Người Việt có tuổi thọ trung bình 74 tuổi - Doctor247

Người Việt có tuổi thọ trung bình 74 tuổi

Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng nhẹ so với năm 2022 và cao hơn so với trung bình chung khu vực Đông Nam Á.

Đến hết năm 2023, Việt Nam đạt 100,3 triệu người, tuy vậy theo dự báo của Tổng cục Thống kê hiện dân số Việt Nam chưa đạt đỉnh. Dân số nước ta sẽ tăng lên 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm xuống 72 triệu người vào năm 2100.

Theo báo cáo của Cục Dân số (Bộ Y tế), tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2023, là 73,7 tuổi, tăng nhẹ so với năm 2022 là 73,6 tuổi, trong đó tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,1 tuổi, của nữ giới là 76,5 tuổi. Dù tuổi thọ tăng nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt chỉ đạt 65 tuổi. Trung bình mỗi người cao tuổi mắc 3 bệnh.

tuoi-tho-trung-binh
Tuổi thọ trung bình của người Việt tăng nhưng số năm sống khỏe lại giảm.

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của Việt Nam hiện thấp hơn 3 quốc gia là: Singapore (83 tuổi), Brunây (78 tuổi), Thái Lan (76 tuổi) và cao hơn so với trung bình chung của khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết năm 2023 dân số tăng gần 835.000 người (0,84%) so với năm 2022. Trong đó, dân số thành thị 38,2 triệu người, chiếm hơn 38%; dân số nông thôn hơn 62 triệu người, chiếm gần 62%; nam 50 triệu người, chiếm 49,9%; nữ 50,3 triệu người, chiếm 50,1%.

Tỉ số giới tính khi sinh của dân số Việt Nam năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái. Con số này tiếp tục phản ánh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta vẫn ở mức cao.

Tổng tỉ suất sinh năm 2023 Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, giảm so với năm ngoái (2,01 con) và dưới kế hoạch mức sinh thay thế 2,1 con. Hai khu vực báo động là vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh tiếp tục xuống sâu (khoảng 1,5 con/phụ nữ). Năm nay, mức sinh của TP HCM là 1,27 con/phụ nữ, thấp nhất nước.

tuoi-tho-trung-binh
Mức sinh giảm sâu ở khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Mai Trung Sơn, Phó vụ trưởng Quy mô dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết tỉ lệ tăng dân số Việt Nam giảm mạnh từ mức rất cao 3,9% (1960) xuống còn 1,14% (2019) và 0,95% (2021).

Liên Hợp Quốc dự báo năm 2500 dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, bằng tỉnh Nghệ An bây giờ, nếu mức sinh tiếp tục giảm.

Đại diện Cục Dân số cho biết giảm sinh là xu hướng toàn cầu nhưng Việt Nam “nhanh hơn thế giới” và ngày càng rõ nét. Nếu những năm trước, phụ nữ thành thị sinh hơn 1,7 con, hai năm gần đây, mức sinh xuống thấp dưới 1,7. Ở nông thôn, mức sinh năm 2023 ước tính cũng xuống dưới mức sinh thay thế, trong khi vài năm trước, con số này tiệm cận mức 2,4.

Điều này sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động, các vấn đề về dân số già và chăm sóc người cao tuổi. Do đó, chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế; bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, tăng 10% tổng tỉ suất sinh ở các địa phương có mức sinh thấp.

Để làm được điều này, các chuyên gia cho rằng trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con, có chính sách hỗ trợ vợ chồng sinh đủ hai con…

Theo Người Lao Động

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận