9 cách sắp xếp tủ lạnh dễ nhất và an toàn nhất mùa Tết này - Doctor247

9 cách sắp xếp tủ lạnh dễ nhất và an toàn nhất mùa Tết này

Hãy đọc tiếp để biết cách và nơi nên cất trữ trứng, thịt sống, thực phẩm đã chế biến sẵn cùng tất cả những thứ nằm ở khoảng giữa trong tủ lạnh mùa Tết này.

9 cách sắp xếp tủ lạnh dễ nhất và an toàn nhất mùa Tết này

Nếu bạn lướt TikTok đủ lâu, hẳn bạn đã bắt gặp trend “fridgescaping”, hay sắp xếp tủ lạnh để biến chiếc tủ dường như tẻ nhạt thành một “tác phẩm nghệ thuật”, bằng cách bày trí thực phẩm sao cho đẹp mắt nhất. Ví dụ như các hộp đựng được xếp ngay ngắn, những giỏ đan lát đựng đầy rau củ tươi, một “đội hình” lọ thủy tinh được đặt khéo léo – hoặc có thể kết hợp cả ba. Nhưng hóa ra, cách bạn sắp xếp tủ lạnh không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ; nó còn có thể tác động trực tiếp đến an toàn thực phẩm (và sức khỏe của bạn).

Dưới đây là những mẹo được chuyên gia khuyến nghị để giúp bảo vệ thực phẩm khỏi vi khuẩn gây bệnh và giữ cho thức ăn tươi ngon lâu hơn mà không làm giảm tính tiện dụng. Hiển nhiên, kết quả cuối cùng có thể không lung linh như trên TikTok, nhưng chắc chắn nó sẽ giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ sức khỏe của bạn và tiết kiệm chi phí mua mới những túi rau xà lách đã ố úa.

1. Đừng nhồi nhét quá nhiều vào tủ lạnh, trước hết là…

Một chiếc tủ lạnh bị nhét đầy ắp sẽ phải hoạt động căng thẳng hơn và dễ bị quá tải. Không chỉ bản thân tủ lạnh gặp rủi ro, mà thực phẩm bên trong cũng sẽ bị ảnh hưởng, ngay cả khi thiết bị chưa hẳn “chết máy” và ngừng cấp điện hoàn toàn.

Khi mọi thứ bị dồn sát vào nhau, không khí không lưu thông tốt, nhiệt độ bên trong có thể bị đẩy lên quá mức an toàn khoảng 4 độ C. Vì thế, dù việc mua thực phẩm số lượng lớn giá rẻ có thể rất hấp dẫn, nhưng điều đó không đồng nghĩa là tốt cho an toàn thực phẩm. Bạn thực sự nên nghĩ đến việc chỉ mua sắm đủ dùng trong một tuần. Dĩ nhiên, điều này có thể khiến bạn phải đi chợ thường xuyên hơn, nhưng nó hoàn toàn xứng đáng nếu giúp tủ lạnh không bị quá tải.

2. …và hãy thường xuyên dọn dẹp tủ lạnh

Một lý do khác để hạn chế số lượng thực phẩm trong tủ lạnh là bạn sẽ không muốn chúng biến mất vào vùng bí ẩn tối tăm ở phía sau, nơi mọi thứ trở thành ‘vật thể lạ’. Khi đồ ăn bị kẹt phía sau, chúng sẽ rất dễ hỏng mà cũng khó vệ sinh.

Vì thế, hãy thường xuyên kiểm tra tủ lạnh để chắc chắn không còn sản phẩm cũ, hết hạn hay nghi ngờ đã hỏng nếu phát hiện, hãy vứt bỏ. Bạn có thể tham khảo bảng hướng dẫn của USDA về thời gian lưu trữ tối đa cho từng loại thực phẩm. Ví dụ, thức ăn nấu chín chỉ nên để tối đa bốn ngày, trong khi thịt và gia cầm sống nên giới hạn khoảng hai ngày.

Nếu thấy việc liên tục dọn dẹp nghe có vẻ gian nan, bạn có thể áp dụng phương pháp sau viết ngày hết hạn rõ ràng trên bao bì để bạn dễ nhớ. Ngay trên nắp hộp là vị trí lý tưởng nhất, hoặc giấy note để dán ngoài cửa tủ cũng là một ý hay.

3. Đặt các thực phẩm cần ưu tiên ở nơi dễ thấy

Khi quyết định thứ tự sử dụng thực phẩm đã để trong tủ lạnh, có vài quy tắc cơ bản: “Vào trước – dùng trước” (FIFO). Hãy ưu tiên thực phẩm tươi trước thực phẩm đông lạnh, và dùng đồ cũ trước đồ mới.

Để tiện theo dõi, hãy để các món cần dùng sớm như cá, thức ăn thừa hoặc thịt nguội ở vị trí dễ thấy, ví dụ ngay phía trước các kệ. Điều này giúp bạn duy trì một lịch trình ăn hợp lý, tránh lãng phí đồ ăn cũng như tiền bạc. Không gì tiếc hơn việc phải vứt cả túi rau củ vừa mở ra chưa kịp dùng hết.

Tuy vậy, cuộc sống không phải lúc nào cũng theo kế hoạch. Nếu bạn thấy những món cần dùng sớm đã để lâu hơn dự kiến (hoặc sắp phải để lâu hơn), hãy nấu chín hoặc chuyển chúng vào ngăn đá. Đừng chờ đến khi quá muộn, bằng cách đó, bạn vẫn có thể sử dụng chúng sau này.

4. Để thịt sống, hải sản và gia cầm ở ngăn dưới, trong hộp kín

Vì thực phẩm sống có thể chứa vi khuẩn gây hại, để chúng ở ngăn dưới cùng sẽ giúp ngăn chặn chất lỏng từ chúng rò rỉ xuống các món bên dưới.

Bạn cũng nên có lớp bảo vệ phụ, ví dụ đựng chúng trong hộp kín hoặc túi để giữ lại các chất lỏng. Và it nhất cũng nên lót đĩa có gờ cao, ngay cả khi hộp đựng bị rò rỉ, lớp lót này cũng cản nước thịt dính vào món ăn khác.

5. Đặt thực phẩm ăn liền ở ngăn trên

Hãy nghĩ đến các món salad, trái cây, đồ uống, thức ăn thừa, thịt đã nấu chín – bất cứ thứ gì bạn có thể lấy ra ăn ngay mà không cần nấu lại. Nói cách khác, đây là “mặt đối lập” của thịt sống: Vì thực phẩm ăn liền (ready-to-eat, RTE) không cần đun nấu, chúng ít rủi ro gây nhiễm chéo nhất và an toàn khi xếp trên các món khác.

6. Chia nhỏ các món ăn nóng số lượng lớn

Bạn không nên cho cả nồi súp, hầm còn đang bốc hơi nghi ngút trực tiếp vào tủ lạnh, vì nó có thể làm nóng các món xung quanh và thậm chí có thể ảnh hưởng nhiệt độ chung của tủ. Bên cạnh đó, chính nồi thức ăn nóng này sẽ mất nhiều thời gian để nguội và tiềm ẩn nguy cơ sinh sôi vi khuẩn.

Thay vào đó, bạn nên để nguội thức ăn một chút, ví dụ còn khoảng 60 độ C thay vì nhiệt độ sôi. Sau đó, chia vào các hộp nông nhỏ cao chừng một chiếc thẻ tín dụng. Như vậy sẽ tối ưu diện tích bề mặt tỏa nhiệt giúp thức ăn nguội nhanh hơn.

7. Sữa và trứng không nên để ở cánh cửa tủ

Đúng vậy, dù chúng có vừa khít đi chăng nữa. Bởi vì mỗi lần mở tủ, cánh cửa tủ lạnh lại thay đổi nhiệt độ, những món đặt ở đây có nguy cơ cao bị biến động nhiệt, dẫn đến vi khuẩn phát triển nhanh và rút ngắn thời gian bảo quản. Thay vào đó, hãy đặt các món từ sữa hay trứng ở kệ giữa.

Tuy vậy, bạn vẫn có thể tận dụng không gian ở cánh cửa cho những sản phẩm có chất bảo quản như sốt, gia vị, nước uống đóng lon, vì chúng ít nhạy cảm hơn trước sự lên xuống nhiệt độ.

8. Giữ rau củ và trái cây riêng biệt

Hãy cố gắng không trộn lẫn trái cây và rau củ nếu bạn có thể. Một số loại như táo, bơ, chuối, cà chua và đào sẽ giải phóng khí ethylene, khiến chúng chín và hỏng nhanh hơn. Trong khi đó, một số thực phẩm, nhất là rau như ớt chuông, dưa chuột và rau lá xanh lại rất nhạy cảm với khí này.

Để tránh tình trạng này, hãy chia chúng vào hai ngăn rau củ (crisper) khác nhau. Trái cây nên vào một ngăn riêng, rau củ vào ngăn còn lại. Ngăn rau nên đóng kín để duy trì độ ẩm, còn ngăn trái cây thì nên cho phép không khí lưu thông để khí ethylene không tích tụ bên trong.

Ngoài việc để riêng, chúng ta nên đựng chúng trong túi “thoáng khí” như túi lưới để giữ được độ tươi và tránh nấm mốc.

9. Và hãy chắc chắn rằng loại thực phẩm đó thực sự cần được bảo quản lạnh

Một số rau củ, trái cây vẫn có thể “sống tốt” (hoặc thậm chí là tốt hơn) ở nhiệt độ phòng. Nếu chưa rõ về loại nào, bạn có thể tham khảo các hướng dẫn lưu trữ rau củ và trái cây trên mạng.

Chẳng hạn, chuối, xoài, dưa lưới, đu đủ, cà chua, bí mùa đông đều có thể trữ ở nhiệt độ thường. Tùy theo lượng trái cây bạn dự trữ, mẹo này có thể giúp bạn giải phóng kha khá diện tích trong tủ lạnh – và như đã nói ở trên, khoảng trống cũng là một trong những yếu tố giúp tủ lạnh vận hành hiệu quả và an toàn hơn.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận