Chủ đề
Người Việt Nam béo bụng hơn cả người châu Âu
Người châu Á, trong đó có Việt Nam, có mức độ béo bụng cao hơn người châu Âu, khác với những suy nghĩ lâu nay.
Đó là thông tin khá thú vị được đưa ra tại Hội nghị khoa học về bệnh nội tiết đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần thứ 12 diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 19 đến 21-7.
Cần giảm béo bụng
Trao đổi tại hội nghị, TS Lâm Văn Hoàng – trưởng khoa nội tiết Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM – cho biết mỡ trên cơ thể người được phân chia thành nhiều loại gồm mỡ trắng, mỡ nâu, mỡ nội tạng, mỡ dưới da.
Trong đó, mỡ nội tạng và mỡ dưới da được quan tâm nhiều. Đặc biệt tích lũy mỡ nội tạng góp phần dẫn đến béo bụng, là một yếu tố nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa và nhiễm độc mỡ.
Theo bác sĩ Hoàng, vòng eo là một thước đo mỡ nội tạng dễ thực hiện.
Mỡ nội tạng tỉ lệ thuận với vòng eo. Có nhiều cách khác nhau để ước lượng mỡ nội tạng như đo vòng eo, tỉ lệ eo – hông và eo – chiều cao, chụp CT, MRI…
Bác sĩ Hoàng dẫn nghiên cứu chứng minh rằng có sự khác nhau giữa giới tính, dân tộc… để chẩn đoán béo bụng. Người châu Á, Việt Nam có mức độ béo bụng cao hơn người châu Âu với cùng một vòng eo.
“Với những ảnh hưởng đến sức khỏe của mỡ nội tạng – béo bụng, thì mục tiêu của điều trị béo phì nên hướng đến việc giảm mỡ nội tạng, cải thiện những dấu chỉ chuyển hóa cho người bệnh để mang lại nhiều lợi ích sức khỏe”, bác sĩ Hoàng nêu.
Nguy cơ mắc nhiều bệnh nếu thừa cân, béo phì
Bác sĩ Nguyễn Thị Lựu, phó khoa thận – tiết niệu Bệnh viện Nội tiết trung ương, cho biết tại Việt Nam, tỉ lệ béo phì và các bệnh đi kèm liên quan ngày càng tăng.
Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng 2017 – 2022, Việt Nam đã chứng kiến xu hướng gia tăng đáng lo ngại về tình trạng béo phì, với sự gia tăng đáng kể về tỉ lệ mắc bệnh này trong hai thập kỷ qua.
“Tỉ lệ béo phì ở người trưởng thành đã tăng lên, đạt khoảng 26,8% ở khu vực thành thị và 18,3% ở nông thôn. Hơn nữa, tỉ lệ béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên cũng cho thấy sự gia tăng đáng báo động, nhấn mạnh tính cấp thiết của các biện pháp can thiệp phù hợp nhắm vào các nhóm tuổi khác nhau trong dân số Việt Nam”, bác sĩ Lựu cho hay.
PGS.TS Trần Thị Thanh Hóa – nguyên phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương – cho biết thừa cân, béo phì là một trong những nguy cơ của nhiều bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư.
Khoảng 80% người mắc bệnh tim mạch có thừa cân béo phì. Khoảng 50% nguy cơ bệnh mạch vành và khoảng 25% nguy cơ đột quỵ do thừa cân hoặc béo phì. Bà Hóa cho rằng giảm cân giúp cải thiện các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch và các biến cố tim mạch bất lợi.
Theo Thanh Niên
Kết hợp nhiều yếu tố để giảm cân
TS Nguyễn Tiến Sơn – phó chủ nhiệm khoa khớp, bộ môn khớp và nội tiết Bệnh viện Quân y 103 – cho biết việc quản lý béo phì hiệu quả đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và phối hợp nhiều yếu tố gồm tư vấn, điều trị từ các nhân viên y tế, hỗ trợ thay đổi lối sống cá nhân, sự đồng hành của gia đình, các câu lạc bộ, hội nhóm giảm cân…
Trong đó, theo bác sĩ Sơn, chế độ ăn kiêng và tập luyện đóng vai trò then chốt trong mô hình điều trị và thường là biện pháp can thiệp đầu tiên những người béo phì áp dụng.
Các bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân thay đổi chế độ ăn, cải thiện thói quen ăn uống, tăng cường hoạt động thể chất và tới gặp các chuyên gia dinh dưỡng để duy trì quản lý cân nặng lâu dài, bền vững.