Chủ đề
5 hiểu lầm phổ biến về viêm khớp đã được khoa học làm rõ
Nếu bạn thường xuyên bị đau, cứng khớp và sưng tấy, dưới đây là những điều bạn cần biết ngay bây giờ về bệnh viêm khớp.
Viêm khớp là một trong những tình trạng sức khỏe mạn tính phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hơn 53 triệu người trưởng thành chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Và không phải chỉ có một loại bệnh duy nhất. Theo Tổ chức Viêm khớp (Arthritis Foundation), thuật ngữ “viêm khớp” thực chất bao gồm hơn 100 loại bệnh và tình trạng liên quan khác nhau.
Mặc dù đây là căn bệnh thường gắn liền với tuổi già, bất kỳ ai ở độ tuổi nào cũng có thể mắc. Hơn 1/3 số người sống chung với bệnh này cho biết nó ảnh hưởng đến khả năng làm việc và tận hưởng cuộc sống của họ. Tuy bệnh rất phổ biến, nhiều hiểu lầm vẫn tiếp tục tồn tại, dẫn đến hoang mang về nguyên nhân, cách điều trị và chiến lược quản lý.
Để tách bạch giữa thực tế và tin đồn, chúng tôi đã tìm hiểu các tài liệu khoa học nhằm phân tích những quan niệm sai lầm thường gặp nhất về viêm khớp, đồng thời đưa ra những thông tin dựa trên bằng chứng để giúp bạn hiểu và quản lý tốt hơn tình trạng này. Dưới đây là những điều bạn cần biết.
Hiểu lầm 1: Viêm khớp là bệnh của người cao tuổi.
Dù viêm khớp có vẻ phổ biến ở nhóm người cao tuổi, tuy nhiên, nó thực sự không giới hạn ở độ tuổi nào và có thể xảy ra ở bất kỳ ai.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), gần một nửa số người trưởng thành đang sống chung với viêm khớp ở Hoa Kỳ có độ tuổi dưới 65. Tuy đúng là viêm xương khớp (osteoarthritis) thường gặp hơn ở người lớn tuổi do khớp bị hao mòn, nhưng bệnh không “phân biệt” tuổi tác. Các bệnh như viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis), viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên (juvenile idiopathic arthritis) và viêm khớp vảy nến (psoriatic arthritis) có thể xuất hiện ở người trẻ, thậm chí ở trẻ em.
Sự thật là di truyền, nhiễm trùng, chấn thương và thói quen sinh hoạt có thể làm tăng nguy cơ bất kể bạn bao nhiêu tuổi.
Hiểu lầm 2: Bẻ khớp ngón tay gây viêm khớp
Chắc hẳn bạn đã nghe cảnh báo rằng bẻ khớp ngón tay sẽ dẫn đến viêm khớp. Tuy nhiên, lầm tưởng này có thể xuất phát từ âm thanh lốp bốp nghe có vẻ “hại” khớp.
Dù chưa có nhiều nghiên cứu sâu, một số ít tài liệu cho thấy không có mối liên hệ giữa việc bẻ khớp ngón tay và nguy cơ phát triển bệnh. Trên thực tế, âm thanh đó có thể xuất phát từ sự giải phóng bong bóng khí trong dịch hoạt khớp (synovial fluid) – chứ không phải do xương cọ xát vào nhau.
Mặc dù có thể khiến người xung quanh khó chịu, bẻ khớp ngón tay không gây hại cho khớp và không dẫn đến bệnh này.
Hiểu lầm 3: Tập thể dục khi mắc bệnh khiến bệnh trở nên nặng hơn
Nỗi sợ đau nhức hoặc tổn thương khớp thường khiến người bị viêm khớp ngần ngại vận động. Tuy nhiên, việc lười vận động thật ra có thể làm các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn về lâu dài.
Nghiên cứu cho thấy tập thể dục hữu ích trong việc tăng cường cơ bắp quanh khớp, cải thiện độ linh hoạt và giảm viêm. Hoạt động thể chất còn giúp ngăn ngừa thoái hóa sụn, đồng thời làm giảm đau và cứng khớp. Tổ chức Viêm khớp (Arthritis Foundation) khẳng định, đây là một trong những phương pháp tốt nhất để giảm đau do viêm xương khớp và cải thiện biên độ vận động khớp. Các bài tập nhẹ như đi bộ, đạp xe hoặc tập trên máy elliptical đều có thể phù hợp.
Nếu bạn có viêm khớp, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào. Họ sẽ giúp bạn chọn loại hình vận động tốt nhất, phù hợp với nhu cầu riêng.
Hiểu lầm 4: Mọi loại viêm khớp đều giống nhau
Viêm khớp thường được xem như một bệnh duy nhất. Thực tế, đây là thuật ngữ chung cho hàng loạt rối loạn khác nhau ở khớp. Hai dạng phổ biến nhất là viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp, vốn có nguyên nhân và cách điều trị rất khác biệt.
- Viêm xương khớp (Osteoarthritis) là dạng viêm khớp phổ biến nhất, đặc trưng bởi sự thoái hóa mô khớp diễn ra theo thời gian. Dù chưa rõ nguyên nhân chính xác, bệnh có thể làm tổn thương sụn, gân, dây chằng, xương và nhiều cấu trúc khác.
- Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis) là một rối loạn tự miễn, trong đó hệ miễn dịch “tấn công nhầm” các khớp. Hậu quả là tình trạng viêm và hủy hoại khớp, dẫn đến đau, cứng và sưng.
Nếu bạn bị đau khớp, hãy tìm gặp chuyên gia y tế để được chẩn đoán chính xác. Hiểu rõ nguyên nhân và phương pháp điều trị cho loại viêm khớp cụ thể sẽ là chìa khóa quản lý bệnh hiệu quả hơn.
Hiểu lầm 5: Không có cách nào để đối phó với viêm khớp
Mặc dù viêm khớp là tình trạng mạn tính và chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, vẫn có nhiều chiến lược giúp kiểm soát triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống, bao gồm cả thay đổi chế độ ăn. .Chế độ ăn có thể tác động đến các triệu chứng viêm khớp. Tập trung vào thực phẩm chống viêm như hải sản, rau củ quả, và thậm chí một số loại bổ sung (supplement) có thể cải thiện tình trạng bệnh.
Dù không có chế độ ăn “dành riêng” để giảm triệu chứng viêm khớp, chế độ ăn Địa Trung Hải tỏ ra nhiều triển vọng. Nó chứa nhiều thực phẩm có tác dụng chống viêm như cá béo, trái cây, rau củ, hạt, và ngũ cốc nguyên hạt. Nghiên cứu cũng cho thấy kiểu ăn này đặc biệt hữu ích với những người bị viêm khớp dạng thấp.