Chủ đề
4 biện pháp phòng bệnh cho trẻ trong mùa tựu trường
Cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang trở lại trường, làm tăng nguy cơ trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, một số bệnh như sởi, ho gà, tay chân miệng và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp dễ bùng phát trong thời điểm này.
Nguyên nhân khiến trẻ dễ nhập viện mùa tựu trường
Thời tiết thay đổi thất thường, mưa nắng xen kẽ, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn và nấm mốc phát triển, gây bệnh cho trẻ. Đặc biệt, trẻ nhỏ, nhất là ở lứa tuổi mầm non, có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ mắc bệnh. Việc hòa nhập vào môi trường mới, tiếp xúc với nhiều người cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Trong môi trường học đường đông đúc, các mầm bệnh dễ dàng lây lan, đặc biệt khi có sự hiện diện của máy lạnh.
Mỗi loại bệnh đều có triệu chứng lâm sàng khác nhau, nhiều bệnh lý nguy hiểm dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm thông thường như viêm phổi cấp, viêm họng cấp hay sốt xuất huyết. Nếu không được chăm sóc đúng cách, tình trạng này có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Đặc biệt, những trẻ chưa được tiêm phòng, có thể trạng không tốt như suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, hoặc mắc các bệnh lý mãn tính, sẽ có nguy cơ cao hơn.
Phòng bệnh cho trẻ mùa tựu trường
Để phòng bệnh hiệu quả trong mùa tựu trường, cần có sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong việc hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân, cũng như duy trì chế độ học tập và sinh hoạt hợp lý. Dưới đây là những biện pháp cần lưu ý:
1. Tạo thói quen rửa tay cho trẻ
Rửa tay là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong việc giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em. Hãy dạy trẻ rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn, sau khi hỉ mũi và sau khi đi vệ sinh. Thói quen này sẽ giúp ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh như cảm lạnh, cúm, đau mắt đỏ và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
2. Hướng dẫn trẻ cách ho và hắt hơi đúng cách
Virus cúm có thể lan truyền qua không khí khi ai đó hắt hơi hoặc ho. Cha mẹ nên dạy trẻ che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc bằng khuỷu tay khi hắt hơi hoặc ho. Nên tránh che bằng tay vì thói quen này có thể lây bệnh cho người khác.
3. Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý
Đảm bảo trẻ được ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bao gồm các loại rau củ, trái cây, ngũ cốc, thịt, cá và các sản phẩm từ sữa. Bổ sung thêm vitamin C và các loại vitamin khác để tăng cường sức đề kháng. Đồng thời, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vận động thể chất hàng ngày để tăng cường sức khỏe. Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc và có chế độ sinh hoạt hợp lý.
4. Tiêm phòng đầy đủ
Phụ huynh cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo lịch để bảo vệ con khỏi các bệnh truyền nhiễm. Các loại vaccine cần tiêm bao gồm: cúm, ho gà, sởi, thủy đậu, viêm phổi, viêm màng não do HiB, lao, rubella, quai bị, viêm não Nhật Bản, bệnh do phế cầu, và tiêu chảy cấp do Rotavirus. Vaccine Rota cũng rất quan trọng để ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus.
Mùa tựu trường là thời điểm nhạy cảm, vì vậy phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của con kỹ càng. Nếu trẻ có các dấu hiệu như da xanh, khó thở, thở mệt, sốt cao liên tục trên 38 độ C, li bì, bỏ ăn kéo dài, nôn ói, tiêu chảy, ho kéo dài, cần đưa trẻ đi khám ngay.
Nguồn tổng hợp