Chủ đề
6 bệnh truyền nhiễm trẻ em có nguy cơ cao mắc phải
Do đặc điểm lứa tuổi, điều kiện sinh hoạt, học tập tập thể, cùng các nguy cơ bệnh dịch ngoài môi trường, khiến trẻ em trong độ tuổi đi học dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Ở trẻ em do đặc điểm có một số yếu tố quan trọng gồm độ tuổi, khả năng miễn dịch, dinh dưỡng, cấu tạo gen và bệnh lý đi kèm có thể ảnh hưởng đến việc mắc bệnh truyền nhiễm.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ trong độ tuổi đến trường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì hệ thống miễn dịch chưa được hoàn thiện, trẻ có xu hướng đưa mọi thứ vào miệng và hiếm khi rửa tay sạch.
Theo nghiên cứu, trẻ em nhất là ở độ tuổi học đường như nhà trẻ, mầm non, tiểu học… dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Nguyên nhân là do trẻ có nhiều tiếp xúc, sinh hoạt ở lớp học, nhà trẻ ở trường nên nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao.
Ngoài ra, đối với trẻ em sức đề kháng yếu hơn người lớn nên khi có các tác nhân bên ngoài như thời tiết thay đổi, dịch bệnh… trẻ dễ bị vi khuẩn, virus có hại tấn công và gây bệnh, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sự phát triển. Một số bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng về sức khỏe thể chất, tinh thần, sức khỏe sinh sản sau này, thậm chí tử vong.
1. Tay chân miệng
Tay chân miệng là căn bệnh phổ biến ở trẻ em. Bệnh rất dễ lây lan ở các khu vui chơi, lớp học và nhà trẻ. Tuy rằng 90% các trường hợp mắc bệnh đều tự khỏi nhưng trẻ sơ sinh và trẻ mới tập đi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn bệnh toàn phát. Bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi và đặc biệt thường gặp ở trẻ mầm non dưới 3 tuổi và dưới 5 tuổi.
Sarah Kohl, MD, Phó giáo sư lâm sàng về nhi khoa tại Đại học Y Pittsburgh, đồng thời là người sáng lập của TravelReadyMD, giải thích: “Bệnh tay chân miệng là một loại bệnh nhiễm trùng. Cái tên nghe có vẻ hài hước này bắt nguồn từ phát ban thường xuất hiện trên bàn tay, bàn chân và miệng (cũng như mụn nước nổi lên trong miệng) của những người bị nhiễm bệnh. Virus này thường biểu hiện bằng một cơn sốt; người bệnh có thể sốt rất cao trước khi phát ban”.
Đặc điểm của bệnh tay chân miệng ở trẻ:
Sốt: Sốt cao thường là dấu hiệu đầu tiên của virus, sốt có thể kèm theo phát ban hoặc không.
Phát ban: Các nốt đỏ có thể xuất hiện trên lòng bàn tay, lòng bàn chân và quanh miệng; cũng như trên đầu gối, khuỷu tay, thân mình, mông và vùng sinh dục của trẻ.
Khó chịu: Con bạn có thể sẽ cáu kỉnh hoặc khó chịu hơn bình thường rất nhiều, ngay cả khi bé không bị phát ban hoặc sốt.
Chán ăn, bỏ ăn: Nếu con bạn đột nhiên không ăn hoặc không muốn uống, đó có thể là dấu hiệu cho thấy những vết phồng rộp trong miệng và họng đang làm trẻ khó chịu.
Đau họng: Nếu con bạn kêu đau họng thì những chứng tỏ nốt phồng rộp trong cổ họng đã làm trẻ bị đau.
2. Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi siêu vi trùng Dengue. Đây là căn bệnh có thể lây truyền nếu như bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. So với người lớn thì trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh hơn.
Bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra quanh năm, nhưng phổ biến hơn cả là vào mùa mưa. Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ có nhiều điểm giống với sốt xuất huyết ở người lớn. Khi bị nhiễm virus gây bệnh sẽ mắc phải một trong 2 trường hợp là biểu hiện ra bên ngoài hay xuất huyết nội tạng.
3. Sởi
Bệnh sởi là bệnh lây truyền cấp tính qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Bệnh có đặc điểm lâm sàng là sốt, viêm kết mạc mắt, viêm long đường hô hấp và tiêu hóa, còn xuất hiện phát ban dát đỏ mọc tuần tự từ mặt đến thân mình. Đặc biệt, đối với bệnh sởi ở trẻ em nếu không kịp thời phát hiện có thể sẽ phát triển thành dịch bệnh gây nguy hiểm.
Bệnh sởi ở trẻ em diễn biến nhanh và nguy hiểm vì khoảng thời gian lý tưởng mà khiến bệnh sởi phát rơi vào mùa đông xuân. Tuy nhiên, thời gian gần đây dịch sởi có thể bùng phát bất kỳ ở thời điểm nào trong năm. Đặc biệt, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh sởi ở trẻ em. Phương pháp điều trị cơ bản chỉ là khắc phục triệu chứng bệnh, đồng thời kết hợp với việc cải thiện chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
4. Rubella
Rubella là bệnh truyền nhiễm thường gặp vào mùa xuân. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em và người có hệ miễn dịch suy yếu do chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Một trong những dấu hiệu thường gặp của Rubella là sốt phát ban với những vết nổi có màu hồng kèm thêm sốt cao kéo dài.
Cả bệnh Rubella và bệnh sởi kể trên đều rất dễ lây lan và dễ tạo thành các ổ dịch tại trường học, nhà trẻ,…
Con đường lây truyền của bệnh là:
– Đường hô hấp, thông qua dịch tiết mũi, họng, giọt bắn qua ho và hắt xì,…
– Tiếp xúc với các bề mặt nhiễm mầm bệnh
Vì thế phụ huynh cần cho trẻ tiêm phòng vaccine Sởi và Rubella theo phác đồ của chương trình Tiêm chủng mở rộng đầy đủ.
5. Viêm phổi do phế cầu
Viêm phổi do phế cầu là bệnh do vi khuẩn Streptococcus Pneumoniae gây ra. Vi khuẩn này cư trú chủ yếu tại mũi, họng và tại đường thở của người khoẻ mạnh – được gọi là người lành mang trùng.
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm phổi do phế cầu. Vi khuẩn phế cầu ngoài viêm phổi còn có thể gây ra nhiều bệnh lý khác cho trẻ như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm màng não,… Vì vậy cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ giúp bảo vệ trẻ, nhất là khi trẻ tới độ tuổi đi học.
6. Cảm lạnh thông thường
Cảm lạnh thông thường phổ biến ở trẻ em với tỷ lệ tái phát và thời gian gặp phải các triệu chứng kéo dài hơn so với người lớn.
Bệnh lây từ người mang mầm bệnh sang người lành qua nhiều con đường khác nhau, chủ yếu là tiếp xúc trực tiếp với virus. Thời gian dễ lây nhất là trong 2 – 4 ngày đầu khi tiếp xúc với người bệnh.
Để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm ở trẻ, cha mẹ cần:
– Giúp trẻ rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi đi học về, trước và sau khi ăn, sau khi vệ sinh, sau khi ho hoặc hắt hơi,…
– Vệ sinh sạch sẽ đồ chơi, phòng ngủ, chăn ga gối, thảm,… mà trẻ tiếp xúc thường xuyên. Đồng thời vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, tránh tạo điều kiện cho mầm bệnh sinh sôi
– Đeo khẩu trang khi đến những khu vực đông người- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ bao gồm đánh răng, rửa mặt, tắm rửa,…
– Hạn chế việc trẻ đi chân trần ở những nơi không hợp vệ sinh- Không ăn uống ở các hàng quán không hợp vệ sinh vỉa hè,…
Theo GĐ&PL