TPHCM thí điểm mô hình bác sĩ gia đình của Cuba - Doctor247

TPHCM thí điểm mô hình bác sĩ gia đình của Cuba

Sở Y tế TP HCM chọn Bình Chánh để triển khai mô hình “văn phòng bác sĩ gia đình” của Cuba, sau đề nghị của lãnh đạo địa phương này.

Làm việc với hai chuyên gia do Bộ trưởng Y tế Cuba cử đến TPHCM ngày 27/12, Bí thư huyện ủy Bình Chánh Trần Văn Nam, cho biết mới đây có dịp tham quan tại Cuba và rất ấn tượng với mô hình bác sĩ gia đình. Từ đó, ông ấp ủ mong muốn đem mô hình này về thí điểm tại huyện Bình Chánh, giúp việc chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, ủng hộ kiến nghị của lãnh đạo huyện Bình Chánh. “Chắc chắn huyện sẽ là một trong những địa phương ưu tiên được chọn lựa để triển khai thí điểm mô hình của Cuba”, bác sĩ Châu nói.

Theo GS.BS José Armando Aronte Villamarín, mô hình bác sĩ gia đình ở Cuba bắt đầu năm 1984 do lãnh tụ Fidel Castro khởi xướng. Trong đó, “mỗi văn phòng bác sĩ gia đình” chịu trách nhiệm chăm sóc khoảng hơn 1.000 người dân xung quanh.

Với khoảng 11 triệu dân, các “văn phòng bác sĩ gia đình” được đặt tại mọi khu dân cư trên khắp đất nước Cuba, tạo thành xương sống của dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Chuyên gia Cuba được giới thiệu về hoạt động truyền thông, cấp phát tờ rơi giáo dục sức khoẻ tại Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh, ngày 27/12. Ảnh: Sở Y tế TP HCM

Chuyên gia Cuba được giới thiệu về hoạt động truyền thông, cấp phát tờ rơi giáo dục sức khoẻ tại Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh, ngày 27/12. Ảnh: Sở Y tế TPHCM

Ngân sách nhà nước Cuba ưu tiên cho y tế, người dân được chăm sóc sức khỏe miễn phí. Hệ thống y tế có hơn 50% bác sĩ và điều dưỡng gia đình được phân bổ về y tế cơ sở. Những bác sĩ gia đình này sẽ đến tận nhà để theo dõi và đánh giá, phân loại tình trạng sức khỏe người dân theo ba cấp độ. Từ đó, ê kíp đưa ra quy trình và đặt lịch hẹn sàng lọc, khám, tư vấn phù hợp cho từng cấp độ bệnh.

Loại hình “bác sĩ y khoa tổng quát toàn diện” là nguồn nhân lực chủ lực cho y tế cơ sở. Cuba có hơn 12.800 bác sĩ gia đình, trung bình cứ 857 người dân thì có một bác sĩ gia đình. 40 năm qua, chương trình này giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dễ dàng hơn, các chỉ số sức khỏe đã cải thiện rõ rệt.

Tất cả sinh viên y khoa đều được đào tạo miễn phí, với yêu cầu phải hoàn thành chương trình nội trú 3 năm về y học tổng quát toàn diện, còn gọi là bác sĩ gia đình, trước khi muốn theo đuổi chuyên ngành thứ hai.

Cụ thể, các trường đại học y khoa thay vì chỉ đào tạo thực hành tại các bệnh viện theo hướng đào tạo bác sĩ chuyên khoa, đã chuyển đổi theo hướng đào tạo bác sĩ hướng về cộng đồng. Từ năm thứ nhất, sinh viên y khoa được thực hành tại cộng đồng 2 tuần. Các năm thứ 2-4-6 đều phải có thời gian thực hành tại cộng đồng, trung bình khoảng 6 tuần/năm.

Khi tốt nghiệp, tất cả bác sĩ được phân công về các “văn phòng bác sĩ gia đình” trong 3 năm để thực hành lấy bằng “bác sĩ y học tổng quát toàn diện”, sau đó tiếp tục công tác tại y tế cơ sở hoặc học tiếp để lấy một bằng chuyên khoa khác. Phân bổ số lượng bác sĩ chuyên khoa sẽ được khống chế tùy theo nhu cầu thực tế của các địa phương.

Hai chuyên gia hàng đầu về y tế cộng đồng gồm GS.BS José Armando Aronte Villamarín và GS.BS Sonia María González Vega, do Bộ trưởng Y tế Cuba cử đến TPHCM, làm việc với Sở Y tế thành phố từ ngày 25/11 đến 6/1/2024.

Sau chuyến làm việc, Sở sẽ đề xuất lãnh đạo thành phố ký kết ghi nhớ với Bộ Y tế Cuba về hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trong phát triển và nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, triển khai mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn từ nay đến 2025 và những năm tiếp theo.

Theo VNE

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận