Ngày 20/12, BS.CKI Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nhận định như trên, thêm rằng tại các thành phố lớn, các gói dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân phát triển nhưng lượng người khám chưa nhiều. Rào cản không nằm ở chi phí mà quan niệm xã hội còn dè dặt, tâm lý e ngại “khám ra bệnh” ảnh hưởng hạnh phúc lứa đôi.
Đơn cử Khánh Hà, 24 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP HCM dự định kết hôn đầu năm sau. Hà đã tiêm đủ vaccine dành cho phụ nữ trước mang thai. Tuy nhiên, khi bố mẹ đề cập tới khám tiền hôn nhân, Hà và người yêu đều ngại ngần.
“Ý định kết hôn có thể gặp phải trở ngại từ một tờ xét nghiệm y tế”, Hà cho biết. Vợ chồng cô thống nhất kết hôn trước, thăm khám kỹ càng rồi sinh con cũng là cách bảo vệ hạnh phúc.
Trường hợp khác, Mỹ Ngọc, 25 tuổi, đi khám sức khỏe tiền hôn nhân một mình, còn bạn trai cự tuyệt, cho rằng sức khỏe và sinh lý hoàn toàn bình thường, sống lành mạnh, nên không cần đi khám “phí tiền và thời gian”.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, do phong tục, tập quán, nhiều người chưa hiểu hết tầm quan trọng của khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh dẫn đến sinh con bị dị tật bẩm sinh. Ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Các bệnh thường gặp là bệnh Down, hội chứng Edwards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD và tan máu bẩm sinh nặng…
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ghi nhận Việt Nam có trên 20.000 người bệnh Thalassemia mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia. Chi phí điều trị trung bình của một bệnh nhân thể nặng khi sinh đến 30 tuổi khoảng 3 tỷ đồng. Một người bệnh nặng từ khi sinh ra đến 21 tuổi cần truyền khoảng 470 đơn vị máu để duy trì cuộc sống.
Trong khi đó nếu khám tiền hôn nhân, các cặp đôi có thể phát hiện và điều trị sớm bệnh ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai.
Như chị Trinh, 38 tuổi, mang nhóm máu hiếm O Rh(-). Chị bị sẩy thai ba liên tiếp do tình trạng bất đồng nhóm máu. Hai vợ chồng không khám sức khỏe tiền hôn nhân, chị chỉ biết mình mang nhóm máu O Rh(-) khi mang thai con đầu lòng năm 2011.
Tại Việt Nam người có nhóm máu Rh(-) bao gồm 0-, A-, B-, AB- chiếm tỷ lệ 0,04-0,07% dân số. Phụ nữ mang nhóm máu này có khả năng gặp rùi ro khi mang thai, tỷ lệ tử vong cao.
Từ năm 2013, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình – Bộ Y tế phối hợp các địa phương triển khai mô hình Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, sau một thập kỷ tuyên truyền, số người trẻ đi khám tiền hôn nhân còn hạn chế.
Kết quả khảo sát 770 người về nhu cầu khám tiền hôn nhân do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế công bố năm 2019 cho thấy chỉ có 15,4% khám sức khỏe trước khi kết hôn. Trong đó có 50,5% người khám tại trạm y tế xã, phường và 35% khám tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết tại bệnh viện Tâm Anh TP HCM, mỗi năm, số phụ nữ khám tiền hôn nhân chiếm khoảng 2% tổng bệnh nhân khám sản, phụ khoa.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp phát hiện bệnh liên quan yếu tố gia đình, bệnh về gene, bệnh xã hội… Các cặp đôi nhận biết và điều chỉnh bệnh mạn tính lành tính ảnh hưởng đến hoạt động tình dục, khả năng thụ thai, sức khỏe của thai phụ, sự phát triển thai nhi như bệnh lý tim mạch (cao huyết áp, tim bẩm sinh, dị dạng mạch máu), nội tiết (tiểu đường, cường giáp, suy giáp, suy thượng thận).
Khám tiền hôn nhân có ý nghĩa chuẩn bị sức khỏe tốt để giảm gánh nặng bệnh tật, sinh ra con khỏe mạnh. Tuy nhiên thực tế một số trường hợp để lại nỗi đau và sang chấn tâm lý cho cặp đôi như sau khi khám phát hiện nhiễm HIV, bệnh do virus Herpes (HSV), giang mai, bệnh lậu… dù trước đó chưa quan hệ tình dục.
Ở khía cạnh khác, bác sĩ Nhi cho rằng nếu không kiểm tra trước khi cưới, người chồng lây bệnh cho vợ và con, tạo thêm gánh nặng cho xã hội. Nhờ y học hiện đại, cặp đôi có thể dự phòng lây truyền HIV, ngăn cản lây nhiễm từ mẹ sang con.
“Không ít cặp đôi chủ động khám sức khỏe tiền hôn nhân đã có thể chuẩn bị kế hoạch tốt hơn cho tương lai”, bác sĩ Nhi nói.
Ví dụ, một số trường hợp sàng lọc bất thường do gene di truyền như vợ chồng cùng mang đột biến gene Thalassemia thể ẩn (dị hợp), hoặc mang gene Hemophilia (máu khó đông), hoặc có bệnh lý gây vô sinh… có thể thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, sàng lọc chọn phôi không mắc bệnh.
Theo VNE