Chủ đề
7 thói quen thường ngày âm thầm dẫn đến bệnh thận
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, Việt Nam ghi nhận hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính. Tỷ lệ mắc bệnh thận mạn mới hằng năm là khoảng 8.000 người, 800.000 bệnh nhân cần phải chạy thận lọc máu, chiếm 0,1% dân số. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có 5.500 máy chạy thận phục vụ 33.000 bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong do bệnh thận đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Thận – Bộ lọc vàng cho cơ thể khỏe mạnh
Thận là cơ quan đóng vai trò thiết yếu trong việc lọc chất thải, nước dư thừa và các chất điện giải như natri và kali khỏi máu. Thận cũng giúp điều hòa huyết áp, sản xuất hồng cầu và cân bằng canxi trong cơ thể.
Khi thận bị tổn thương, khả năng lọc độc tố và duy trì cân bằng bị suy giảm, dẫn đến tích tụ chất thải, giữ nước và rối loạn điện giải. Tình trạng bệnh thận có thể dẫn đến cao huyết áp, bệnh tim và xương yếu. Tổn thương thận nếu không kiểm soát có thể tiến triển thành bệnh thận mạn và suy thận.
May mắn là có nhiều thay đổi đơn giản trong lối sống mà bạn có thể áp dụng ngay hôm nay để bảo vệ sức khỏe thận cho ngày mai. Dưới đây là 7 thói quen phổ biến có thể gây hại cho thận mà bạn nên tránh:
7 thói quen dẫn đến bệnh thận
Lạm dụng thuốc giảm đau không kê đơn
Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, aspirin có thể làm tổn thương ống thận – những cấu trúc siêu nhỏ giúp tái hấp thu dưỡng chất và nước. Khi bị viêm hoặc giảm lưu lượng máu, khả năng lọc của thận suy yếu. Người cao tuổi hoặc có bệnh nền cần đặc biệt cẩn trọng. Nếu buộc phải dùng thuốc, hãy dùng liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất, và luôn theo chỉ dẫn bác sĩ.
Uống không đủ nước
Nước là “trợ thủ” đắc lực cho thận trong việc loại bỏ chất thải. Thiếu nước, đặc biệt trong thời tiết nóng, khiến nước tiểu bị cô đặc, làm tăng nguy cơ sỏi thận và nhiễm trùng tiết niệu – hai yếu tố có thể gây tổn thương thận. Người bình thường nên uống từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày (khoảng 6 – 8 cốc).
Uống quá nhiều rượu bia
Thận giúp điều hòa lượng nước trong cơ thể. Uống rượu làm cơ thể mất nước và ảnh hưởng đến chức năng thận. Ngoài ra, rượu còn làm tăng huyết áp – yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tổn thương thận. Giới hạn khuyến nghị là không quá 14 đơn vị cồn/tuần, tương đương một ly rượu vang hoặc một cốc bia nhẹ mỗi ngày, và nên có những ngày không uống rượu trong tuần.
Hút thuốc lá
Không chỉ gây ung thư và bệnh tim, thuốc lá còn gây hại trực tiếp đến thận. Khói thuốc chứa cadmium – kim loại nặng có thể phá hủy mô thận. Ngoài ra, hút thuốc thúc đẩy stress oxy hóa và làm hẹp mạch máu, ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến thận. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ tiểu đường và cao huyết áp – hai nguyên nhân chính gây bệnh thận.

Thừa cân – béo phì
Chỉ số BMI khỏe mạnh dao động từ 18,5 đến 24,9. Vòng eo lớn cũng là chỉ dấu nguy hiểm, phản ánh tình trạng béo bụng – yếu tố liên quan đến tim mạch và tiểu đường. Ngoài ra, chất béo dư thừa có thể ảnh hưởng đến các hormone trong mô mỡ, gây rối loạn chuyển hóa tại thận. Ăn uống lành mạnh kết hợp tập thể dục đều đặn là cách thiết thực để bảo vệ thận. Mục tiêu nên là 30 phút vận động nhịp tim tăng (aerobic) ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
Ăn uống kém lành mạnh
Thực phẩm siêu chế biến (UPFs) như xúc xích, nước ngọt có gas, bánh mì đóng gói… chứa nhiều đường, muối, chất béo và phụ gia. Nghiên cứu trên 14.000 người kéo dài 24 năm cho thấy: người ăn nhiều UPFs có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn 24%. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều muối (trên 6g/ngày) gây mất cân bằng natri – kali, làm tăng huyết áp và giảm chức năng thận.
Ngủ không đủ giấc
Chất lượng và thời lượng giấc ngủ có liên quan mật thiết đến chức năng thận. Ngủ ít hơn 6 tiếng hoặc nhiều hơn 10 tiếng mỗi đêm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Thời lượng tối ưu là từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm. Hãy duy trì lịch ngủ đều đặn và không dùng thiết bị điện tử quá muộn để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Để hiểu rõ hơn về thận – cơ quan dù âm thầm nhưng được mệnh danh là “bộ lọc vàng cho cơ thể khỏe mạnh”, hãy đón xem Vodcast Well-Being EP5 “Bộ lọc vàng cho cơ thể khỏe” trên kênh Youtube của Doctor247, với sự đồng hành của TS BS. Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận – Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.