Việt Nam hiện có 73.213 trường hợp đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời - Doctor247

Việt Nam hiện có 73.213 trường hợp đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời

Tính đến ngày 20/06/2023, trên cả nước hiện có 73.213 trường hợp đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não. Các năm trước trung bình mỗi năm 3 – 5 ca hiến tạng từ người chết não, riêng năm 2022 có hơn 10 người. 

Đó là thông tin từ cuộc họp mới đây tại trụ sở Bộ Y tế về việc tăng cường công tác truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng và dự thảo nội dung chỉ thị về việc tăng cường thực hiện Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nhằm thúc đẩy nguồn mô, bộ phận cơ thể người hiến tặng từ người hiến chết não.

Á hậu, người dẫn chương trình Quản Hân là một trong những người đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời từ tháng 5/2023

Báo cáo tại cuộc họp cho biết, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2007 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não tại Việt Nam.

Qua hơn 16 năm triển khai thực hiện, số lượng người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não đã tăng gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, tỷ lệ ghép tạng từ người hiến chết não còn rất thấp, chiếm chưa đầy 5% tổng số ca ghép, các ca ghép chính vẫn từ nguồn hiến sống (hơn 95%) do đó dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người hiến sống nói riêng và nạn mua bán nội tạng nói chung, ảnh hưởng tới công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Để tăng cường nguồn mô, bộ phận cơ thể người (tạng) hiến tặng từ nguồn chết não cứu sống nhiều bệnh nhân suy mô, tạng và góp phần giải quyết nguy cơ nạn buôn bán mô, tạng, Bộ Y tế đang dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

Theo đó, một số nội dung của dự thảo Chỉ thị như: các cơ sở y tế lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người cần tổ chức triển khai hoạt động truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng tại cơ sở y tế và trên địa bàn; tổ chức tiếp nhận đơn đăng ký hiến mô, bộ phận cơ sở người sau khi chết, chết não của người dân có nguyện vọng trên địa bàn và cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não theo quy định của pháp luật; báo cáo danh sách người đăng ký hiến đã được cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não cho Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người; đưa nội dung chẩn đoán chết não vào hoạt động thường quy đánh giá đối với tất cả người bệnh nặng xin về hoặc xuất viện, đồng thời báo cáo ngay thông tin người bệnh chết não về Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Các cơ sở y tế lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người cũng được yêu cầu báo cáo danh sách cùng các chỉ số y học liên quan đến tình trạng sức khoẻ của người bệnh có chỉ định ghép mô, tạng với Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người; chỉ tiến hành ghép mô, tạng khi người ghép có tên trong danh sách chờ ghép quốc gia và có chỉ định ghép của Hội đồng tư vấn; cử ekip hoặc chuyên gia tham gia Hội đồng chẩn đoán chết não, hồi sức chết não tại cơ sở y tế chưa tổ chức ghép tạng có người chết não hiến tặng mô, tạng theo thông tin điều phối của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người…

Tại cuộc họp, một số nội dung cũng được Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam; Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam; Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và một số đơn vị đưa ra thảo luận nhằm tăng cường công tác truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng như:

Sửa đổi Quyết định 07/2008/QĐ-BYT theo hướng bổ sung hình thức đăng ký online nhằm mục đích đơn giản hóa thủ tục đăng ký hiến tặng, qua đó tăng cường nguồn mô, tạng hiến tặng từ người chết não và thúc đẩy việc sửa đổi, bổ sung Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2024;

Triển khai chương trình phối hợp với Bộ Công an trong việc tích hợp đăng ký hiến tặng mô, tạng vào căn cước công dân và ứng dụng trên VneID;

Ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam và Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người; thiết lập Ngày hiến tạng Việt Nam…

Phát biểu tại cuộc họp, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là hết sức cần thiết; giao Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế hoàn thiện Chỉ thị theo hướng tinh gọn, rõ ràng, chặt chẽ và gửi các đơn vị liên quan tham gia ý kiến trước ngày 15/01/2024.

Về nội dung ký kết ba bên giữa Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam và Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam hoàn thiện sớm trình lãnh đạo Bộ và dự kiến ký kết ngày 24/01/2023; giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với Vụ pháp chế và các đơn vị liên quan lấy ý kiến, chỉnh sửa các văn bản dưới luật, thông tư, hướng dẫn các quy trình hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; xây dựng đề án tổng thể nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác vận động hiến tặng mô, tạng và phối hợp với Bảo Hiểm xã hội Việt Nam các nội dung liên quan đến cân đối quỹ bảo hiểm y tế.

Theo Bộ Y tế

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận