Chủ đề
Ám ảnh sợ xã hội nguy hiểm như thế nào?
Ám ảnh sợ xã hội là một trạng thái mà cá nhân có cảm giác sợ hãi, lo lắng và không thoải mái khi tiếp xúc với những tình huống xã hội.
Bệnh nhân ám ảnh sợ xã hội sợ các hoạt động mà bệnh nhân phải đối mặt với các người khác. Bệnh nhân ám ảnh sợ xã hội thường tránh xa các tình huống mà trong đó họ phải va chạm với những người khác hoặc phải đối diện với những người khác.
Ám ảnh sợ xã hội là bệnh rất phổ biến
Có thể tới 13,3% dân số trong suốt cuộc đời và 7,9% dân số trong 1 năm bị rối loạn ám ảnh sợ xã hội. Khoảng 1/3 số bệnh nhân không có cơn sợ hãi kịch phát ở nơi công cộng, 1/3 có ít nhất 1 lần cơn sợ hãi kịch phát trong tình huống xã hội và 1/3 còn lại có nhiều lần sợ hãi kịch phát trong tình huống xã hội.
Ám ảnh sợ xã hội có đủ tiêu chuẩn bền vững hơn, gây tổn thương cho bệnh nhân nhiều hơn so với bệnh nhân chỉ có sợ một loại tình huống xã hội nhất định. 2 loại bệnh nhân này không có sự khác biệt về tuổi khởi phát, tiền sử gia đình.
Nguyên nhân gây rối loạn ám ảnh sợ xã hội
Chất dẫn truyền thần kinh
Nghiên cứu chất dẫn truyền thần kinh trong ám ảnh sợ xã hội chưa nhiều như trong rối loạn hoảng sợ, nhưng người ta có nghiên cứu vai trò của các hệ dẫn truyền thần kinh như noradrenergic, GABAnergic, dopaminergic, serotoninergic. Bệnh nhân ám ảnh sợ xã hội có biểu hiện giảm tiết hormon phát triển, rối loạn chức năng noradrenergic giống như trong bệnh hoảng sợ.
Bệnh nhân ám ảnh sợ xã hội có sự thay đổi đáp ứng tự động rõ ràng so với người bình thường. Vai trò của các thụ cảm thể GABA benzodiazepin không rõ ràng, các chất ức chế benzodiazepin không làm tăng lo âu trong ám ảnh sợ xã hội so với nhóm chứng, nhưng người ta nhận thấy có giảm mật độ các thụ cảm thể benzodiazepin ngoại biờn ở bệnh nhân ám ảnh sợ xã hội toàn thể so với người bình thường.
Các thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin giúp điều trị ám ảnh sợ xã hội có kết quả, nhưng người ta còn ít hiểu biết về vai trò của serotonin trong bệnh này. Nhiều tác giả tìm thấy có sự tăng cortisol, các đáp ứng bất thường prolactin trong ám ảnh sợ xã hội. Không có sự bất thường nào ở vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận của bệnh nhân ám ảnh sợ xã hội được tìm thấy qua định lượng cortisol và test dexamethason.
Gen di truyền
Yếu tố gen di truyền đóng vai trò nguy cơ mạnh cho bệnh rối loạn ám ảnh sợ xã hội. Những người họ hàng mức độ I của bệnh nhân (bố, mẹ, con, anh, chị, em) ám ảnh sợ xã hội toàn thể, có nguy cơ bị ám ảnh sợ xã hội hoặc rối loạn nhân cách xa lánh cao gấp 10 lần người bình thường.
Nghiên cứu người sinh đôi không xác định được vai trò gen di truyền cho ám ảnh sợ xã hội và ám ảnh sợ biệt định; ngược lại với rối loạn lo âu lan toả, rối loạn hoảng sợ, rối loạn stress sau sang chấn. Vì vậy rối loạn ám ảnh sợ xã hội được coi là bệnh có nguyên nhân từ môi trường.
Triệu chứng rối loạn ám ảnh sợ xã hội
Ám ảnh sợ xã hội được mô tả chung là sợ hầu hết các tình huống xã hội. Loại này nhìn chung nghiêm trọng hơn, gây ra nhiều tổn thương hơn và khi đó chẩn đoán dễ dàng. So với ám ảnh sợ xã hội không toàn bộ, ám ảnh sợ xã hội toàn bộ có tuổi khởi phát sớm hơn.
Bệnh nhân thường là những người độc thân và có nhiều phản ứng sợ hơn, họ có nhiều bệnh phối hợp như trầm cảm và nghiện rượu. Cũng như ám ảnh sợ biệt định, lo âu trong ám ảnh sợ là những kích thích khi họ bắt buộc ở trong tình huống ám ảnh sợ.
Các bác sĩ nhận ra rằng lo lắng xã hội là phổ biến trong nhân dân. Khoảng một phần ba số người tự nhận là nhiều lo lắng hơn so với những người khác trong các tình huống xã hội.
Bệnh nhân sẽ có lo âu mạnh mẽ biểu hiện bằng nhiều triệu chứng cơ thể khác nhau. Ví dụ: đánh trống ngực và đau ngực, đỏ mặt, ra mồ hôi, khô mồm.
Cơn hoảng sợ kịch phát có thể xảy ra ở những người ám ảnh sợ xã hội khi đáp ứng với các tình huống xã hội gây sợ hãi. Đỏ mặt là triệu chứng cơ thể phổ biến đặc trưng cho ám ảnh sợ xã hội.
Bệnh nhân thường tập trung chú ý vào bản thân, đánh giá xấu về hình thức của mình, khó nói năng lưu loát, cảm thấy khó chịu khi phải nói trước đám đông.
Ở những người có một số ít triệu chứng sợ xã hội, các chức năng nhìn chung vẫn tốt, họ có thể che dấu các triệu chứng khi phải tham gia vào các tình huống xã hội gây sợ hãi, khi đó họ có lo âu mạnh, nếu sợ nhiều tình huống xã hội dẫn đến sợ cô lập về xã hội mạn tính, mất khả năng nói lưu loát và tổn thương trong quan hệ với mọi người. Họ uống rượu và các thuốc an dịu để giảm lo âu nên một số người dẫn đến lạm dụng thuốc và rượu.
Những người có ám ảnh sợ xã hội thường là những người trẻ, trình độ văn hóa thấp, có tỷ lệ cao bị lo âu trầm cảm, sợ thất nghiệp, sợ bị loại khỏi xã hội, sợ bị xã hội đánh giá xấu.
Hơn nữa, lo âu xã hội có thể phát triển trong các giai đoạn nhất định, chẳng hạn như thanh niên, hoặc sau khi kết hôn, khi đi làm, thay đổi nghề nghiệp và nơi ở. Các lo lắng như vậy chỉ trở thành ám ảnh sợ xã hội khi nó vượt quá sự kiểm soát của bệnh nhân và cản trở họ tham gia các hoạt động xã hội nghề nghiệp. Ám ảnh sợ xã hội sẽ bộc lộ rõ nhất khi bệnh nhân phải nói hoặc biểu diễn trước công chúng.
Thanh Nguyên
Theo suckhoedoisong.vn