Chủ đề
7 cách giúp bạn rèn tính tự kỷ luật: mục tiêu rõ, kế hoạch tốt, phần thưởng thơm
Để rèn luyện tính tự kỷ luật, bạn có thể thực hiện theo những bước sau:
1. Mục tiêu RÕ: Đặt ra mục tiêu cụ thể và đo lường được giúp bạn tập trung hơn và dễ dàng theo dõi sự tiến bộ. Công cụ SMART (Cụ thể, Đo lường được, Khả thi, Hợp lý, Thời hiệu) là một sự hỗ trợ hữu ích. Mục tiêu nên cụ thể như lá bài trên tay.
Khi bắt đầu hành trình giảm cân, tôi không nói “muốn thon gọn” mà đặt ra con số cụ thể: “giảm 5kg trong 3 tháng”. Một người bạn của tôi là “42km VNExpress Nha Trang”.
2. Thói quen NHỎ: Bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhưng đều đặn mỗi ngày để hỗ trợ tiến gần hơn đến mục tiêu. Như việc chải răng mỗi sáng, hãy thêm thói quen mới vào lịch trình hàng ngày của bạn. Tôi bắt đầu với việc uống một ly nước lớn mỗi sáng, một việc nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng. Sách “Atomic Habits” cung cấp những hiểu biết sâu sắc về việc này.
3. Kế hoạch TỐT: Một kế hoạch chi tiết với các bước cụ thể và thời hạn cần thiết giúp bạn tiến bộ mỗi ngày và không lạc lối. Công thức 5W1H (What, Why, Who, Where, When, How) sẽ hỗ trợ bạn trong việc này.
Kinh nghiệm cá nhân là nên chia nhỏ mục tiêu lớn thành các bước nhỏ có thể thực hiện gọn trong ngày hay tuần để không gây áp lực và dễ theo dõi hơn. Mục tiêu “5kg trong 3 tháng” rất có thể sẽ được chuyển thành “3x5km chạy mỗi tuần, 5×2’ plank và fasting 16/8 mỗi ngày”.
Cho những lĩnh vực mà bạn không có kinh nghiệm, hãy tham khảo những người biết rõ hơn nếu cần thiết.
Thời nay rất thuận lợi khi rất nhiều những công cụ hỗ trợ miễn phí rất giá trị trên điện thoại thông minh Trello, MeisterTask, Reminders, Calendar, ToDoist…
4. Phần thưởng THƠM: Đặt phần thưởng sau mỗi thành tựu nhỏ để tăng động lực.
Đảm bảo rằng phần thưởng là điều bạn thực sự muốn và xứng đáng. Cũng có thể sử dụng khía cạnh ngược lại là hình phạt: không được làm/ăn/uống/chơi một thứ nào đó mà mình thích nhất.
5. Thực hiện ĐỀU: “Ăn từng miếng, cất từng bước”. Đừng ham nhiều hay to mà hãy chú trọng đều đặn và liên tục.
Những việc cần làm nên được tích hợp một cách tự nhiên vào lịch làm việc và sinh hoạt hàng ngày. Tốt nhất là sẽ có một điều kiện kích hoạt (trigger) tự nhiên nhất.
Ví dụ, với tôi là khi đi công tác xa nhà là sáng xỏ giày chạy. Ngủ dậy là plank năm lần, mỗi lần 2 phút. Đi nhậu thì mang sẵn giày thể thao để đi bộ về. Trước khi gửi mail quan trọng là tắt, làm việc khác trong ít nhất 15 phút rồi mới quay lại đọc lần nữa, điều chỉnh rồi mới gửi. Viết Status thì luôn tự hỏi “nó có ích cho ai không, nó có gây tổn hại cho ai không”. Trước khi đưa ra lời khuyên, tự nhủ “có thể thay bằng một câu hỏi khơi gợi hay không”.
6. Kiểm soát SÁT: Hãy tự giác theo dõi tiến bộ của bạn và tự thưởng cho những thành tựu nhỏ.
Nếu bạn thấy mình là người dễ “tặc lưỡi” cho qua, hãy sử dụng cơ chế kiểm soát bên ngoài: nhắc lịch, người thân, mạng xã hội,… Nếu bạn trọng tình cảm, hãy sử dụng những người mà bạn trân quý nhất để giám sát. Nếu bạn trọng mặt mũi, hãy đẩy những lời hứa và kế hoạch của mình cho mọi người mà bạn sợ mất mặt nhất biết. Nếu mình còn chưa thực sự đủ quyết tâm, hãy cùng tham gia với một đội nhóm nào đó có nhiều người thân/quên để mọi người kéo mình đi, ít nhất trong thời gian đầu, hầu mong tạo dần thói quen.
Tôi đã có được kinh nghiệm tốt với chạy bộ và học Duolingo và kinh nghiệm xấu với học đàn nên rất thấu hiểu điều này.
7. Điều chỉnh NGAY: Hãy linh hoạt và sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch của bạn dựa trên phản hồi và kết quả đạt được. Cũng nên học từ những lỗi lầm và thất bại, đừng để chúng ngăn cản bạn tiến về phía trước. Điều chỉnh là bình thường và cần thiết, không có gì phải xấu hổ cả.
Bằng cách áp dụng những nguyên tắc này vào cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ từ từ xây dựng được tính tự kỷ luật, giúp bạn đạt được nhiều thành tựu hơn.
Theo Trần Bằng Việt
Theo dõi
Xin hãy đăng nhập để bình luận
0 Góp ý