Chủ đề
Hoại tử da toàn thân do chữa sỏi thận bằng thuốc nam
Sau khi dùng thuốc nam chữa sỏi thận được 10 ngày, bệnh nhân nữ 60 tuổi xuất hiện tổn thương ở da, hoại tử lan ra toàn thân.
Trước đó, bệnh nhân tiền sử khỏe mạnh, chưa phát hiện tiền sử dị ứng thuốc. Sau khi xuất hiện tổn thương này, bà đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám, được chẩn đoán dị ứng thuốc thể TEN – hay còn gọi là hoại tử thượng bì nhiễm độc – sau dùng thuốc nam điều trị sỏi thận.
Bệnh nhân được điều trị tích cực, dùng các thuốc đặc hiệu kèm chăm sóc hỗ trợ, hiện da đã khô, bắt đầu tái tạo thượng bì.
Ngày 8/11, bác sĩ Nguyễn Thị Thảo Nhi, khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, cho biết dị ứng thuốc là phản ứng không mong muốn của thuốc do đáp ứng miễn dịch đặc hiệu của cơ thể đối với thuốc. Dị ứng thuốc được chia thành nhiều thể với mức độ nặng khác nhau. Hoại tử thượng bì nhiễm độc hay còn gọi tắt là TEN (Toxic Epidermal Necrolysis) là một phản ứng nặng của da và niêm mạc. Nguyên nhân phổ biến nhất là thuốc, đặc trưng bởi tình trạng hoại tử lan tỏa và mất thượng bì.
Các thuốc thường gây ra dị ứng thể hoại tử thượng bì nhiễm độc bao gồm: allopurrinol (thuốc điều trị bệnh gout), các loại thuốc kháng sinh, lamotrigine (thuốc chống động kinh),… Ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng này là kháng sinh nhóm sulfonamid, phenobarbital, carbamazepin và lamotrigine. Các nguyên nhân khác ít gặp hơn là tình trạng nhiễm khuẩn, yếu tố vật lý, liên quan đến gene.
Ở Việt Nam, do thói quen tự ý sử dụng thuốc điều trị, không theo chỉ định của bác sĩ, nên tỷ lệ dị ứng thuốc còn cao và nhiều người không biết mình bị dị ứng thuốc gì để phòng tránh. Đặc biệt, các loại thuốc nam, bắc, đông y (không theo chỉ định của bác sĩ) thường không có thành phần rõ ràng.
Theo bác sĩ Nhi, các bệnh nhân dị ứng thuốc thể nặng như hội chứng TEN cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện chuyên khoa, nằm trong phòng riêng cách ly, chăm sóc da đặc biệt để giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc.
Nếu không điều trị kịp thời, tổn thương da lan tỏa sẽ gây đau rát, mệt mỏi, khó khăn trong ăn uống, mất nước, mất dịch, nguy cơ nhiễm khuẩn huyết ảnh hưởng đến tính mạng.
Để giảm và tránh nguy cơ dị ứng thuốc, người dân không tự ý sử dụng thuốc khi có bệnh, nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ khám, kê đơn điều trị thích hợp.
Theo VNExpress