Vì sao người trẻ thường thích sự mạo hiểm? - Doctor247

Vì sao người trẻ thường thích sự mạo hiểm?

Bạn đã bao giờ thắc mắc vì sao những người lớn tuổi thường cẩn trọng, còn tuổi teen lại có xu hướng mạo hiểm ‘chơi liều’ hơn không? Dưới đây là giải thích về cơ chế cụ thể trong não bộ.

Vì sao người trẻ thường thích sự mạo hiểm?

Không phải ngẫu nhiên mạo hiểm “17 bẻ gãy sừng trâu”

Liệu có phải bởi vì những người đã có tuổi họ đã trải đủ, thành ra họ sẽ trở nên chín chắn, cẩn trọng hơn? Nhưng bạn có biết rằng, không chỉ loài người chúng ta, những động vật khác cũng có ‘máu liều nhiều hơn máu não’ khi ở giai đoạn vừa đủ lông đủ cánh.

Quá trình phát triển từ một thiếu niên liều lĩnh đến một người trưởng thành thận trọng khi phải đối mặt với những rủi ro phức tạp hơn chúng ta nghĩ. Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra mối quan hệ thay đổi giữa các cấu trúc thần kinh liên quan đến hành vi tránh nguy hiểm ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời.

Các nhà khoa học thần kinh tại Đại học California, Los Angeles (UCLA) đã dẫn đầu một nghiên cứu về một khu vực quan trọng trong não giúp chúng ta quyết định có nên “liều một phen” hay tránh khỏi mối đe dọa có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nghiên cứu áp dụng trên chuột, loài vốn có nhiều đặc điểm tương đồng ở não bộ với con người. Chuột được huấn luyện để bước lên một bệ cao nhằm tránh cú sốc điện – tín hiệu được báo trước bằng âm thanh beep. Nhưng để đánh lừa, các nhà nghiên cứu bày một bàn tiệc thức ăn ngay sát vùng nguy hiểm.

Họ phát hiện rằng, dù chuột ở mọi lứa tuổi đều học được cách để tránh khỏi những cú sốc điện, nhưng chuột trẻ lại mạo hiểm hơn, sẵn sàng đối mặt với rủi ro chỉ để… ăn thêm một chút nữa.

Trong khi đó, chuột ‘trưởng thành’ có xu hướng lựa chọn an toàn: bước lên bệ để tránh cú sốc và chờ cho nguy hiểm trôi qua.

Bộ não “thương lượng” giữa bản năng và lý trí

Nghiên cứu cho thấy não bộ như đang diễn ra một cuộc “đàm phán” giữa vùng điều khiển lý trí (vỏ não trước trán) và các vùng liên quan đến cảm xúc, phần thưởng và nỗi sợ.

Khi còn trẻ, sự kiểm soát của vùng lý trí chưa phát triển đầy đủ, khiến các hành vi mạo hiểm chiếm ưu thế. Nhưng khi lớn lên, vùng này trưởng thành hơn, giúp chúng ta ra quyết định thận trọng hơn trước nguy cơ. Có vẻ như câu trán có nhiều nếp nhăn hơn cũng là có lí do của nó mà đúng không?

Dù nghiên cứu thực hiện trên chuột, kết quả mang lại hiểu biết sâu sắc về cách con người phát triển hành vi theo thời gian. Nó lý giải vì sao thanh thiếu niên – dù biết rõ hậu quả – vẫn có thể chọn con đường liều lĩnh hơn.

Điều này không chỉ đơn thuần là do thiếu kinh nghiệm sống, mà còn vì não bộ của họ chưa hoàn thiện trong việc điều tiết giữa ham muốn và an toàn.

Hiểu được cơ chế não bộ giúp chúng ta có cái nhìn cảm thông hơn với thanh thiếu niên. Thay vì chỉ trách móc, chúng ta có thể hướng dẫn họ đưa ra lựa chọn đúng đắn trong khi bộ não vẫn đang “lập trình lại” qua từng giai đoạn phát triển.

Sự liều lĩnh tuổi trẻ không hoàn toàn là sự bốc đồng mà đó có thể là cách mà bộ não giúp ta học hỏi, trưởng thành và tìm ra con đường riêng cho mình.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận