Xu hướng gia tăng học sinh điều trị trầm cảm và rối loạn tâm thần
Phan Nhi
1 năm trước
Trầm cảm tuổi học đường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần, thể chất, làm suy giảm chất lượng học tập và cuộc sống của trẻ.
Trầm cảm vì áp lực chuyện học, gia đình,…
Theo báo cáo mới nhất của UNICEF, cứ 7 trẻ vị thành niên thì có hơn 1 em từ 10-19 tuổi (13%) trên toàn cầu bị chẩn đoán rối loạn tâm thần. Mỗi năm, có gần 46.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới (cứ 11 phút lại có 1 trẻ).
Còn kết quả khảo sát Thực trạng sức khỏe tâm thần của học sinh Việt Nam năm 2022, gần 14% học sinh trung học cơ sở và 18% học sinh trung học phổ thông từng có ý định tự tử; gần 10% học sinh THCS và hơn 16% học sinh THPT thường cảm thấy cô đơn; 16% học sinh nam và 28% học sinh nữ có rối loạn lo âu… Đây thực sự là con số đáng báo động!
Ghi nhận tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, số lượng học sinh đến khám và điều trị các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu liên tục gia tăng trong những năm qua, đặc biệt sau dịch Covid-19.
Đang điều trị tại Khoa Tâm thần trẻ em hơn 1 tuần nay, N.T.S (13 tuổi, học sinh lớp 7) chia sẻ: “Gần 1 tháng trước, em bắt đầu mất ngủ, mệt mỏi và tâm trạng chán nản khiến việc học sa sút. Phát hiện sự việc, gia đình đã đưa em đến đây điều trị. Qua khám và làm các trắc nghiệm tâm lý để đánh giá, bác sĩ chẩn đoán em bị trầm cảm…”.
S trải lòng, thời gian qua, em phải chịu áp lực từ việc học, đặc biệt cảm thấy không vui vì bố mẹ hay cãi nhau và bận bịu công việc, thường xuyên vắng nhà. Bản thân cũng không có bạn bè, còn lịch học thì hầu như full tuần, cả chủ nhật; tối về em chỉ lủi thủi trong phòng và hay xuất hiện những ý nghĩ tiêu cực.
Bác sĩ CKII Tống Thị Luyến – Trưởng khoa Tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng) cho biết: “Tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý, vì vậy trẻ rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Trẻ ở độ tuổi này có khả năng nhận thức được các tác nhân gây căng thẳng như xung đột gia đình, sự chỉ trích hoặc không đạt thành tích trong học tập… Trầm cảm tuổi học đường làm ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể, ảnh hưởng đến kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Tỉ lệ trẻ mắc trầm cảm có ý tưởng và hành vi tự sát cao hơn ở người lớn. Có thể nói, rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em”.
Theo ghi nhận thực tế trong năm 2022, sau dịch Covid-19, đã liên tiếp xảy nhiều vụ học sinh tự tử. Ngày 31/3, gia đình phát hiện nữ sinh lớp 8, trường THCS Đại Phúc (TP Bắc Ninh) chết trong tư thế treo cổ tại phòng. Trước khi tự sát, nạn nhân để lại thư và nhật ký nói mình sắp đi xa.
Tương tự, ngày 1/4, vụ việc nam sinh 16 tuổi, trường THPT chuyên Hà Nội, nhảy từ tầng 28 chung cư xuống đất khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa. Theo công an, trước khi tự tử, nạn nhân có biểu hiện trầm cảm và để lại thư tuyệt mệnh.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp trẻ vị thành niên tự tử liên quan đến trầm cảm trong thời gian gần đây.
“Quá tải học tập, áp lực thi cử, gia đình đặt kỳ vọng quá lớn hay những khúc mắc trong quan hệ bạn bè, bạo lực học đường khiến nhiều trẻ bị căng thẳng, khủng hoảng tinh thần. Ngoài ra, yếu tố di truyền, thay đổi nồng độ hormone hoặc việc bố mẹ bất hòa, thiếu thốn về kinh tế, thiếu sự quan tâm và sự tăng tiếp xúc với internet, bị ảnh hưởng tiêu cực từ xã hội,… cũng là những nguy cơ khiến trẻ có cảm giác buồn phiền, lo âu, trầm cảm và trong một số trường hợp đã dẫn đến hành vi tự tử”, Bác sĩ Luyến giải thích.
Phải làm gì khi học sinh có biểu hiện trầm cảm?
Theo Bác sĩ CKII Tống Thị Luyến, có nhiều dấu hiệu để nhận diện trẻ đang gặp rối loạn tâm thần, trầm cảm, lo âu; tuy nhiên phụ huynh rất khó để nhận biết.
Thông thường, khi đưa con tới khám, các phụ huynh đều nói rằng gia đình mình bình thường, không có xích mích, cãi vã hay tạo sức ép cho con trong học tập.
Họ cũng nhận thấy con có sự thay đổi, khép mình hơn, dễ nổi nóng nhưng lại cho đó là dấu hiệu của tuổi dậy thì. Do đó, trẻ thường được can thiệp và điều trị muộn.
“Hầu hết các ca đến khám đều trong tình trạng đã có các rối loạn tâm lý ở mức độ vừa và nặng nên có không ít trường hợp có suy nghĩ tiêu cực và ý định tự tử”, bác sĩ Luyến nói.
Cũng theo bác sĩ Luyến, việc phát hiện sớm trầm cảm rất quan trọng vì sẽ làm tăng hiệu quả điều trị, tránh tái phát. Ngược lại, nếu trẻ bị trầm cảm vài năm mới được đi khám thì việc điều trị rất khó khăn, kéo dài và thậm chí để lại các ảnh hưởng đến chức năng tâm thần của trẻ, khó hòa nhập cuộc sống hơn.
Còn Thạc sĩ, Bác sĩ Đàm Văn Đức (Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng) cho biết, hiện chưa có bộ tiêu chí riêng để chẩn đoán trầm cảm ở trẻ em. Do đó, trầm cảm tuổi học đường vẫn dựa trên những triệu chứng như người lớn.
Điển hình, trẻ thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, chán nản, mất đi các sở thích trước đây. Thay đổi trong ăn uống dẫn đến sự thay đổi cân nặng, thay đổi trong giấc ngủ và những triệu chứng về vận động như cử động chậm chạp, nói chậm, nói ít, nói nhỏ hơn hoặc bồn chồn, bất an,…
Đặc biệt, trẻ trầm cảm thường tự đổ lỗi cho bản thân, nghĩ mình là người kém cỏi, thất bại, là gánh nặng của cả nhà,… Trẻ mất tập trung hơn, khó khăn khi phải quyết định điều gì đó. Trẻ có thể có những suy nghĩ tự làm đau bản thân hoặc tự sát, những suy nghĩ không lành mạnh này đôi khi sẽ được thể hiện thông qua những thể loại sách báo hoặc âm nhạc mà trẻ nghe mang hơi hướng không lành mạnh.
“Những triệu chứng này gây ra các vấn đề trong cuộc sống của trẻ như giảm sút hiệu quả học tập, không muốn đến trường, giảm sự giao tiếp với mọi người, thu rút xã hội hoặc có thể trẻ muốn tìm kiếm sự trấn an một cách quá mức”, Bác sĩ Đức nói.
Bác sĩ Đàm Văn Đức cho biết thêm, trong cuộc sống ngày nay, có rất nhiều áp lực nên bệnh trầm cảm ngày càng phổ biến, và nhận thức của người dân về trầm cảm cũng ngày càng đầy đủ hơn. Tuy nhiên, dường như chúng ta đang thiếu sự chú ý đến vấn đề trầm cảm ở trẻ em, dẫn tới có thể trong cộng đồng nhiều trẻ đang mắc trầm cảm mà không được phát hiện và điều trị.
Cũng theo Bác sĩ Đức, quá trình điều trị trầm cảm tuổi học đường, phụ huynh có vai trò rất lớn. Phụ huynh có thể tìm hiểu thêm các thông tin quan trọng từ bạn thân của con, thầy cô; đặc biệt cần quan tâm đến trẻ ở những giai đoạn chuyển trường, chuyển cấp hoặc bước vào tuổi dậy thì.
Ngoài ra, có thể xây dựng môi trường ấm cúng, an toàn bằng cách nói chuyện, tham gia chơi cùng những hoạt động trẻ yêu thích, khuyến khích những thói quen lành mạnh như ăn uống đều đặn, hoạt động thể chất thường xuyên.
“Cha mẹ hãy để cho trẻ được thể hiện cảm xúc, hãy lắng nghe thật kỹ những cảm xúc trẻ nói ra. Tuy nhiên, cũng không được gượng ép mà phải khéo léo lựa chọn những hình thức khác để trẻ biểu đạt cảm xúc như vẽ tranh, viết,… Đặc biệt, giữ trẻ tránh khỏi những tình huống áp lực quá mức, bị bắt nạt, bạo hành”, Thạc sĩ, Bác sĩ Đàm Văn Đức chia sẻ.