Chủ đề
Happy Birthday – Cám ơn Mẹ vì đã luôn bên cạnh con
Sinh nhật, ngày chào đời thường là ngày vui với lời chúc “Happy Birthday”, nhưng đối với tôi, ý nghĩa lớn nhất là bước chân đầu tiên trong lòng mẹ.
Khi tôi sinh ra, ông nội đã đặt tên cho tôi, mẹ nói rằng cái tên của tôi mang ý nghĩa tôi sẽ rất giàu nghị lực, trung thực và thẳng thắn. Không như những đứa trẻ khác, từ nhỏ, mẹ nói tôi không bao giờ để mẹ phải nhắc nhở điều gì. Tôi luôn tự lên kế hoạch và cố gắng thực hiện kế hoạch đã đề ra.
Dẫu vậy, khi tôi bắt đầu học xa nhà, mẹ vẫn gọi thường xuyên. Nhiều năm nay, những cuộc nói chuyện giữa tôi và mẹ đã trở nên hết sức đơn giản. Câu chuyện của tôi chủ yếu xoay quanh những việc như mẹ đang làm gì, mẹ ăn gì, mẹ có khỏe không, nhà có gì mới không, mẹ uống thuốc chưa, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe.
Mẹ tôi là người kể chuyện, và kể chuyện rất hay. Thường mẹ sẽ kể chuyện những chuyện vụn vặt xảy ra trong gia đình cho tôi nghe, một người hàng xóm mới dọn tới, đứa con đầu của một người dì sắp kết hôn hoặc có một con chim bay lạc vào nhà. Sau đó, đến chuyện vào mùa hè, con chó mới hạ sinh đàn chó con, với sự chăm sóc chu đáo của mẹ, mấy chú cún mới sinh đều béo tròn khỏe mạnh, hiền lành, vâng lời và không hề có tâm lý cảnh giác hay thù địch. Đến mùa mưa, mẹ đã gửi một ít thực phẩm cho tôi, thế nên nhớ đừng tắt điện thoại vì người ta sẽ giao bưu kiện đến.
Gia đình tôi có rất nhiều họ hàng. Tôi vốn chẳng bao giờ lưu tâm, vì vậy, mỗi lần kể chuyện, biết tính ý tôi, mẹ sẽ từ từ nhắc tên từng người, mô tả đặc điểm cho tôi nhớ lại, và kết hợp những mẫu chuyện lắp ghép loanh quanh trong quá khứ.
Xưa nay tôi hay là người cúp máy trước. Trước khi cúp máy, tôi sẽ nói với mẹ, sẽ gọi lại cho mẹ sau, nhưng rất nhiều lần, tôi đã không gọi lại. Thường thì tôi nói rằng tôi không có thời gian.
Điện thoại tôi luôn có nhiều cuộc gọi liên lạc công việc trong ngày, thỉnh thoảng tôi phải từ chối cuộc gọi vì bận, cuối ngày ít nhiều cũng bỏ lỡ vài cuộc gọi nhỡ vì không thể nghe máy, đôi khi là cuộc gọi nhỡ của mẹ, mấy đứa em, bạn bè hoặc gia đình.
Mẹ thì ngược lại, chưa từng bấm từ chối bất kỳ cuộc gọi nào từ tôi. Mẹ cũng là người luôn cố hết sức để kéo dài cuộc trò chuyện mỗi khi tôi gọi về.
Những lần giỗ chạp, Tết nhất, ngoài việc đảm đương hết từng ấy việc, chỉ huy “dàn hợp xướng” chúng tôi phụ giúp, hầu hết mọi thứ mẹ đều tự làm lấy, thế nên lúc nào mẹ cũng luôn tay luôn chân.
Suốt cả ngày mẹ không ở trong bếp thì ở ngoài sân, chăm mấy cái cây, hoặc lại dọn dẹp. Có lần, trở về nhà, thấy mẹ đang làm gì đó ở gian bếp, tiếng dao thớt vọng ra, tôi hỏi mẹ, mẹ ơi, có thích ở trong bếp không? Khi tôi hỏi câu này lần đầu tiên, mẹ chưa hiểu ý tôi muốn nói gì. Tôi hỏi lại, hồi xưa mẹ có thích nấu nướng không?
Mẹ nói rằng: Mẹ không nghĩ tới chuyện thích hay không thích ở dưới bếp. Mẹ nấu nướng vì đó là việc mẹ phải làm. Mẹ phải ở dưới bếp để nấu cơm cho các con ăn rồi còn đi học. Làm sao mà chúng ta có thể chỉ làm những việc mình thích được chứ…
“Có nhiều việc con vẫn phải làm cho dù có thích hay không!”
Mẹ vẫn nhìn tôi với vẻ như muốn hỏi, sao tôi lại hỏi vậy: Nếu chỉ làm những việc mình thích, vậy thì ai sẽ làm những việc mình không thích đây? Nếu cứ làm thế hết lần này tới lần khác, dĩ nhiên sẽ có những lúc mình thấy thật sự ngán ngẩm. Nhưng thật may cho mẹ là tất cả các con đều dễ nuôi. Chuyện mẹ thích hay không thích đều không có gì quan trọng nữa!
Những lần chờ con cháu về, mẹ vui ra mặt. Từ hôm trước, mẹ đã đi chợ, mua thực phẩm tươi chất đầy tủ lạnh, từ cử chỉ đến lời nói rạng rỡ đều không giấu được. Sau đó, dù chúng tôi cố can ngăn đến mấy, mẹ vẫn nhất quyết nấu thêm các món ăn chúng tôi ưa thích để chúng tôi có thể mang theo và trữ ăn dần.
Trước khi kết hôn, có lần hồi tưởng và chia sẻ câu chuyện về mẹ với một người bạn, bạn đã hỏi, tôi có nghĩ rằng mẹ tôi hạnh phúc không?
“Mẹ tôi không giống với phụ nữ ngày nay”.
Sau này, tôi mới hiểu và cảm giác rõ ràng, đối với suy nghĩ bậc người lớn làm cha mẹ, có thể chỉ là những việc thường nhật, nhưng trong tiềm thức con cái, đó chính là tất cả kỉ niệm thời thơ ấu của chúng, và còn cả những bài học day dứt về tình yêu thương nữa.
Tất niên năm ngoái tôi đã viết những việc tôi muốn làm, cái mà tôi thường gọi là “bucket list” bao gồm mục tiêu, và trải nghiệm cá nhân mà tôi muốn trải qua trong cuộc sống hằng năm. Danh sách gồm nhiều điều khác nhau, từ sự nghiệp, học tập, sức khỏe, du lịch, đạt được một thành tựu nào đó, và nhiều điều khác nữa. Nhưng khi nhìn lại, tôi đã không có một mục nào làm bất cứ việc gì cùng với mẹ. Tôi đã không nhận ra điều đó khi viết danh sách ấy.
Tôi luôn cho rằng mẹ là mẹ. Mẹ sinh ra đã là mẹ, chưa bao giờ nghĩ rằng mẹ cũng từng có những khoảnh khắc chập chững bước đầu tiên, mẹ lên ba, rồi mười lăm, rồi hai mươi lăm, từng là một thiếu nữ, sau đó trở thành một người phụ nữ lần đầu tiên được làm mẹ. Mẹ đang đối diện với một thế giới mới đầy mới mẻ với mẹ.
Ngày hôm nay nhiều năm về trước chính là ngày mẹ vượt cạn đưa tôi chào đời, ngày mẹ cố gắng để tôi được sống, được nhìn ngắm thế giới rộng lớn, và được nắm tay mẹ suốt quãng đường tươi đẹp hiện tại và tương lai.
Con cám ơn Mẹ!
Cám ơn Mẹ vì đã luôn luôn bên cạnh con.
Phạm Thị Ngọc Duẩn
Theo dõi
Xin hãy đăng nhập để bình luận
0 Góp ý