Báo cáo được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh về Viêm gan Thế giới hồi tháng 4 cho thấy viêm gan siêu vi là bệnh truyền nhiễm gây tử vong lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau lao phổi, với 1,3 triệu người chết mỗi năm. Các nhà khoa học nhận định dù giá thuốc giảm, công cụ chẩn đoán và chữa bệnh tốt, tỷ lệ tiêm chủng bao phủ và điều trị vẫn chững lại.
Dù vậy, WHO cho rằng thế giới vẫn có thể đạt được mục tiêu đẩy lùi căn bệnh vào năm 2030 nếu thực hiện các hành động nhanh chóng ngay bây giờ.
Dữ liệu mới từ 187 quốc gia ước tính số ca tử vong do viêm gan siêu vi tăng từ 1,1 triệu người vào năm 2019 lên 1,3 triệu người vào năm 2022. Trong đó, 83% là do viêm gan B và 17% là do viêm gan C. Mỗi ngày có 3.500 người chết trên toàn cầu do nhiễm viêm gan B và C.
“Báo cáo này vẽ ra một bức tranh đáng lo ngại: Mặc dù việc ngăn ngừa viêm gan có tiến bộ trên toàn cầu, số ca tử vong vẫn gia tăng do có quá ít người được chẩn đoán và điều trị”, Tổng giám đốc WHO, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
WHO cam kết hỗ trợ các quốc gia sử dụng tất cả công cụ phòng ngừa và xử lý bệnh tật, với giá cả hợp lý để cứu sống người dân và xoay chuyển tình hình hiện tại.
Theo cơ quan y tế Liên Hợp Quốc, năm 2022, 254 triệu người mắc bệnh viêm gan B và 50 triệu người bị viêm gan C. Một nửa gánh nặng nhiễm viêm gan B và C mạn tính là ở người 30–54 tuổi, với 12% trẻ dưới 18 tuổi. Nam giới chiếm 58% trong tất cả các trường hợp.
Tỷ lệ mắc mới giảm nhẹ so với năm 2019, nhưng tỷ lệ viêm gan siêu vi nói chung vẫn ở mức cao. Năm 2022, thế giới có 2,2 triệu ca nhiễm mới, giảm so với con số 2,5 triệu của năm 2019.
Tại các châu lục, chỉ 13% số người nhiễm viêm gan B mạn tính được chẩn đoán, khoảng 3% (7 triệu người) đã điều trị bằng thuốc kháng virus, tính đến cuối năm 2022. Con số ở bệnh viêm gan C lần lượt là 36% và 20%. Những kết quả này thấp hơn nhiều so với mục tiêu toàn cầu là điều trị 80% số người mắc bệnh viêm gan B và viêm gan C mạn tính năm 2030. Tuy nhiên, WHO nhận định có sự cải thiện nhẹ, nhất quán trong phạm vi chẩn đoán, điều trị.
Bangladesh, Trung Quốc, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Pakistan, Philippines, Nga và Việt Nam cùng gánh chịu hai phần ba gánh nặng toàn cầu về bệnh viêm gan B và C.
Dù thế giới đã có sẵn các loại thuốc điều trị với giá phải chăng, nhiều quốc gia vẫn không thể tiếp cận. Sự chênh lệch về giá vẫn tồn tại cả trong và ngoài các khu vực của WHO. Nhiều nước phải trả mức phí cao hơn chuẩn toàn cầu, kể cả với các thuốc không có bằng sáng chế và được đưa vào các thỏa thuận cấp phép thử nghiệm.
Ví dụ, tenofovir (điều trị viêm gan B) không có bằng sáng chế, có giá chuẩn toàn cầu là 2,4 USD cho mỗi tháng sử dụng. Nhưng chỉ 7 trong số 26 quốc gia có thể trả giá bằng hoặc thấp hơn giá chuẩn. Tương tự, một liệu trình sofosbuvir/daclatasvir điều trị viêm gan C (12 tuần) có mức giá chuẩn toàn cầu là 60 USD. Tuy nhiên chỉ 4 trong số 24 quốc gia báo cáo mức giá bằng hoặc thấp hơn giá chuẩn.
Mặt khác, nhiều nhóm dân cư bị ảnh hưởng phải tự trả chi phí điều trị viêm gan siêu vi. Chỉ 60% các quốc gia báo cáo cung cấp xét nghiệm và điều trị bệnh miễn phí (toàn bộ hoặc một phần) ở các bệnh viện công. Bảo hiểm ở khu vực châu Phi thấp hơn cả. Tại đây, chỉ khoảng một phần ba số quốc gia không yêu cầu trả phí cho dịch vụ khám và điều trị.
Theo VNE