Chủ đề
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường đang là một trong những bệnh nguy hiểm bởi nó diễn tiến âm thầm, bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện mắc bệnh khi đi khám sức khỏe hoặc khi đã chuyển sang giai đoạn muộn.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, cùng với đó là thời gian, chi phí điều trị và nhiều vấn đề khác.
Mờ mắt, suy thận mạn vì tiểu đường
Đang chăm sóc vợ bị bệnh tiểu đường điều trị tại Khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Cường (54 tuổi, ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, vợ ông là bà N.T.D. được phát hiện bị bệnh tiểu đường cách đây hơn 14 năm qua một lần tình cờ đi khám sức khỏe. Từ đó đến nay, mỗi lần thấy trong người mệt mỏi, bà D. lại được chồng đưa đến bệnh viện để cấp cứu chứ không thăm khám định kỳ để lấy thuốc uống theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cách đây gần 2 năm, bệnh tiểu đường của bà D. diễn tiến nặng gây ra biến chứng suy thận mạn giai đoạn cuối, buộc phải thường xuyên đến bệnh viện để truyền máu. Tuy nhiên, được khoảng nửa tháng, bà D. lại có dấu hiệu thiếu máu dẫn đến cơ thể mệt mỏi, da xanh xao, niêm mạc nhợt. Không những thế, bệnh tiểu đường còn biến chứng đến mắt khiến mắt của bà D. ngày càng mờ.
Nằm trên giường bệnh với tư thế nằm nghiêng, bụng bà D. chướng to, bà liên tục than với chồng đau nhức khắp cơ thể, đụng vào đâu là đau ở đó, xoay trở người khó khăn.
Bệnh nhân tiểu đường cần đi tái khám định kỳ, nếu có diễn biến bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
“Nhiều năm nay, tôi không làm được việc gì vì phải lo chăm sóc vợ bị bệnh. Trong nhà có bao nhiêu tiền bạc cũng “đội nón ra đi” vì mỗi đợt nhập viện cấp cứu cũng mất vài triệu bạc dù đã có bảo hiểm y tế thanh toán phần nào” – ông Cường ngậm ngùi.
Trong khi đó, bà N.T.K.T. (44 tuổi, ngụ xã Tam An, H.Long Thành) có “thâm niên” bệnh tiểu đường đã 10 năm. Cách đây nửa tháng, bà T. vô tình va quẹt bàn chân trái vào chân chống xe máy dẫn đến trầy xước da bàn chân nhưng không chảy máu. Do chủ quan nên bà T. tự ra tiệm thuốc mua thuốc về uống, 1 tuần sau, bàn chân trái sưng to, nhức chân rồi nhức lan lên đầu, người mệt mỏi, phải nhập viện điều trị.
Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ được biết, dù bị bệnh tiểu đường nhưng khoảng 1 năm nay, bà T. không tái khám định kỳ như lời dặn của bác sĩ mà tự mua thuốc để chích.
Hậu quả khó lường
BS CKII Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, khoa đang điều trị cho hơn 60 bệnh nhân, trong đó 2/3 là bệnh nhân tiểu đường. Trung bình mỗi tháng, bệnh viện khám cho từ 3,5-4 ngàn lượt bệnh nhân bị tiểu đường.
Bệnh nhân tiểu đường chủ yếu điều trị ngoại trú, chỉ nhập viện khi có những biến chứng cấp tính như: tăng áp lực thẩm thấu máu, nhiễm trùng bàn chân hoặc những bệnh cấp tính khác trên nền bệnh tiểu đường. Trong đó, biến chứng nhiều nhất là nhiễm trùng bàn chân.
Cụ thể, biến chứng thần kinh khiến cho bệnh nhân bị mất cảm giác khi đi, dễ bị chấn thương chân và nếu không biết chăm sóc vết thương kỹ sẽ dẫn đến nhiễm trùng. Thêm vào đó là biến chứng mạch máu khiến việc tưới máu kém làm cho tình trạng nhiễm trùng ngày càng nặng hơn. Hậu quả cuối cùng là bệnh nhân phải cắt cụt chi. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, khiến bệnh nhân trở thành người tàn phế và nhiều trường hợp phải sống dựa vào sự hỗ trợ của người thân.
Ngoài biến chứng nhiễm trùng bàn chân, bệnh tiểu đường còn có thể dẫn đến các biến chứng khác về bệnh tim mạch. Khi huyết áp cao, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn và nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề khác tăng lên. Hay biến chứng thận (làm suy giảm chức năng thận, dẫn đến thận mất khả năng lọc chất thải từ máu); biến chứng mắt (mắt nhìn mờ, nguy cơ cao mắc bệnh lý võng mạc đái tháo đường, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp…).
Bên cạnh đó, bệnh nhân tiểu đường còn có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ. Hầu hết các cơn đột quỵ xảy ra do cục máu đông chặn một mạch máu trong não hoặc cổ. Người bị rối loạn tiểu đường có khả năng bị đột quỵ cao gấp 1,5 lần so với những người không mắc bệnh tiểu đường.
Đặc biệt, ketoacidosis tiểu đường là một tình trạng biến chứng nghiêm trọng, có thể dẫn đến hôn mê do rối loạn tiểu đường (bất tỉnh trong một thời gian dài), thậm chí là tử vong. Ketone tích tụ trong máu làm tăng tính axit. Hàm lượng ketone cao có thể gây độc cho cơ thể.
BS CKII Nguyễn Thị Thúy Hằng lưu ý, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh do xu hướng sử dụng nhiều thức ăn nhanh, thức ăn có nhiều chất béo, chất ngọt, lối sống ít vận động. Không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng rất dễ mắc bệnh tiểu đường, nhất là những trẻ thừa cân, béo phì, ít vận động.
Để phòng ngừa bệnh tiểu đường, cần hạn chế sử dụng những thức ăn quá béo, quá ngọt; tăng cường ăn nhiều rau xanh, ăn nhạt, tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày.
Để tầm soát bệnh tiểu đường, người dân trên 40 tuổi, có tiền căn gia đình có người bị tiểu đường, thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, ít vận động, rối loạn lipid máu, phụ nữ có tiền căn bị buồng trứng đa nang, có tiền căn tiểu đường thai kỳ, có tiền căn sinh con trên 4kg cần xét nghiệm máu để tầm soát khoảng 6 tháng đến 1 năm/lần.
Theo Baodongnai