Chủ đề
‘Xa lánh’ trầm cảm bằng thực phẩm xanh lá
Giữa những cuộc tranh luận về việc lựa chọn chế độ ăn lành mạnh, một nghiên cứu mới quy mô lớn cho thấy việc tăng cường khẩu phần trái cây và rau quả có thể góp phần giảm nguy cơ trầm cảm.
Phát hiện ăn rau quả giúp giảm nguy cơ trầm cảm
Công trình vừa được nhóm các nhà khoa học tại Đại học New South Wales (UNSW) và cộng tác viên quốc tế công bố, đã phân tích dữ liệu của hàng ngàn người, chủ yếu là những cặp song sinh, để loại trừ ảnh hưởng của yếu tố di truyền. Kết quả cho thấy chỉ cần ăn thêm vài khẩu phần rau quả mỗi ngày dường như đã “bảo vệ” đáng kể tinh thần, đặc biệt ở người trung niên và cao tuổi.
Trong nghiên cứu này, 3.483 người từ 45 tuổi trở lên đã được khảo sát về chế độ ăn và tâm trạng, với thời gian theo dõi kéo dài tối đa 11 năm. Thông qua mô hình nghiên cứu song sinh, nhóm khoa học hy vọng “gạn đục khơi trong” các yếu tố di truyền, từ đó tập trung vào chế độ ăn và môi trường sống. Kết quả chỉ ra rằng những người ăn nhiều trái cây (trung bình 2,0 khẩu phần/ngày) và rau (trung bình 2,1 khẩu phần/ngày) thường có ít triệu chứng trầm cảm hơn so với nhóm ăn rất ít (khoảng 0,3-0,5 khẩu phần/ngày).
Đặc biệt, sự khác biệt về điểm trầm cảm được đánh giá là “khiêm tốn nhưng đáng chú ý” giữa nhóm ăn nhiều và ăn ít. Mức độ trầm cảm thấp hơn có vẻ gắn liền chủ yếu với việc tăng cường rau; trong khi đối với trái cây, hiệu quả bảo vệ tâm trạng không rõ rệt ở mức “ăn trung bình”. Tuy nhiên, đa phần người tham gia vẫn tiêu thụ ít hơn năm khẩu phần rau quả mỗi ngày – mức khuyến nghị chung của các tổ chức y tế.
Không phải thuốc chữa, nhưng giúp giảm nguy cơ
Các nhà khoa học nhận định, việc nghiên cứu trên cặp song sinh là bước tiến quan trọng vì anh chị em sinh đôi chia sẻ 50-100% ADN, lại thường lớn lên trong cùng một gia đình. Nhờ vậy, họ có thể giảm thiểu ảnh hưởng của nhân tố di truyền và một loạt yếu tố liên quan đến quá khứ kinh tế xã hội.
Kết quả thu được cho thấy một thông điệp: chế độ ăn nhiều rau quả, dù không phải là “phép màu” xóa bỏ ngay trầm cảm, nhưng vẫn có vai trò nhất định trong giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Hơn thế nữa, nếu khẩu phần rau quả gia tăng tiệm cận hoặc đạt mức khuyến nghị, lợi ích có thể còn lớn hơn. Nhà khoa học dinh dưỡng Annabel Matison (UNSW) cho biết, họ chưa đủ dữ liệu để ước lượng chính xác mức độ giảm điểm trầm cảm khi đạt hoặc vượt mức khuyến nghị, nhưng đó chính là hướng nghiên cứu rất đáng kỳ vọng.
Dẫu vậy, nhóm cũng lưu ý họ chưa đưa biến số hoạt động thể chất vào phân tích, nên không thể khẳng định chắc chắn đâu là nguyên nhân – kết quả. Tuy nhiên, quy mô mẫu lớn và thiết kế thông minh giúp nghiên cứu này có thêm trọng lượng trong việc gợi ý mối tương quan giữa chế độ ăn nhiều rau quả và sức khỏe tinh thần.