Chủ đề
5 sản phẩm gia dụng tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh
Hiện nay, mạng xã hội ngập tràn các “mẹo” nhằm “thanh lọc” , đồ gia dụng, nhà cửa, gán nhãn mọi thứ từ ga trải giường đến dầu hạt là có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là phải hiểu rõ “độc tố” là gì và thực sự có những chất nào trong nhà có thể đe dọa sức khỏe.
Độc tố là bất kỳ chất nào có thể gây tác động xấu đến sức khỏe trong ngắn hạn hoặc dài hạn. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở chỗ giới y khoa không phải lúc nào cũng xác định được ngưỡng tiếp xúc cụ thể dẫn đến ảnh hưởng có hại. Chúng ta có thể biết chất X gây ung thư hoặc sa sút trí tuệ, nhưng vấn đề là không phải cứ tiếp xúc một lần 10 phút là bạn sẽ mắc bệnh.
Dù vậy, một số hóa chất trong sản phẩm gia dụng có thể gây hại khi đạt đến nồng độ nhất định hoặc sau khi tiếp xúc lặp đi lặp lại. Vì thế, việc giảm thiểu hoặc loại bỏ những sản phẩm có tiềm năng độc hại trong nhà là rất quan trọng.
1. Chảo chống dính
Hầu hết chảo chống dính chúng ta sử dụng đều được phủ một lớp các hợp chất polyfluorinated (PFAS) hoặc polytetrafluoroethylene (PTFE). Những chất này được xem là “hóa chất vĩnh cửu” tạo đặc tính không dính và chống nước. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 79% chảo chống dính chứa PFAS, vốn có liên quan đến nhiều nguy cơ sức khỏe tiêu cực.
Khi chảo bị trầy xước hoặc được đun ở nhiệt độ rất cao, các hạt PTFE có thể thoát ra và lẫn vào thức ăn. Nếu thường xuyên sử dụng loại chảo này, chúng ta sẽ nạp vào cơ thể nhiều hạt PTFE, vốn có liên quan đến ung thư thận, ung thư tuyến giáp và ung thư buồng trứng.
Chuyển sang dùng chảo gang hoặc chảo gốm có thể là một giải pháp thay thế hợp lý. Vì ngay cả khi bề mặt chảo trông không trầy xước, những vết xước vi mô vẫn có thể làm rò rỉ hóa chất PFAS vào thức ăn.
2. Nến thơm
Khi đốt nến thơm, phản ứng hóa học xảy ra và giải phóng các khí có thể gây hại cho sức khỏe. Nến thơm thải ra các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC). Trong ngắn hạn, VOC từ nến – bao gồm benzene (chất gây ung thư) và toluene (được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ xếp vào nhóm độc tố) – có thể gây kích ứng cổ họng, chóng mặt hoặc đau đầu.
Về lâu dài, VOC còn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Hiện, các nghiên cứu đang chỉ ra rằng các VOC có thể gây ra vấn đề về sinh sản, như vô sinh. Dù vậy, chúng ta cần thêm các nghiên cứu trên quy mô dân số để xác định rõ mối liên hệ giữa VOC và vấn đề sinh sản.
Cũng có những ý kiến ngược lại, với người không dị ứng hương liệu, nến hoàn toàn an toàn. Một số nghiên cứu cũng ủng hộ quan điểm này, ví dụ một nghiên cứu năm 2022 không tìm thấy sự gia tăng đáng kể về nguy cơ tim mạch hay hô hấp khi đốt nến trong nhà.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho kết quả ngược lại. Một nghiên cứu năm 2015 phát hiện nến có mùi dâu tây thải ra formaldehyde (một chất gây ung thư) ở mức 2.098 phần tỷ, cao hơn nhiều so với ngưỡng an toàn thông thường.
3. Giấy thơm dùng trong máy sấy quần áo
Nhiều loại giấy thơm có hương liệu thương mại chứa các hóa chất độc hại như benzyl acetate, ethanol và chloroform.
Trong ngắn hạn, có người sẽ bị dị ứng hoặc kích ứng da khi tiếp xúc giấy thơm. Hương liệu trong giấy thơm cũng có thể gây vấn đề về da. Nhóm hoạt động môi trường Environmental Working Group (EWG) lưu ý sản phẩm giặt ủi có hương thơm có thể làm ô nhiễm không khí trong nhà, dẫn đến các vấn đề hô hấp như hen suyễn.
4. Hộp nhựa
Hộp nhựa dùng để đựng thức ăn thừa có chứa chất Bisphenol A (BPA), một hóa chất công nghiệp được dùng làm nhựa từ thập niên 1950. Nghiên cứu cho thấy BPA có thể bắt chước hoặc gây xáo trộn hoạt động hormone trong cơ thể. Việc tiếp xúc lâu dài với BPA ở mức độ cao có liên quan đến dậy thì sớm ở bé gái, vấn đề sinh sản sau này, và thậm chí làm tăng huyết áp.
Giải pháp đơn giản là thay hộp nhựa bằng hộp thủy tinh, đặc biệt khi bạn định hâm nóng thức ăn. Việc đun nóng hộp nhựa có thể khiến BPA ngấm vào thực phẩm.
5. Dụng cụ ăn uống “cổ điển”
Nhiều người thường mang ra bộ chén đĩa “cổ điển”, “truyền thống” của gia đình cho dịp lễ hoặc sự kiện đặc biệt. Nhưng theo các chuyên gia, việc này có thể gây hại cho sức khỏe.
Tại Mỹ, Chính phủ Liên bang của nước này đã cấm sử dụng sơn có chì trong sản phẩm thương mại từ những năm 1970. Vì vậy, không ngạc nhiên khi nhiều dụng cụ ăn uống “cổ xưa” vẫn chứa chất chì – một độc tố nguy hiểm cho não và các cơ quan quan trọng.
Ở trẻ em, nhiễm độc chì liên quan đến chậm phát triển, khó khăn trong học tập, thậm chí có thể gây co giật, vấn đề hành vi và tử vong. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị kiểm tra những món đồ gốm sứ nghi ngờ có chì bằng bộ dụng cụ thử chì, dễ dàng mua tại các cửa hàng đồ kim khí.
Nguồn tổng hợp