Chủ đề
9 biến chứng sốt xuất huyết thường gặp – có nguy hiểm không?
Biến chứng sốt xuất huyết rất nguy hiểm và diễn tiến rất khó lường, nếu không phát hiện và điều trị sớm, người bệnh sẽ có nguy cao đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng như: suy tim, suy thận, tràn dịch màng phổi, suy đa tạng, xuất huyết não…
Tìm hiểu về bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Đây là bệnh phổ biến ở các nước nhiệt đới, cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp sốt xuất huyết vào loại bệnh đáng được quan tâm nhất do muỗi truyền. Trong 50 năm qua trên toàn thế giới, các ca nhiễm bệnh sốt xuất huyết đã tăng lên hơn 30 lần.
Bệnh sốt xuất huyết lây lan với tốc độ rất nhanh, có thể gây thành dịch trong cộng đồng. Virus xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết đốt từ muỗi vằn (Aedes aegypti).
Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue có 4 type gây bệnh là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Tuy nhiên, do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng type, vì vậy mỗi người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần.
Khi mắc bệnh, người bệnh sốt xuất huyết có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan, lơ là cho rằng sốt xuất huyết thông thường sẽ không nguy hiểm, chăm sóc sai cách thì sẽ khiến bệnh trở nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm. Tác hại của bệnh sốt xuất huyết rất lớn, bệnh không chỉ nguy hiểm vì gây sốt cao triền miên, liên tục trong nhiều ngày mà còn gây ra các biến chứng nghiêm trọng như suy tim, sốc do mất máu, xuất huyết não, tràn dịch màng phổi,… có thể người bệnh tử vong nhanh chóng.
Bệnh sốt xuất huyết đang là gánh nặng kinh tế cho người dân và cộng đồng. Khi mắc bệnh sốt xuất huyết dengue người bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị, người thân phải nghỉ làm để chăm sóc, chi phí điều trị người dân phải chi trả không hề nhỏ so với thu nhập của mỗi hộ gia đình, ngoài ra còn ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý, sức khỏe của người bệnh, của cộng đồng và tác động không nhỏ tới an sinh xã hội.
Biến chứng sốt xuất huyết thường gặp
Đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Trong đó, biến chứng sốt xuất huyết giảm tiểu cầu và đông đặc máu là hai nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp tử vong.
1. Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu
Biến chứng sốt xuất huyết hạ tiểu cầu (giảm tiểu cầu) sẽ không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì, do đó, nhiều người khỏe mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt.
Đối với người bệnh bị xuất huyết nặng, biến chứng tiểu cầu giảm là tình trạng rất nguy hiểm. Khi đã bị giảm tiểu cầu, nếu người bệnh không được truyền tiểu cầu kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, tử vong nhanh chóng.
2. Sốt xuất huyết đông máu
Cô đặc máu là biến chứng sốt xuất huyết có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24 – 48 giờ.
Ở giai đoạn hạ sốt, các biến chứng hạ tiểu cầu hoặc cô đặc máu và thiếu thể tích tuần hoàn sẽ xuất hiện và gây tụt huyết áp, sốc… Vì vậy, khi có các triệu chứng trên, người bệnh tuyệt đối không chủ quan và cần đặc biệt lưu ý giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ 4 – 7 đi khám và xét nghiệm máu hằng ngày, xác định nguy cơ hạ tiểu cầu và cô đặc máu để ngăn ngừa nguy cơ trên.
Các biến chứng sốt xuất huyết nguy hiểm
Sốt xuất huyết là bệnh diễn tiến rất khó lường và phức tạp. Không ít trường hợp người bệnh đến bệnh viện trong trạng thái sốt cao, khó thở, mê sảng, vật vã,… Những người bệnh này nếu cấp cứu và điều trị chậm trễ, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau:
1. Tụt huyết áp và đau đầu
Ở bệnh sốt xuất huyết thể nặng, người bệnh sẽ cảm thấy khó khăn khi đứng và đi bộ đúng cách do huyết áp giảm đột ngột. Sau đó, người bệnh sẽ bị nhức đầu nghiêm trọng. Đây là biến chứng sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất vì là căn nguyên thường gây ra xuất huyết não và tử vong.
2. Suy tim, suy thận
Sốt xuất huyết có thể dẫn đến tình trạng suy tim và làm rối loạn hệ thống tuần hoàn do tình trạng xuất huyết liên tục trong cơ thể. Lúc này, tim không đủ sức bơm máu, dịch huyết tương xuất huyết liên tục sẽ khiến màng tim bị tràn dịch, gây ứ đọng. Điều này khiến tim và hệ thống tuần hoàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây suy giảm, rối loạn chức năng tim mạch và có thể khiến tim bị phù nề, xuất huyết cơ tim, suy tim.
Ở người bệnh sốt xuất huyết, thận cũng bị ảnh hưởng do phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu, điều này có thể dẫn đến tình trạng suy thận cấp.
Suy tim, suy thận là hai biến chứng rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại những di chứng nặng nề sau này, do đó người bệnh cần chủ động phát hiện sớm các triệu chứng cảnh báo để được can thiệp kịp thời.
3. Sốc do mất máu
Bệnh sốt xuất huyết gây ra tình trạng tăng tính thấm mao quản, thoát huyết tương và cô đặc máu, do đó biểu chứng của sốc là việc máu sẽ bị đẩy ra ngoài. Với biến chứng sốc do mất máu, máu sẽ chảy khá nhiều như chảy máu cam, chảy máu chân răng, qua vết thương hở. Việc mất máu nhiều khiến cơ thể kiệt quệ, sốt cao không hạ kéo dài, vã mồ hôi, nôn nhiều.
4. Suy đa tạng
Biến chứng sốt xuất huyết suy đa tạng là tình trạng rối loạn chức năng ít nhất 2 hệ thống cơ quan ở bệnh nhân có bệnh lý cấp tính mà không thể duy trì sự cân bằng nội môi nếu không có can thiệp điều trị. Thường gặp nhất trong biến chứng suy đa tạng là suy gan tối cấp, suy thận, tụt huyết áp, suy tim,… Khi gặp biến chứng suy đa tạng, người bệnh cần phải cấp cứu và lọc máu liên tục ngay.
5. Xuất huyết não
Xuất huyết não do sốt xuất huyết thường do rối loạn nguyên tố đông máu như: Chảy máu cam dữ dội, rong kinh, chỗ chích bị bầm tím, xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết nội tạng… Ở người lớn, khi mắc bệnh sốt xuất huyết, tỷ lệ xuất huyết não chiếm 1%, máu chảy lan nhiều chỗ trong não. Đây là nguyên nhân chính gây tử vong cao ở người lớn khi mắc bệnh này.
6. Tràn dịch màng phổi
Những ngày đầu, người bệnh sốt xuất huyết có triệu chứng sốt cao, ăn kém, nôn và tiêu chảy gây mất nước thì cần truyền dịch để bù lại lượng nước và điện giải đã mất, tránh hiện tượng cô đặc máu. Tuy nhiên, ở giai đoạn tiếp theo của bệnh, khi đã có tăng tính thấm thành mạch, thoát dịch ra ngoài thì người bệnh cần truyền dung dịch cao phân tử để kéo dịch trở lại lòng mạch, đồng thời tăng cường đào thải dịch ra ngoài bằng các thuốc lợi tiểu.
Nếu ở giai đoạn này vẫn truyền nhiều dịch nhưng không tăng cường thải dịch ra ngoài thì người bệnh sẽ có thể khiến viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi hoặc viêm phổi, phù phổi cấp. Nếu không được cấp cứu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
7. Hôn mê
Khi người bệnh bị xuất huyết trong cơ thể, dịch huyết tương có thể ứ đọng ở màng não qua các thành mạch gây phù não và các hội chứng thần kinh dẫn đến hôn mê. Đây là dạng biến chứng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết.
8. Sinh non, sẩy thai ở phụ nữ mang thai
Sốt xuất huyết ở phụ nữ đang mang thai có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm suy thai, sinh non, thai chết lưu. Người mẹ có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, làm tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ. Nguy hiểm hơn, nếu lượng huyết tương bị thoát lớn, ồ ạt sẽ gây bụng to, cổ trướng.
Đặc biệt, với những người mẹ đang mang thai, việc xuất huyết có thể dẫn tới việc cơ thể của mẹ kiệt quệ, không còn sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai. Do đó, với phụ nữ mang thai, nếu có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
9. Các biến chứng về mắt
Biến chứng về mắt do sốt xuất huyết đầu tiên là xuất huyết võng mạc dẫn đến các mạch máu của võng mạc bị tổn thương, máu thấm lên thành những lớp mỏng che trước võng mạc gây mù lòa. Biến chứng về mắt thứ hai là xuất huyết trong dịch kính: Dịch kính là chất lỏng trong nhãn cầu, bình thường dịch kính trong suốt ta mới nhìn thấy được mọi vật. Khi một mạch máu trong mắt bị vỡ, máu tràn vào trong buồng dịch kính che khuất các vật ở trước mắt khiến bệnh nhân gần như mù.
Phòng ngừa tác hại, biến chứng của sốt xuất huyết
Khi nghi ngờ bị bệnh sốt xuất huyết, người bệnh cần được thăm khám ở cơ sở y tế đảm bảo chất lượng để được điều trị kịp thời, bởi đây có thể là thể bệnh nặng nhất, gây nhiều biến chứng, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Trong trường hợp sốt xuất huyết ở thể nhẹ, bác sĩ chỉ định cho điều trị tại gia đình, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên về nhiệt độ cơ thể và các hiện tượng xuất huyết cũng như các dấu hiệu bất thường xuất hiện, nếu cần phải cho người bệnh đến bệnh viện ngay.
Ngoài ra, khi điều trị và theo dõi sốt xuất huyết tại nhà, người bệnh cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt chỉ dùng Paracetamol đơn chất hay ibuprofen, không được dùng Aspirin. Đặc biệt, người bệnh cần bù dịch sớm bằng đường uống, khuyến khích người bệnh uống nhiều nước Oresol, nước trái cây, nước cháo loãng với muối. Khi người bệnh không uống được do nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước, xét nghiệm Hematocrit tăng cao phải chỉ định truyền dịch.
Biến chứng sốt xuất huyết rất nguy hiểm, khó lường, dễ gây nguy kịch trong thời gian ngắn, tổn thương đa cơ quan, chảy máu ồ ạt, thậm chí tử vong. Do đó, nếu có dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng như đau bụng vùng hạ sườn phải, bứt rứt, vã mồ hôi, tay chân lạnh, chảy máu răng, xuất huyết âm đạo bất thường… cần đến bệnh viện ngay.
Theo VNVC