Chủ đề
Bé gái có mạch máu trong tim đảo lộn được cứu ngoạn mục trước thềm năm mới
Bé gái bị dị tật tim bẩm sinh rất phức tạp phải trải qua nhiều lần phẫu thuật đã kịp hồi phục, xuất viện về đón tết cùng gia đình.
Ngày 2/2, Tiến sĩ – bác sĩ Cao Đằng Khang – Trưởng Khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, một bé gái 8 tuổi mắc bệnh lý tim bẩm sinh vô cùng phức tạp, phải trải qua ba cuộc mổ với nhiều lần cận kề ranh giới sinh tử đã được cứu sống và hồi phục ngoạn mục ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024. Bé đã xuất viện về quê đón Tết trong niềm vui vỡ òa của gia đình và các y, bác sĩ.
Bệnh nhi tên là B. N. Q. C., sinh năm 2016 , nhà ở thị trấn Ea Drăng, huyện Ea Hleo (một huyện giáp biên giới), tỉnh Đắk Lắk.
Theo anh B. N. H., ba của bệnh nhi, từ khi con hơn 1 tuổi, gia đình đã thấy bé hay bệnh vặt và ho kéo dài. Vợ chồng anh đã đưa con đi khám ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa biết bé bị dị tật tim bẩm sinh. Mãi sau này, tình trạng sức khoẻ của bé ngày càng trầm trọng, bệnh viện địa phương nghi ngờ bé bất thường về tim mạch nên khuyên gia đình đưa bé xuống TPHCM.
Tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, bé C. được chẩn đoán bị dị tật tim một thất.
Đây là một dị tật bẩm sinh rất phức tạp, cuộc mổ sẽ phải đối diện với không ít nguy cơ, có thể bệnh nhi sẽ phải trải qua vài lần phẫu thuật. Gia đình bệnh nhân vô cùng khó khăn, không có đủ kinh tế để chạy chữa cho con. Các bác sĩ đã động viên ba mẹ bệnh nhi và vận động các mạnh thường quân, đề xuất phòng công tác xã hội của bệnh viện hỗ trợ chi phí điều trị, quyết tâm cứu bé gái. Bệnh nhi đã được hỗ trợ tổng số tiền điều trị hơn 600 triệu đồng.
Ca phẫu thuật lần đầu đã diễn ra vào năm 2018 khi bé C. được 2 tuổi. Lần phẫu thuật thứ 2 diễn ra vào ngày 21/11/2023 để sửa van nhĩ thất trung và tạo ra cầu nối ở ngoài tim bằng mạch nhân tạo giúp bệnh nhân mau hồi phục (phẫu thuật Fontan).
Không ngoài dự kiến, sau lần phẫu thuật thứ 2, bệnh nhi bị tràn dịch phổi trái kéo dài dẫn đến sức khỏe suy kiệt. Đây là diễn tiến thường gặp sau phẫu thuật Fontan. Đa số các ca khác có thể khắc phục bằng điều trị nội khoa. Thế nhưng bé C. lại đáp ứng kém nên bệnh viện đã phải hội chẩn liên chuyên khoa và quyết định phẫu thuật lần 3 để thắt ống ngực (cột hệ thống bạch huyết để không bị xì gây tràn dịch phổi nữa).
Ca phẫu thuật lần 3 diễn ra vào ngày 30/12/2023, bệnh nhi được cột cắt ống ngực đoạn sát cơ hoành qua đường mở ngực phải.
Ngay sau ca phẫu thuật, bé C. hồi phục thấy rõ qua từng ngày. Bé đã ăn uống được bình thường, rút ống dẫn lưu, sức khỏe ổn định. Bác sĩ Cao Đằng Khang nhận định, từ nay bé có thể đi học, tham gia các hoạt động sinh hoạt nhẹ nhàng. Ca tim một thất trước đây gần như không can thiệp phẫu thuật do rất mạo hiểm bởi nhiều rủi ro. Tỷ lệ trẻ bị dị tật tim một thất chiếm 7% – 8% trong các dị tật tim bẩm sinh nói chung. Nếu không được can thiệp phẫu thuật, hầu hết trẻ không sống được qua 6 tuổi.
Thấy con gái nhỏ thoát khỏi cơn thập tử nhất sinh, anh H. mừng mừng tủi tủi. Anh cho biết đã nhờ người mua được vé xe về quê, cha con anh sẽ trải qua quãng đường di chuyển 10 tiếng bằng xe khách là về tới nhà. Anh đã gọi điện báo về cho vợ, cả nhà đang vô cùng háo hức đợi cha con cùng sum vầy đón năm mới.
Theo Phụ Nữ Online