Chủ đề
Nội dung chính
Chào mừng các bạn đến với chuyên mục Chạy đua với tử thần – chuỗi podcast truyền cảm hứng sống khỏe, thông qua những câu chuyện có thật trên hành trình “chạy đua” để giành lại mạng sống trước lưỡi hái tử thần.
Chạy đua với tử thần nằm trong chuỗi podcast Nghe Để Khỏe, độc quyền từ Doctor247.
Chúng tôi trân trọng mời bạn lắng nghe hành trình chiến thắng ung thư xương và trả ơn cuộc đời của cô gái Lê Thị Hòa (27 tuổi, Hà Nội).
Năm 2018, lúc sắp tốt nghiệp, cô sinh viên Lê Thị Hòa bàng hoàng khi nhận kết quả ung thư xương ác tính.
Tại Bệnh viện K, Hòa được truyền hóa chất tiền phẫu 3 đợt và đáp ứng tốt. Sau đó vào tháng 10/2019, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ đoạn đầu dưới xương đùi và tiếp tục truyền cho Hòa 6 đợt hóa chất hậu phẫu. Nhưng sau đó vùng chỏm xương đùi của Hòa xuất hiện tổn thương mới. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật tháo bỏ toàn bộ xương đùi, thay thế bằng xương đùi nhân tạo cho Hòa.
Theo các bác sĩ, xương đùi là xương dài nhất và nặng nhất của cơ thể, chịu trọng lực của toàn bộ cơ thể khi cơ thể đi lại và vận động. Không những thế, xương đùi trực tiếp tham gia vào cấu tạo của khớp háng và khớp gối – hai khớp lớn và cũng phức tạp nhất cơ thể. Khi xương đùi có vấn đề không thể bảo tồn được (như bị ung thư) thì thay toàn bộ xương đùi là điều rất khó để thực hiện.
Nhận định đây là một ca phẫu thuật phức tạp, để đảm bảo chức năng của xương đùi, khớp háng và gối, ekip phẫu thuật cần đặt dụng cụ chính xác đến từng cm theo đúng trục giải phẫu, sinh lý của bệnh nhân, đồng thời phải khâu phục hồi lại khối cơ mông và đùi như giải phẫu ban đầu để tạo độ vững cho khớp háng và gối, giúp bệnh nhân có thể đi lại được.
Tại Việt Nam, Hòa là trường hợp đầu tiên thay xương đùi bằng kim loại. Cô lo lắng và căng thẳng rất nhiều trước ca phẫu thuật vì thay toàn bộ xương đùi là một thách thức lớn với cô và cả đội ngũ bác sĩ. Hòa chia sẻ: “Lâu lắm rồi em không tự đi lại được, nhiều khi em chỉ biết khóc một mình vì em không tự chăm sóc được bản thân, làm bố mẹ và mọi người lo lắng. Nếu chân không thể đi lại được, không biết cuộc sống của em sẽ như thế nào”.
Nhưng rồi tình yêu dành cho gia đình, người yêu cùng niềm tin có thể đi lại được đã giúp cô lấn át nỗi sợ khi lên bàn mổ.
Và kỳ tích đã xảy ra: Ca phẫu thuật thành công. 5 ngày sau mổ, vết thương của Hòa dần ổn định. Lượng máu mất trong phẫu thuật không nhiều nên sức khỏe của Hòa bình phục rất tốt, ngồi dậy và nói chuyện với mọi người thoải mái. Sau hơn 4 tháng không thể đi lại, Hòa đã dần bỏ được nạng. Giáo sư Trần Trung Dũng, chuyên gia về lĩnh vực cơ xương khớp, cũng là bác sĩ trực tiếp mổ cho Hòa, nhấn mạnh rằng chính nghị lực đáng nể của cô gái nhỏ mới thực sự là một phép màu.
Sau biến cố, Hòa cảm giác như mình được sinh ra lần thứ hai. Cô gia nhập ngành y và thành lập riêng một nhóm từ thiện hoạt động từ Bắc vào Nam để có thể giúp đỡ nhiều bệnh nhân giống mình. Hiện cô là thư ký của giáo sư Dũng tại một trung tâm chấn thương chỉnh hình.
Đầu năm 2023, sau 2000 ngày bên nhau và vượt qua bệnh tật, Hòa và người yêu chính thức về chung một nhà. Cô cho biết đang ấp ủ ước muốn du lịch và viết sách để truyền động lực cho những người đang nằm trên giường bệnh.
Ung thư xương là một loại ung thư hiếm gặp nhưng lại hết sức nguy hiểm vì thời gian phát hiện bệnh thường rơi vào giai đoạn muộn. Xét nghiệm tầm soát ung thư xương sẽ giúp bác sĩ tiên lượng được rủi ro cho bệnh nhân, theo dõi sự thay đổi trong triệu chứng để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.
Chủ đề khác
Chiến thắng ung thư xương, cô gái vào ngành Y để trả ơn cuộc đời