4 nguyên tắc ăn kiêng giúp bác sĩ 83 tuổi sống khỏe
Hữu Tín
9 tháng trước
MỸ_Ăn kiểu Địa Trung Hải, tránh thực phẩm chế biến sẵn, ít đường là những nguyên tắc giúp một bác sĩ kiêm vận động viên sung sức ở tuổi 83.
Joseph Maroon, bác sĩ giải phẫu thần kinh tại Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh, từng phải vật lộn để leo cầu thang ở tuổi 40.
“Tôi không có vóc dáng cân đối, sống nhờ đồ ăn nhanh và không tập thể dục”, ông viết trên trang web của mình.
Năm đó, sau khi cha qua đời, sức khỏe thể chất và tinh thần của ông chạm đáy. Nhưng sau khi một người bạn đề nghị ông thử chạy bộ để giảm bớt chứng trầm cảm, ông dần thay đổi lối sống, tập thể dục nhiều hơn và ăn uống tốt hơn.
Ở tuổi 53, Maroon lần đầu đăng ký tham gia cuộc thi ba môn phối hợp Ironman và đã hoàn thành tổng cộng tám môn kể từ đó. Maroon đứng thứ hai trong hạng tuổi của mình trong cuộc thi ba môn phối hợp tại Đại hội thể thao người cao tuổi Mỹ năm 2022.
Dưới đây là 4 cách giúp ông duy trì sức khỏe:
Thực hiện chế độ ăn kiêng kiểu Địa Trung Hải
Maroon tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải – chế độ ăn tốt nhất theo xếp hạng của US News & World Report trong 7 năm liên tiếp.
Đây là chế độ ăn uống chủ yếu dựa trên thực vật, tập trung vào thực phẩm nguyên chất, bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, các loại đậu và chất béo lành mạnh như dầu ô liu. Đôi khi chế độ này bao gồm một số cá béo và thịt đỏ.
Chế độ ăn Địa Trung Hải có vô số lợi ích sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và bệnh Alzheimer.
Tránh thực phẩm siêu chế biến
Thực phẩm siêu chế biến được tạo ra bằng các kỹ thuật khó thực hiện được tại nhà. Chùng có thể bao gồm các chất phụ gia như muối, đường và chất béo bão hòa, theo Nova, thang đo phân loại thực phẩm theo cách chế biến.
Một dấu hiệu nhận biết thực phẩm siêu chế biết là bề ngoài của nó trông không giống thành phần của nó – chẳng hạn như thanh protein hoặc xúc xích. Thực phẩm siêu chế biến có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh, bao gồm ung thư, mất trí nhớ và bệnh tim mạch.
Tránh axit béo chuyển hóa
Chất béo chuyển hóa có thể làm tăng mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp (cholesterol xấu) trong máu, đồng thời làm giảm mức cholesterol lipoprotein mật độ cao (cholesterol tốt), có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, theo Dana Ellis Hunnes, một chuyên gia chuyên gia dinh dưỡng cao cấp tại Trung tâm Y tế Đại học UCLA (Mỹ).
Chất béo chuyển hóa nhân tạo được tạo ra bằng cách hydro hóa dầu thực vật. Chúng thường được tìm thấy trong thực phẩm siêu chế biến đóng gói cho đến khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tuyên bố chất béo chuyển hóa không an toàn vào năm 2015.
Nhưng thực phẩm vẫn có thể chứa dưới 0,5 gram chất béo chuyển hóa một cách hợp pháp, theo Kristin Gillespie, chuyên gia dinh dưỡng. Chúng thường xuất hiện trong danh sách thành phần dưới dạng dầu “hydro hóa một phần” trong bơ thực vật, vỏ bánh làm sẵn, kem cà phê không sữa và đồ nướng đóng gói.
Ăn ít đường
Theo Maroon, chế độ ăn uống lành mạnh nhất không chứa rất nhiều thứ mà mọi người thích ăn, bao gồm cả đường.
Khi làm nghiên cứu, Heidi Tissenbaum, giáo sư về sinh học phân tử, tế bào và ung thư tại Trường Y khoa Chan thuộc Đại học Massachusetts, thấy rằng việc loại bỏ đường bổ sung khỏi chế độ ăn của giun tròn (vốn được sử dụng để mô hình hóa sức khỏe con người) liên quan đến việc tăng tuổi thọ. Người ta đưa ra giả thuyết rằng điều này là do khi cơ thể chuyển hóa đường, nó sẽ tạo ra các sản phẩm phụ có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh thận mãn tính và bệnh Alzheimer.
Theo Heidi, điều quan trọng là phải giữ lượng đường trong máu ổn định để tránh làm hao mòn cơ chế điều chỉnh đột biến mà tuyến tụy sử dụng – điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Tránh ăn thực phẩm siêu chế biến chứa nhiều đường bổ sung có thể giúp giải quyết vấn đề này vì ăn nhiều thực phẩm nguyên chất chứa nhiều chất xơ giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.