Chủ đề
Vì sao ăn trứng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer?
Nhiều nghiên cứu tìm hiểu về chế độ ăn uống hoặc thực phẩm nhất định hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và trứng là một trong những phát hiện mới nhất liên quan đến căn bệnh này.
1. Ăn trứng có thể hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là một tình trạng thần kinh trong đó tế bào não chết đi gây ra sự suy giảm kỹ năng tư duy và trí nhớ. Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng mất trí nhớ. Tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ khác nhau giữa các khu vực địa lý, nhìn chung nó tăng lên đều đặn do dân số già đi.
Mặc dù không có cách nào chắc chắn ngăn ngừa bệnh Alzheimer, các nhà nghiên cứu vẫn liên tục tìm hiểu xem liệu một số chế độ ăn uống hoặc thực phẩm nhất định có thể hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh hay không.
Các nghiên cứu trước đây trong một nhóm đối tượng triển vọng Địa Trung Hải cho thấy rằng, việc tiêu thụ trứng ở mức độ vừa phải có liên quan đến việc giảm 10% nguy cơ tử vong do các bệnh thoái hóa thần kinh.
Nghiên cứu mới nhất trong hành trình tìm kiếm mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và phòng ngừa bệnh Alzheimer đều liên quan đến trứng. Để xác định xem việc tiêu thụ trứng có liên quan đến bất kỳ tác động nào đến bệnh Alzheimer hay không, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ nhóm Rush Memory and Aging Project (Dự án Trí nhớ và Lão hóa), dựa trên thông tin từ các bảng câu hỏi về tần suất ăn uống để theo dõi tần suất tiêu thụ trứng của những người tham gia. Nghiên cứu này bao gồm dữ liệu từ 1.024 người lớn.
Sau đó, các nhà nghiên cứu tập trung vào một chất dinh dưỡng cụ thể có trong lòng đỏ trứng – choline – có liên quan đến sức khỏe não bộ.
Trong thời gian theo dõi trung bình 6,7 năm, 280 người tham gia (27,3%) được chẩn đoán lâm sàng mắc chứng mất trí nhớ Alzheimer. Kết quả phân tích cho thấy việc tiêu thụ hơn một quả trứng mỗi tuần có liên quan đến việc giảm 47% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. 39% tổng tác dụng của trứng đối với các trường hợp mắc bệnh Alzheimer có liên quan đến choline trong chế độ ăn uống.
Nghiên cứu này dựa trên những phát hiện từ một nghiên cứu trước đó, trong đó phát hiện ra rằng ngay cả việc tiêu thụ trứng hạn chế (khoảng 1 quả/tuần) cũng có liên quan đến tốc độ suy giảm trí nhớ chậm hơn so với việc ăn ít hoặc không ăn trứng.
2. Vai trò của choline trong trứng với chức năng não
Choline là một chất dinh dưỡng quan trọng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, đặc biệt là chức năng não. Do có đặc tính và lợi ích tương tự, choline thường được xếp vào nhóm vitamin B.
Trứng có giá trị dinh dưỡng đặc biệt vì chúng giàu acid amin thiết yếu, tất cả các vitamin nhóm B, folate, vitamin tan trong chất béo và khoáng chất như phốt pho, selen, sắt, iốt, kẽm.
Trứng cũng là nguồn cung cấp rộng rãi các hợp chất hoạt tính sinh học như choline, lutein, zeaxanthin và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác, có tác động tích cực đến sức khỏe, đặc biệt là đến nhận thức
Một trong những nguồn choline phong phú và dễ tiếp cận nhất là lòng đỏ trứng. Choline góp phần vào quá trình tổng hợp acetylcholine, một chất dẫn truyền thần kinh cần thiết cho trí nhớ, tâm trạng và kiểm soát cơ bắp. Do đó, đảm bảo lượng choline đầy đủ có thể hỗ trợ chức năng nhận thức và giúp ngăn ngừa một số rối loạn thần kinh.
Theo SK&ĐS
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết hầu hết tất cả các chất dinh dưỡng đều tập trung trong lòng đỏ trứng. Lòng trắng trứng chủ yếu bao gồm protein. Một quả trứng gà sống chứa 147mg choline. Những người khỏe mạnh có thể ăn tối đa 1 quả trứng mỗi ngày.