Chủ đề
Vô vàn rủi ro nếu bạn ngồi vệ sinh sai tư thế
Không chỉ tiềm ẩn việc vỡ bồn cầu với vô vàn mảnh gốm sắc nhọn, việc ngồi vệ sinh sai tư thế còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe đường ruột và hệ tiêu hóa.
Gần đây, theo thông tin từ báo Dân Trí, trong lúc cô gái 22 tuổi đi vệ sinh, bồn cầu đã bất ngờ bị vỡ khiến nạn nhân bị chấn thương nặng nề ở vùng kín và phải nhập viện cấp cứu. Đây không phải là trường hợp đầu tiên liên quan đến tình huống như thế này. Chính vì vậy, không khó hiểu khi chúng ta bước vào nhà vệ sinh, thường sẽ có một tấm biển ‘cấm ngồi xổm’.
Nguy hiểm khi ngồi vệ sinh sai tư thế
Sai tư thế khi đi vệ sinh có thể gây ra những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng.
Bồn cầu vốn không được thiết kế để chịu lực từ tư thế ngồi xổm, vì nó sẽ dễ gây nứt vỡ hoặc mất thăng bằng, đặc biệt với người già, trẻ em và phụ nữ mang thai. Khi bồn cầu vỡ, các mảnh sứ sắc nhọn có thể gây thương tích nghiêm trọng, nhất là ở vùng kín và đùi. Nghe thôi đã thấy ‘thốn’ rồi phải không?
Bên cạnh những tai nạn như trên, việc ngồi xổm cũng gây ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa. Khi ngồi sai tư thế, đặc biệt là ngồi vuông góc (90 độ) với sàn nhà, đường ruột bị gập lại, làm cho việc đại tiện trở nên khó khăn hơn. Khi đó, việc phải dùng nhiều lực để rặn có thể dẫn đến nhiều bệnh lý như bệnh trĩ, táo bón, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích.
Một thói quen khác phổ biến đó là nhiều người có thói quen ngồi lâu để lướt điện thoại, nhưng điều này dễ dẫn đến tê chân, suy giãn tĩnh mạch, gia tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Ngoài ra, tư thế ngồi lâu trong một thời gian dài còn có thể ảnh hưởng đến hệ thống tuần hoàn và gây đau lưng.

Đi vệ sinh cũng phải đúng tư thế
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, tư thế ngồi đúng khi đi vệ sinh có thể cải thiện quá trình đào thải và giảm áp lực lên hậu môn. Dưới đây là các nguyên tắc bạn có thể tham khảo.
Đầu tiền, thay vì ngồi vuông góc (90 độ) với sàn nhà, hãy cố gắng gập đầu gối lên khoảng 35 độ. Tư thế này giúp đường ruột mở rộng và thẳng hơn, hỗ trợ quá trình đào thải tự nhiên mà không cần rặn quá mạnh.
Vậy làm thế nào để đạt được tư thế 35 độ. Một gới ý đó chính là bạn có thể dùng ghế kê chân khi đi vệ sinh. Đây là phương pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao, giúp mô phỏng tư thế ngồi xổm một cách an toàn mà không gây áp lực lên bồn cầu.
Kế tiếp, khi ngồi trên toilet, hãy thả lỏng cơ thể, giữ lưng hơi nghiêng về phía trước, giúp giảm áp lực lên vùng bụng. Đồng thời, lưu ý không nên rặn quá mạnh, vì điều này có thể gây tổn thương hậu môn và tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Thói quen đi vệ sinh tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của chúng ta. Việc ngồi sai tư thế có thể dẫn đến những nguy hiểm nghiêm trọng, từ tai nạn đến các bệnh về đường ruột và hậu môn.
Hãy thay đổi ngay từ hôm nay:
✔ Tránh ngồi xổm trên bồn cầu bệt để đảm bảo an toàn.
✔ Sử dụng ghế kê chân để đạt tư thế ngồi 35 độ.
✔ Không ngồi quá lâu trên toilet để tránh ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.
Một thay đổi nhỏ có thể mang lại lợi ích sức khỏe lớn. Hãy bảo vệ bản thân và gia đình bằng những thói quen khoa học và an toàn hơn!