Chủ đề
14% dân số thế giới đang mắc hội chứng khiến họ không thể ngồi yên
Mỗi đêm, hàng triệu người trên thế giới phải đứng lên, đi bộ quanh nhà, lí do đơn giản chỉ để xoa dịu cảm giác “không thể ngồi yên” ở đôi chân. Hội chứng ‘chân bồn chồn (Restless Legs Syndrome – RLS) gây thiếu ngủ trầm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhưng lại bị đánh giá thấp và hiểu lầm, thậm chí ngay chính trong giới y khoa.
Hội chứng khiến bạn không thể ngồi yên
Theo Tổ chức Restless Legs Syndrome Foundation, RLS có thể tác động đến 14% dân số toàn cầu, tạo ra triệu chứng bồn chồn, giật rung ở chân hoặc tay, khiến người bệnh buộc phải di chuyển liên tục. Mặc dù được xếp vào nhóm rối loạn thần kinh, nhiều bệnh nhân chia sẻ họ không nhận được sự quan tâm đúng mức từ các bác sĩ. Thậm chí, có người bị chẩn đoán nhầm là rối loạn tâm lý hoặc bị gợi ý dùng thuốc ngủ dài hạn – trong khi căn bệnh có thể trầm trọng hơn và làm giảm đáng kể khả năng sinh hoạt hàng ngày.
Chủ đề này thường bị bỏ qua vì không đe dọa trực tiếp đến mức độ tính mạng, nhưng lại dẫn đến chuỗi ngày mất ngủ triền miên, khiến người bệnh kiệt sức. Tình trạng bồn chồn về đêm cũng góp phần gây ra các vấn đề về tinh thần như lo âu và trầm cảm.
Trong một trường hợp điển hình, chia sẻ với tờ The Guardian, Andrea Javor tại Chicago cho biết, hằng đêm cô phải rời khỏi giường, bước quanh hành lang 20 nghìn bước chỉ để dịu bớt cơn co giật ở chân. Cô từng trải qua vô số liệu pháp dân gian từ đặt xà phòng dưới ga giường đến dùng thiết bị rung chân, nhưng gần như vô hiệu.
Thậm chí, một bệnh nhân được chẩn đoán RLS từ lâu lại phải tạm gác chuyện điều trị vì bị tiểu đường tuýp 1 – căn bệnh được cho là ưu tiên hơn. Theo chia sẻ của bệnh nhân này, nhiều bác sĩ không coi chứng RLS là vấn đề cấp bách, hoặc đơn giản là không có phác đồ cụ thể, dẫn đến việc bệnh nhân phải “sống chung với lũ” suốt nhiều năm.
Những nỗ lực tìm kiếm giải pháp
Bác sĩ Andrew R. Spector, phó giáo sư thần kinh học tại Đại học Y Duke, nhận định rằng, RLS là một trong những hội chứng ít được đánh giá cao nhất trong thần kinh học. Căn nguyên của RLS đến nay vẫn chưa rõ ràng, song giả thuyết phổ biến bao gồm yếu tố di truyền, thiếu sắt hoặc các tác động của lối sống như tiêu thụ caffeine, rượu, thuốc lá hay sự thay đổi của dopamine. Tổ chức RLS Foundation cho rằng việc kê đơn nhóm thuốc chủ vận dopamine (dopamine agonists) cũng góp phần làm triệu chứng nặng hơn về lâu dài, khiến các cơn bồn chồn lan sang nhiều bộ phận khác trên cơ thể.
Theo hướng dẫn mới nhất từ Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM), nhóm thuốc chủ vận dopamine được khuyến cáo loại bỏ khỏi phác đồ điều trị RLS, trừ trường hợp người bệnh không còn nhiều thời gian sống. Nguyên nhân là bệnh nhân dễ bị lệ thuộc thuốc, lại bị “tái phát” RLS nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ John Winkelman, trưởng chương trình nghiên cứu lâm sàng rối loạn giấc ngủ Bệnh viện đa khoa Massachusetts, đã tiến hành nghiên cứu cả biện pháp dùng opioid liều thấp. Sau 6 năm theo dõi, có 20% bệnh nhân có thể giảm liều, 30% duy trì liều cũ, và 50% cần tăng liều nhẹ để duy trì hiệu quả. Tuy nhiên, các bác sĩ thường chỉ xem opioid là giải pháp cuối cùng.
Không ít bệnh nhân RLS mất hàng năm trời xoay xở, chịu đựng sự mệt mỏi kéo dài do mất ngủ. Từ những ví dụ lâm sàng, rất nhiều trường hợp đơn giản chỉ cần bổ sung sắt hoặc thay đổi lối sống đã có cải thiện rõ rệt. Điều này gợi ý sự cần thiết của việc chẩn đoán đúng và can thiệp từ sớm, tránh lạm dụng thuốc hay liệu pháp không phù hợp.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ đầu ngành, RLS vẫn bị đánh giá thấp, khó nhận được chú ý tương xứng so với các rối loạn giấc ngủ khác như mất ngủ kinh niên hay ngưng thở khi ngủ. Định kiến hoặc sự thiếu hiểu biết trong cộng đồng y tế lẫn công chúng càng khiến người bệnh chậm tiếp cận phương pháp chữa hiệu quả.