Chủ đề
Canh rau rút, khoai sọ – món ăn giải nhiệt nhiều lợi ích trong những ngày nắng nóng
Rau rút có thể nấu canh với khoai sọ, thêm cua hoặc tôm, cá, thịt heo, thịt gà… Những món ăn này có tác dụng tạo cảm giác ngon miệng, mát, bổ, làm cho dễ ngủ.
Những ngày nắng nóng gay gắt chỉ ngồi không cũng đã thấy mệt. Ngoài việc chọn uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, bà N.T.L., 60 tuổi, kể bà ráng tìm những món ăn giải nhiệt, dễ ăn để nấu cho mình cùng con cháu ăn.
Món rau rút nấu canh cua với khoai sọ là món bà thường chọn nấu trong những ngày gần đây.
Rau rút giải nhiệt độc, chữa chứng mất ngủ
Theo bà L., khoai sọ chín bở ngấm nước ngọt từ cua rất đậm đà, phần rau rút giòn xanh nổi bật với lớp thịt và riêu cua béo ngậy sẽ là món canh tuyệt vời, bổ dưỡng cho gia đình bà.
Bác sĩ Ngô Thị Bạch Yến – trưởng đơn vị điều trị – chăm sóc da và làm đẹp, khoa khám bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM – cho biết rau rút còn có tên rau nhút, là cây thân thảo nổi trên mặt nước, quanh thân có phao trắng, lá kép lông chim.
Rút là loại rau ăn rất thông dụng, thường được nấu canh với khoai sọ và riêu cua. Rau rút có mùi thơm đặc biệt như mùi nấm hương, thân ăn giòn…
Thành phần dinh dưỡng của rau bao gồm amin leucin, theonin, vitamin B12, methionin cùng hàm lượng protein rất cao. Rau rút có hàm lượng protein cao vượt xa các loại rau khác như xà lách, mồng tơi, rau muống.
Rau rút có thể nấu canh với cua, khoai sọ hoặc với tôm, thịt lợn nạc, thịt gà… Những món ăn này có tác dụng ngon miệng, mát, bổ, làm cho dễ ngủ.
Theo y học cổ truyền, rau rút có vị ngọt, tính hàn, không độc, tác dụng an thần, mát gan, giải nhiệt độc, có tác dụng chữa chứng mất ngủ, trị nóng trong sinh mụn… làm thông huyết mạch, điều hòa tỳ vị, thông thủy đạo, lợi tiểu tiện, tiêu viêm, nhuận tràng, hạ sốt.
Rau rút cũng được coi là một liều thuốc tự nhiên cho người mất ngủ nhờ vào hàm lượng vitamin B12 đáng kể của nó. Vitamin B12 trong rau rút có thể giúp cơ thể sản xuất melatonin, một chất cần thiết để thư giãn tâm trí và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Hàm lượng vitamin B12 trong rau rút không chỉ giúp điều trị mất ngủ mà còn có vai trò quan trọng trong việc hình thành hồng cầu trong máu.
Điều này giúp ngăn ngừa thiếu máu bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận chuyển oxy trong máu, cung cấp dinh dưỡng cho các tế bào cơ thể.
Ngoài ra, rau rút cũng là một nguồn tốt của chất đạm, cần thiết cho cấu trúc và duy trì hoạt động của tế bào. Chất đạm giúp tạo năng lượng và bảo vệ sức khỏe tổng thể.
Rau rút cung cấp lượng chất xơ đáng kể, làm mềm phân và hỗ trợ tiêu hóa, giúp giảm táo bón. Điều này chứng tỏ rau nhút là một thực phẩm tốt cho người có vấn đề về tiêu hóa.
Cuối cùng, rau rút cung cấp nhiều khoáng chất quan trọng cho sức khỏe xương và khớp, như phốt pho, canxi và kẽm. Điều này giúp củng cố xương, giảm đau nhức xương khớp, tăng tính linh hoạt cho xương.
Rau rút mặc dù là một thực phẩm tự nhiên và an toàn, nhưng vẫn cần tuân thủ một số quy tắc sau khi có quyết định bổ sung loại rau này vào chế độ ăn uống.
Rau rút có tính hàn, điều này có thể gây ra tình trạng đau bụng hoặc tiêu chảy, đặc biệt là ở trẻ em và người có sức kháng yếu. Hãy ăn rau rút vừa đủ và dựa theo tình trạng sức khỏe của bạn.
Phụ nữ mang thai cần đặc biệt lưu ý khi ăn rau rút, nhất là ăn rau rút sống. Rau nhút thường mọc dưới nước, nơi mà có khả năng nhiễm các mầm bệnh nguy hiểm hoặc giun sán. Ăn phải rau rút nhiễm mầm bệnh này có thể gây hại cho thai nhi.
Theo một số nghiên cứu, rau rút có khả năng hút một số kim loại nặng như đồng, chì, kẽm từ môi trường sống của nó. Vì vậy, việc tiêu thụ quá nhiều rau rút có thể dẫn đến tích tụ kim loại nặng trong cơ thể.
Để đảm bảo an toàn, hãy tuân thủ nguyên tắc cân nhắc và đa dạng chế độ ăn uống hằng ngày, không tập trung quá nhiều vào một loại thực phẩm cụ thể.
Giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh mạn tính
Còn khoai sọ là nguồn cung cấp kali – chất khoáng quan trọng với tế bào và chất dịch trong cơ thể. Bằng cách phá vỡ lượng muối dư thừa, kali có thể kiểm soát và làm giảm huyết áp. Do đó góp phần ổn định nhịp tim và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
Không chỉ vậy, hàm lượng chất xơ chứa trong loại củ này còn có tác dụng giảm cholesterol – một yếu tố dẫn đến bệnh tim mạch, mạch vành. Do đó, thành mạch máu sẽ không bị xơ vữa, tắc nghẽn nên trái tim sẽ luôn hoạt động khỏe mạnh.
Ngoài ra, “tinh bột kháng” (thức ăn giúp vi khuẩn đường ruột phát triển) của khoai sọ cũng mang đến nhiều lợi ích như tăng độ nhạy của insulin trong cơ thể, giảm dự trữ chất béo, giảm phản ứng insulinemia,…
Cải thiện hệ tiêu hóa là lợi ích của khoai sọ, nhất là đối với những người đang bị táo bón, khó tiêu hay đầy hơi. Bởi vì trong thành phần của loại củ này chứa tới 27% chất xơ nên được phân giải và hấp thụ hoàn toàn.
Khoai sọ còn là loại thực phẩm chứa nhiều sắt và đồng là những khoáng chất cần thiết cho quá trình tái tạo máu. Bên cạnh việc tăng cường lưu thông máu, khoai sọ còn đẩy mạnh tốc độ trao đổi chất trong cơ thể. Vì vậy, với những người bị thiếu máu nên ăn những món ăn chế biến từ khoai sọ.
Trong khoai sọ còn có vitamin E, vitamin A là hai loại vitamin có khả năng chống lại sự lão hóa. Nếu bổ sung loại củ này, sẽ giảm thiểu và làm mờ được các nếp nhăn, vết thâm. Bên cạnh đó những tế bào bị hư hại cũng sẽ được làm trẻ hóa.
Bác sĩ Ngô Thị Bạch Yến nhấn mạnh 100g khoai sọ có thể cung cấp cho cơ thể khoảng 112 calo, trong khi khoai tây chỉ nạp vào 87 calo. Do đó, khoai sọ mang đến năng lượng dồi dào cho cơ thể.
Ngoài ra, lượng carbohydrate phức hợp trong khoai sọ còn có tác dụng làm chậm tiêu hóa giúp no lâu, đồng thời giảm cảm giác thèm ăn. Đặc biệt, chúng còn ít chất béo và giàu protein nên rất phù hợp với những người đang có mong muốn giảm cân.
Khoai sọ là loại thực phẩm chứa nhiều gluxit, cung cấp năng lượng cho hệ thần kinh hoạt động. Do đó những người mới ốm dậy, người gầy, người có dấu hiệu suy nhược cơ thể nên bổ sung khoai sọ vào các bữa ăn.
Theo Tuổi Trẻ