Số ca bệnh dại ở miền Nam tăng cao - Doctor247

Số ca bệnh dại ở miền Nam tăng cao

Trong 5 năm qua (2018-2022), khu vực phía Nam có 105 người tử vong do bệnh dại, chiếm 27% cả nước và tăng 2,8 lần so với giai đoạn 2013-2017.

Tình hình bệnh dại ở khu vực phía Nam có xu hướng tăng

Đó là số liệu được công bố tại buổi tập huấn về giám sát và điều trị dự phòng bệnh dại trên người do Viện Pasteur TP.HCM tổ chức ngày 2-11.

Phân tích số liệu các ca bệnh dại trong giai đoạn này ở khu vực phía Nam cho thấy, đa số ca bệnh dại trên người là do bị chó cắn (89,5%); đa số người bị mắc bệnh là nam (68%); trình độ học vấn tiểu học chiếm đa số (hơn 42%).

Thống kê số liệu cũng cho thấy, tình hình bệnh dại ở khu vực phía Nam có xu hướng tăng. Điều này ngược lại với xu hướng chung của cả  nước.

Riêng trong năm 2023, khu vực phía Nam đã có 16 ca tử vong do bệnh dại (trong đó Đồng Nai có 2 ca). Trong số 16 ca tử vong này thì có 14 ca bị chó gây vết thương, 2 ca bị mèo gây vết thương; 100% các ca tử vong đều không tiêm phòng hoặc tiêm vaccine phòng dại nhưng không đủ phác đồ.

Viện Pasteur TP.HCM tổ chức lớp tập huấn về giám sát và điều trị dự phòng bệnh dại trên người cho các cán bộ chuyên trách, cán bộ tiêm ngừa của Trung tâm y tế các huyện, thành phố; cán bộ các phòng tiêm chủng có vaccine dại trên địa bàn tỉnh và bác sĩ điều trị bệnh dại tại bệnh viện tuyến tỉnh.

Lớp tập huấn nhằm giúp các cán bộ y tế có thể nắm rõ các nội dung để tự tin trong chỉ định tiêm, tiêm đúng, tiêm đủ góp phần cho mục tiêu tới năm 2030 không còn trường hợp tử vong do dại trên người.

Vào năm 2022, đã có trên 40 người tử vong vì bệnh dại. Dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại.

Bộ Y tế nêu rõ bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do dại.

Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 – 2016.

Bộ Y tế phân tích nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vaccine. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

Để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỉ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp.

Bộ Y tế tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vaccine dại kịp thời. Tăng cường truyền thông cho người nuôi chó, mèo các biện pháp đảm bảo an toàn cho người ở các khu vực công cộng, tránh để trường hợp chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng; truyền thông về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho động vật để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine lên ít nhất 70% tổng đàn.

Bên cạnh đó, truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.

Sở Y tế các tỉnh, thành cũng được yêu cầu tăng cường tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại trên người: Tiếp tục mở rộng và tăng cường các điểm tiêm vaccine phòng dại để đảm bảo ít nhất một huyện/thị xã có một điểm tiêm.

Đối với các tỉnh có nguy cơ cao, thành lập thêm các điểm tiêm vaccine phòng dại tại tuyến xã để tăng tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại sau phơi nhiễm (nếu cần thiết).

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh xem xét miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí tiêm vaccine phòng dại sau phơi nhiễm cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người tham gia phòng chống dịch dại ở những vùng có nguy cơ cao.

Tổng hợp

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận