9 dấu hiệu "báo động" sức khỏe trên bàn tay - Doctor247

9 dấu hiệu “báo động” sức khỏe trên bàn tay

Từ chàm (eczema), vảy nến (psoriasis) đến viêm khớp (arthritis) và Parkinson, hình dạng và tình trạng đôi bàn tay có thể nói lên rất nhiều điều về sức khỏe của chúng ta.

9 dấu hiệu "báo động" sức khỏe trên bàn tay

Nếu bạn có móng tay giòn dễ gãy, bàn tay sưng hoặc đầu ngón tay nhợt nhạt bất thường, đây có thể không chỉ đơn thuần là vấn đề thẩm mỹ. Những dấu hiệu này có thể báo hiệu tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn. Các nghiên cứu da liễu cho thấy thay đổi về màu sắc, kết cấu, và hình dạng móng có thể phản ánh các bệnh lý tiềm ẩn như thiếu máu, bệnh tim, phổi hoặc gan.

Mặc dù một số triệu chứng có thể liên quan đến quá trình lão hóa hoặc yếu tố lối sống, khi các triệu chứng kéo dài hoặc nặng hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ da liễu để kiểm tra, vì đôi khi chúng có thể cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp bạn nên chú ý:

1. Lòng bàn tay đỏ

Lòng bàn tay đỏ có thể chỉ đơn thuần là dấu hiệu cơ thể đang nóng, đang ở giai đoạn mãn kinh, lo lắng, hoặc chỉ ra các vấn đề như lão hóa hoặc tuần hoàn kém. Tuy nhiên, đây cũng có thể là triệu chứng của các bệnh da liễu như chàm hoặc vảy nến.

Một tình trạng hiếm gặp hơn gây đỏ lòng bàn tay là “palmar erythema” – có thể di truyền hoặc liên quan đến nhiều bệnh lý như mang thai, ung thư hoặc bệnh gan. Hiện tượng này cũng có thể ảnh hưởng đến đầu ngón tay, giường móng và đôi khi là lòng bàn chân. Lòng bàn tay đỏ cũng có thể là dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) và có một bệnh hiếm gọi là erythromelalgia gây đau rát, đỏ và nóng da ở lòng bàn tay.

Hiên nay, không có điều trị đặc hiệu cho lòng bàn tay đỏ, nhưng tìm và xử lý nguyên nhân gốc rễ có thể giúp kiểm soát tình trạng này. Hãy sử dụng kem dưỡng tay không mùi, đeo găng tay khi rửa bát. Nếu lòng bàn tay đỏ kéo dài, hãy gặp bác sĩ để kiểm tra xem có phải dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn hay không.

Hiên nay, không có điều trị đặc hiệu cho lòng bàn tay đỏ

2. Khớp ngón tay sưng/phình gồ

Khớp ngón tay sưng có thể là dấu hiệu của viêm xương khớp (osteoarthritis), viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) hoặc bệnh gút (gout). Nếu da quanh đó cũng bị viêm, có thể là viêm khớp vảy nến – một bệnh mãn tính gây đau, sưng và cứng khớp.

Theo các chuyên gia, viêm xương khớp có thể gây cứng khớp, đau và xuất hiện các nốt xương. Viêm khớp dạng thấp dẫn đến khớp sưng, ấm, cứng vào buổi sáng, và có thể làm biến dạng ngón tay. Tuy nhiên, đôi khi khớp sưng có thể do mức protein trong cơ thể rất thấp. Ngón tay sưng cũng có thể liên quan đến bệnh tuyến giáp hoặc tình trạng viêm da mô (cellulitis).

Về giải pháp, trước tiên, bạn cần chẩn đoán chính xác. Với các bệnh viêm khớp, có nhiều hướng điều trị, từ thuốc kháng viêm đến thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc sinh học. Chườm đá, nâng cao tay và dùng Ibuprofen có thể giảm sưng và đau.

Đối với viêm xương khớp, một số nghiên cứu cho thấy glucosamine, omega-3 và collagen có thể hữu ích. Giảm cân và tập thể dục cũng được khuyến nghị. Viêm khớp vảy nến thường được điều trị bằng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) hoặc corticosteroid. Cellulitis được điều trị bằng kháng sinh. Để tăng cường albumin và protein, hãy ăn protein trong mỗi bữa ăn và bổ sung vitamin D.

Khớp ngón tay sưng có thể là dấu hiệu của viêm xương khớp

3. Đau và cứng khớp bàn tay

Có nhiều nguyên nhân gây đau và cứng, bao gồm viêm khớp, bệnh da (như chàm hoặc vảy nến), hội chứng Raynaud, hoặc cước (chilblains). Ở trường hợp cước, có thể chỉ là tình trạng đơn lẻ hoặc liên quan đến bệnh hệ thống hay bệnh mô liên kết – rất đau và cần chẩn đoán.

Nguyên nhân khác có thể là hội chứng ống cổ tay (carpal tunnel syndrome) do chèn ép dây thần kinh ở cổ tay. Tình trạng này có thể do thừa cân, đái tháo đường hoặc các công việc đòi hỏi cử động lặp đi lặp lại, nên chẩn đoán là rất quan trọng.

Cước thường sẽ tự khỏi, nhưng paracetamol hoặc ibuprofen có thể giảm đau. Bạn có thể ngăn ngừa bằng cách mặc quần áo ấm, chống thấm nước khi trời lạnh, dưỡng ẩm cho tay và bỏ thuốc lá, hạn chế rượu để cải thiện tuần hoàn. Duy trì vận động giúp cải thiện tuần hoàn. Tránh mặc quần áo hay giày dép chật để không cản trở lưu thông máu.

4. Tay run

Run tay có nhiều nguyên nhân, bao gồm lo âu, mệt mỏi và uống quá nhiều caffeine. Nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là chứng run vô căn lành tính (benign essential tremor), thường không liên quan đến bệnh lý nghiêm trọng. Đây là tình trạng ảnh hưởng hệ thần kinh, gây run vô ý và nhịp nhàng.

Ở một vài trường hợp, run cũng có thể do bệnh Parkinson và các bệnh thần kinh khác, hoặc khi tuyến giáp hoạt động quá mức. Một số rối loạn cơ cũng gây run, nhìn chung, chẩn đoán rất quan trọng.

Thuốc điều trị phổ biến cho chứng run vô căn lành tính bao gồm thuốc chẹn beta (như propranolol) và thuốc chống co giật (như primidone). Nếu bạn bị Parkinson, có các loại thuốc như levodopa giúp bổ sung dopamine trong não, vì thế hãy đi khám để nhận điều trị phù hợp.

5. Đầu ngón tay đổi màu đỏ, trắng và xanh

Hội chứng Raynaud, một tình trạng khiến mạch máu co lại, làm giảm dòng máu đến đầu ngón tay, có thể khiến màu sắc ngón tay thay đổi đáng kể, kèm tê, ngứa ran và đau. Điều này bị kích hoạt bởi nhiệt độ lạnh, nhưng cũng có thể báo hiệu bệnh tự miễn. Hãy đến gặp bác sĩ để đảm bảo không có bệnh lý mô liên kết tiềm ẩn.

Nếu ngón tay chuyển đỏ, bạn có thể mắc các bệnh da như vảy nến, chàm, hoặc nhiễm trùng da hoặc nhiễm trùng quanh nếp móng (paronychia). Paronychia là nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm quanh nếp móng, gây đỏ, sưng và đau.

Tác nhân chính gây hội chứng Raynaud có thể là do bạn dễ bị lạnh, vì vậy hãy đeo găng tay, thậm chí dùng găng sưởi. Thuốc giãn mạch có thể hỗ trợ, tuy nhiên, thuốc này cần được kê đơn. Với tình trạng viêm quanh móng, hãy dùng kem bôi theo toa để giảm viêm và ngăn ngừa tổn thương móng.

Hội chứng Raynaud

6. Vảy đỏ hoặc mụn mủ

Những triệu chứng này có thể do viêm da (dermatitis) hoặc vảy nến (psoriasis) gây ra. Vảy nến ở tay là bệnh tự miễn mãn tính có thể gây đau. Đôi khi vảy nến kèm theo mụn mủ hoặc gây nứt nẻ, nứt kẽ đau đớn. Các triệu chứng này cũng có thể do viêm da tiếp xúc dị ứng (allergic dermatitis).

Hãy gặp bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia y tế nếu bạn nghi ngờ mắc vảy nến. Để ngăn viêm da, tránh tiếp xúc hóa chất, ví dụ đeo găng tay khi rửa bát, lau khô tay sau khi rửa. Với viêm da dị ứng, bạn cần xác định chất gây kích ứng hoặc dị ứng – thường gặp là niken, latex hay xà phòng.

Những triệu chứng này có thể do viêm da (dermatitis) hoặc vảy nến (psoriasis) gây ra

7. Đốm trắng trên móng tay

Leuconychia là các đốm hoặc vệt trắng trên móng, thường do chấn thương nhẹ ở vùng sinh móng. Chúng cũng có thể liên quan đến tình trạng thiếu kẽm, chàm, hoặc nấm. Đốm trắng cũng có thể do lắng đọng canxi, thường không nghiêm trọng.

Nhưng nếu móng bị bong tróc, có thể bạn bị nấm móng, biểu hiện là những đốm trắng. Móng trắng cũng có thể chỉ ra tình trạng thiếu protein. Nếu mẫu móng được phân tích xác định là nhiễm nấm, có thể điều trị bằng thuốc kháng nấm dạng uống hoặc sơn móng có hoạt chất kháng nấm.

Leuconychia là các đốm hoặc vệt trắng trên móng

8. Móng tay giòn hoặc ngả vàng

Nhiễm nấm móng (onychomycosis) có thể làm móng dày lên, đổi màu (thường vàng) hoặc giòn. Ở một khía cạnh khác, nó cũng có thể liên quan đến bệnh phổi.

Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Anh cũng liệt kê móng chân giòn, mọc chậm là dấu hiệu tiềm tàng của cholesterol cao. Móng tay giòn cũng liên quan đến thiếu vitamin hoặc thiếu sắt, và có thể do bệnh viêm ở móng như paronychia hoặc vảy nến.

Hãy dùng dầu dưỡng móng, kem dưỡng da tay hoặc kem chứa lanolin hay axit alpha-hydroxy để dưỡng ẩm móng ít nhất một lần mỗi ngày. Bổ sung biotin có thể giúp móng khỏe hơn, và duy trì chế độ ăn giàu protein, sắt và kẽm. Tốt nhất vẫn là có được sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ.

Nhiễm nấm móng (onychomycosis) có thể làm móng dày lên, đổi màu (thường vàng) hoặc giòn

9. Móng tay có vết lõm (pitting nails)

Móng có vết lõm có thể liên quan đến chàm hoặc bệnh tuyến giáp. Vảy nến có thể làm móng bị lõm, dày, đổi màu, thậm chí tách ra khỏi giường móng (onycholysis). Các rãnh trên móng cũng có thể cảnh báo nhiều thay đổi nội/ngoại sinh hoặc chấn thương.

“ác liệu pháp dùng cho vảy nến như kem bôi, thuốc uống và thuốc tiêm thường không mấy hiệu quả với móng vì dược chất khó thấm vào móng. Liệu pháp ánh sáng (phototherapy) có thể giảm tình trạng tách móng và đổi màu.

Nguồn tổng hợp

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận