Chủ đề
9 câu hỏi tự đặt ra trước khi tìm phòng gym mới
Phòng gym tốt nhất luôn luôn là lựa chọn phù hợp với nhu cầu của bạn.
Năm mới sắp đến, một trong những công việc “to-do list” lớn nhất của nhiều người là cuối cùng phải tìm ra được chương trình tập luyện. Và cũng với không ít người, bước đầu tiên chính là đăng ký được cho mình một phòng gym. Nhưng khi hàng loạt lựa chọn đập vào mắt bạn: từ studio chuyên biệt, chuỗi phòng gym mở cửa 24/7, cho đến phòng sauna (mà bạn có thể chẳng bao giờ dùng) thì sự bối rối hoàn toàn có thể xuất hiện trước khi bạn kịp xỏ giày.
Thế nhưng việc này không nhất thiết phải khó khăn. Phòng gym “đỉnh nhất” trên giấy đôi khi vô nghĩa nếu đó không phải nơi phù hợp với bạn. Cùng một không gian tập luyện có thể truyền cảm hứng cho một số người bứt phá, lại khiến người khác thấy ngán ngẩm, không muốn bước chân vào. Vì vậy, hãy thử tham khảo 9 câu hỏi dưới đây để xem thử, chiếc phòng mà bạn đang lựa chọn có thật sự phù hợp với nhu cầu cá nhân của bạn hay không.
1. Quãng đường đi đến phòng gym đó thế nào?
Bạn có biết, nếu việc di chuyển đến phòng gym quá bất tiện, khả năng cao là bạn sẽ không muốn làm điều đó.
Có thể đó là một chuỗi phòng gym với rất nhiều cơ sở, trong đó có một cơ sở cực kỳ “xịn xò” nằm ở trung tâm, cái còn lại thì nằm dưới tầng hầm và trong như một cái hộp. Thoạt nhiên thì thấy khá dễ lựa chọn phải không, nhưng hãy ngẫm lại, cơ sở “xịn xò” kia nằm ngay trung tâm thành phố, bạn phải vật lộn với đường xá đông đúc, những con phố một chiều, rồi tìm đường luồn lách trong bãi đỗ xe để bước được vào. Nhiều khi, bạn đã được “tắm hơi” bằng khói bụi trong một khoảng thời gian kha khá trước khi đến được đó.
Vì vậy, hãy kiểm tra đường đi trước khi ký bắt kì hợp đồng nào, nếu tốt nhất, hãy đi một lần thử cho biết thay vì chỉ dựa vào Google Maps, và cũng nhớ đi đúng khung giờ bạn dự định tập. Nếu trong lúc “chạy thử” mà bạn đã cảm thấy phiền, thì nỗi phiền đó chỉ càng nhân lên khi bạn đi tập thường xuyên.
2. Bạn muốn tập loại hình gì?
Mỗi phòng gym thường sẽ có một thế mạnh, có thể là loạt máy cardio đa dạng, hàng dãy giá đỡ tạ (power rack) cho mọi người thoải mái tập squat, hoặc lịch lớp học dày đặc. Lý tưởng nhất, thế mạnh này nên “khớp” với hướng tập luyện chính bạn muốn theo đuổi.
Nếu bạn thích thay đổi với nhiều lớp nhóm, bạn sẽ chán nếu gym đó chỉ có vài lớp xoay vòng. Nếu mục tiêu là nâng cao sức bền chạy bộ để chinh phục đường chạy 10K, chắc bạn sẽ ức chế nếu phòng tập chỉ có ít máy chạy (lại còn thường xuyên có người dùng), nhưng có thể bạn sẽ rất hợp với nơi có một “biển” máy cardio. Hãy cẩn thận với những phòng gym khoe đủ thứ tiện ích lấp lánh mà nghe thì hay, nhưng bạn biết rằng mình sẽ chẳng dùng đến.
3. Bạn định tập vào thời điểm nào?
Đây cũng là yếu tố lớn, vì nó tác động đến nhiều khía cạnh khác. Một phòng tập có thể bất tiện vào giờ cao điểm, nhưng lại dễ thở hơn vào buổi trưa. Phòng tập chủ yếu dành cho người đi làm văn phòng có thể đông nghịt sau giờ làm; phòng tập thu hút người hưu trí thì có thể vắng hoe trước 5 giờ chiều. Bạn có thể hỏi nhân viên quầy lễ tân về giờ cao điểm, nhưng cách tốt nhất vẫn là đến tận nơi vào khung giờ bạn sẽ tập để xem thực tế thế nào.
Một yếu tố khác cần cân nhắc về thời gian: Bạn có định đi làm hoặc đi đâu đó ngay sau buổi tập không? Nếu có, phòng thay đồ, bao gồm cả nhà tắm sẽ quan trọng hơn nhiều so với trường hợp bạn chỉ cần treo tạm áo khoác. Và điều này dẫn đến…
4. Bạn có tắm ở gym không?
Không phải gym nào, kể cả những nơi trông “lung linh” bên ngoài, cũng đều như nhau đằng sau cánh cửa phòng tắm. Có nơi trang bị buồng tắm, gương bàn trang điểm, thậm chí cả bộ sản phẩm chăm sóc cá nhân miễn phí, khiến bạn có cảm giác sang hơn ở nhà. Có nơi khiến bạn phải vã cồn vào chân nếu lỡ dẫm ra sàn mà quên đi dép.
Ngoài ra, dịch vụ khăn tắm cũng đáng để để mắt: Việc tiết kiệm khối “tải” trí óc này là điều xứng đáng để trả thêm tiền, và rất có thể bạn cũng sẽ thấy như vậy. Nó giúp bạn sử dụng nhà tắm nhiều hơn, cải thiện trải nghiệm sau tập. (Hãy thử một ngày chạy interval cật lực, rồi ra ngay gió lạnh tháng Giêng mà chưa tắm, xem bạn có ớn lạnh hay không.)
5. Bạn thuộc nhóm “cắm tai nghe tập” hay thích giao lưu?
Không có kiểu nào tốt hơn hẳn, nhưng nếu không “hợp vibe” thì bạn có thể mất hứng tập, và khả năng quay lại cũng giảm. Khi tham quan nơi mới, hãy để ý mức độ tương tác mọi người dành cho nhau (và cảm nhận thực sự của bạn).
6. Bình xịt khử trùng hoặc khăn lau ở đâu?
Nếu bạn phải “lùng sục” khắp phòng để tìm lọ xịt hay khăn, đó không phải tín hiệu tốt về mức độ sạch sẽ.
Nếu người tập phải chạy ra quầy lễ tân để mượn lọ xịt duy nhất, có thể đoán được hầu hết thiết bị chẳng được vệ sinh mấy. Thực tế đáng buồn là không phải ai cũng có ý thức lau dọn sau khi dùng xong.
Nếu ở mỗi khu vực đều có sẵn dung dịch khử trùng, cuộn giấy hoặc hộp khăn lau, bạn có thể yên tâm hơn rằng mọi người sẽ xịt và lau, tránh tình trạng nằm lên đúng “vệt mồ hôi” của người trước.
7. Phòng gym này có toát lên “phong cách” tập mà bạn mong muốn?
Một yếu tố khác khi bạn quan sát: Có nhiều kiểu hình thể khác nhau trong phòng tập hay không, cả ở huấn luyện viên lẫn người tập? Thiết bị có phù hợp với nhiều vóc dáng và chiều cao khác nhau không? Thông điệp của họ về fitness ra sao?
Cách khá hữu hiệu để nhận biết là xem các bảng thông báo, sự kiện đặc biệt, thử thách hay giải thưởng. Họ có đặt nặng chuyện giảm cân, rồi khen ngợi người chạm ngưỡng số ký nặng nề nào đó một cách tùy hứng? Họ có tên lớp kiểu “Giảm Mỡ Bikini” hay tạo những bài tập 5 phút cuối buổi để có “tay săn chắc mặc áo ba lỗ”?
Hay họ tập trung hơn vào tính năng và cải thiện hiệu suất, chẳng hạn như lập lớp học hỗ trợ bạn lần đầu chống đẩy, mời mọi người ghi kỷ lục squat mới lên bảng, hoặc đơn giản là chia sẻ danh sách nhạc tạo động lực thay vì các bức ảnh “lột xác” trước sau? Chính những chi tiết này mới thúc đẩy bạn lâu dài.
8. Hãy xem vibe của họ trên mạng xã hội?
Đây cũng là cách tốt để đánh giá cách phòng gym nhìn nhận “fitness” một cách toàn diện, hãy theo dõi fanpage, Instagram… rồi xem họ quảng bá cho ai, thích kiểu bài đăng nào, tôn vinh những hội viên nào (và hoạt động gì).
Nội dung do chính người dùng đăng cũng hữu ích: Họ tag gì về phòng gym này? Có tràn ngập ảnh khoe cơ bắp, phù hợp với dân thể hình nhưng có thể khiến người tập phong trào cảm thấy lạc lõng? Hay họ chỉ đơn giản là những bức selfie mệt nhoài sau buổi tập hăng say? (Lượng nội dung đăng lên cũng nói lên nhiều điều: nếu quá nhiều video/ngày, có thể bạn phải làm quen với rừng tripod trên sàn, thậm chí “lọt” cả vào phòng thay đồ.)
9. Bạn có thực sự cần một phòng gym “vật lý” không?
Hãy cân nhắc những câu hỏi trên, chúng sẽ giúp bạn tìm được phòng tập ưng ý, nếu đó là đích bạn nhắm tới.
Còn không, cũng không sao! Bạn vẫn có thể bắt đầu hoặc duy trì thói quen tập luyện hiệu quả mà không cần đến phòng tập. Với một góc tập tại nhà được trang bị cơ bản và vô vàn bài tập sáng tạo trên mạng, bạn hoàn toàn có thể chinh phục mục tiêu của mình, vốn cũng chẳng cần một không gian hào nhoáng riêng.