vì chứa nhiều chì. Tuy nhiên hiện chưa có quy định rõ việc người dân phải phân loại rác, bà H. vẫn cho pin không sử dụng được nữa vào túi rác thông thường.
Còn chị Mai (35 tuổi, Hà Nội) gần ba năm qua đã thay đổi thói quen sử dụng túi nilông hằng ngày. Chị kể một lần xem được phóng sự về rác thải nhựa đang làm ảnh hưởng đến đại dương, sinh vật chết vì ăn phải các loại rác thải nên đã thay đổi thói quen của mình.
“Tiện lợi là điều ai cũng muốn nhưng tôi nghĩ rằng vì phục vụ bản thân mà gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh, sau đó ảnh hưởng đến bản thân thì tại sao mình không thay đổi”, chị Mai nói.
Chị cho hay thay vì dùng túi nilông, khi đi chợ chị sẽ đem theo túi vải, hộp nhựa dùng nhiều lần để đựng đồ ăn. Có người chê “làm vậy lích kích”, “ai chẳng dùng túi nilông”, nhưng chị Mai vẫn cố gắng thực hiện. Giờ đây, sau ba năm, việc đó đã trở thành thói quen của chị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM, cũng cho rằng để hạn chế ô nhiễm, mỗi người phải tự ý thức bảo vệ môi trường.
Các con đường nên có những thùng rác, nơi đổ rác nên gắn camera, người bỏ rác không đúng nơi quy định phải bị phạt hành chính.
“Nepal trước đây rất bẩn nhưng gần đây đã thay đổi rất nhiều. Môi trường ở đây hiện đã rất sạch sẽ, người bỏ rác không đúng chỗ sẽ bị phạt rất nặng. Vai trò quản lý nhà nước rất quan trọng và phải nên tăng cường phạt, tuyên truyền mới tăng cường được ý thức tốt cho người dân”, ông Nam nêu.
Bác sĩ Vũ Văn Giáp, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho rằng mỗi người cần chung tay để bảo vệ môi trường sống trong lành hơn.
Việc đốt vàng mã quá nhiều, đặc biệt ngày rằm và mùng 1, khu vực ngoại thành Hà Nội vào vụ thu hoạch người dân lại đốt rơm rạ khiến bầu không khí thủ đô thêm ngột ngạt và ô nhiễm nặng nề hơn.
Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân thủ đô nên chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch để đun nấu, thay bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Khi dừng đèn đỏ, hãy tắt các phương tiện giao thông, thấy xe ô tô nào phát thải nhiều khói bụi, công trình xây dựng nào không che chắn kỹ, cần lên tiếng nhắc nhở.
Ngoài ra mỗi người hãy là một thành viên tích cực, có ý thức bảo vệ môi trường: hãy trồng thêm cây xanh, không đốt vàng mã, sử dụng nguyên liệu sạch, giảm thiểu túi nilông…
Chủ động bảo vệ sức khỏe
Theo thống kê trên thế giới, hai thành phố lớn của nước ta là TP.HCM và Hà Nội đều nằm trong top 50 thành phố bị ô nhiễm không khí trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cảnh báo tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người.
Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp. Ô nhiễm không khí có thể kích thích trực tiếp đến các đường thở gây ho, khó thở, nặng ngực, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp.
Theo TS Trần Anh Tuấn – trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, ô nhiễm không khí không chỉ tác hại đến người lớn mà tất cả các lứa tuổi, làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, thậm chí viêm phổi, viêm tai giữa.
“Một bệnh tưởng chừng không liên quan đến ô nhiễm không khí là viêm tiểu phế quản, bệnh này chỉ gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, những cháu viêm tiểu phế quản mà thêm ô nhiễm không khí bệnh sẽ nặng thêm”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn kể thực tế quá trình điều trị bệnh, đội ngũ bác sĩ đã thấy rõ điều này. Tần suất mắc bệnh hen của trẻ em ở Hà Nội và TP.HCM rất cao. Theo những nghiên cứu trước đây, tại TP.HCM tỉ lệ hen ở trẻ em là 29%, trong khi cùng thời điểm tại Cần Thơ hoặc Lâm Đồng tỉ lệ này chỉ là 5%. Điều này cho thấy ô nhiễm không khí đã có tác hại rõ rệt lên bệnh hen.
Trẻ bị ho, điều trị thông thường từ 10-14 ngày là hết nhưng có nhiều trẻ phải điều trị kéo dài cả tháng. Hỏi ra, bác sĩ mới biết nguyên nhân là do bệnh nhi sống trong những vùng bị ô nhiễm như nhà ngay mặt tiền đường, phải hít nhiều khói bụi hoặc xung quanh nơi ở là các hộ gia đình sản xuất cao su, thủy tinh, cưa gỗ…
Ông Giáp cũng cho rằng khi chất lượng không khí kém, khói bụi trong môi trường thì ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là người có sẵn bệnh lý về hô hấp. Người bệnh sẽ thấy khó thở, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện.
Nghiên cứu cho thấy thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc ô nhiễm không khí thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch tăng cao hơn, vì vậy người mắc bệnh hô hấp khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu.
Theo Tuổi Trẻ