Chủ đề
Vì sao lại có người nhanh mọc lông và tóc hơn?
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cảm thấy quá mệt mỏi với việc chăm sóc tóc và móng, và quyết định từ bỏ mọi hoạt động đó? Tóc và móng sẽ tiếp tục mọc mãi chăng?
Những điều bạn có thể chưa biết về lông, tóc
Trong suốt chiều dài lịch sử, tóc và móng của chúng ta đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện con người và địa vị xã hội. Có thể nói, chúng ta khác nhau ở mái tóc và bộ móng tay – từ người “tiền sử” đến doanh nhân.
Không có gì lạ khi trong thời gian phong tỏa do COVID-19, nhiều người đã cảm thấy trân trọng hơn công việc của thợ làm tóc và nghệ sĩ làm móng. Ngay cả ca sĩ Taylor Swift cũng chia sẻ rằng cô từng tự cắt tóc trong lúc giãn cách.
Tóc trên đầu chúng ta, trung bình, dài thêm 1 cm mỗi tháng, trong khi móng tay dài thêm trung bình hơn 3 mm. Nếu để tự nhiên, tóc và móng có thể đạt được độ dài ấn tượng. Aliia Nasyrova, người được gọi là “Công chúa tóc mây” đến từ Ukraine, hiện giữ kỷ lục thế giới về mái tóc dài nhất của một phụ nữ còn sống, với độ dài ngoạn mục 257,33 cm. Về móng tay, Diana Armstrong (Mỹ) đang giữ kỷ lục khi tổng độ dài móng đo được là 1.306,58 cm.
Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều cắt tóc thường xuyên và tỉa móng, chỉ khác nhau về mức độ. Vậy vì sao tóc và móng của một số người lại mọc nhanh hơn so với người khác?
Nhắc lại: tóc và móng được cấu tạo từ gì?
Tóc và móng chủ yếu được cấu tạo từ keratin. Cả hai đều phát triển từ các tế bào mầm (matrix cells) nằm dưới da, thông qua quá trình phân bào khác nhau.
Móng tay phát triển đều đặn từ tế bào mầm dưới da, tại phần gốc móng. Những tế bào này phân chia, đẩy các tế bào cũ về phía trước. Khi móng dài ra, các tế bào mới trượt dần trên giường móng – phần bằng phẳng dưới móng tay, có màu hồng nhờ mạch máu phong phú.
Tóc cũng bắt đầu từ tế bào mầm, cuối cùng hình thành phần tóc có thể nhìn thấy, gọi là thân tóc. Thân tóc mọc từ một “gốc” nằm dưới da, bao bọc trong nang tóc (hair follicle). Nang tóc có nguồn cung cấp dây thần kinh (khiến bạn đau khi nhổ tóc), tuyến dầu giúp bôi trơn sợi tóc, và một cơ nhỏ khiến tóc dựng lên khi gặp lạnh.
Tại đáy nang tóc có “bóng tóc” (hair bulb) chứa nhú tóc (papilla) – nơi cung cấp máu cho nang tóc. Các tế bào mầm quanh nhú tóc phân chia để tạo ra tế bào tóc mới, sau đó cứng lại và hình thành thân tóc. Song, nhú tóc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chu kỳ phát triển của tóc, bằng cách gửi tín hiệu đến tế bào gốc, “ra lệnh” chúng di chuyển và bắt đầu một giai đoạn mọc mới.
Không giống như móng, tóc mọc theo chu kỳ
Các nhà khoa học đã xác định bốn giai đoạn phát triển của tóc:
- Giai đoạn anagen (mọc) kéo dài từ 2 – 8 năm.
- Giai đoạn catagen (chuyển tiếp) khi tốc độ mọc chậm lại, thường kéo dài khoảng 2 tuần.
- Giai đoạn telogen (nghỉ), tóc ngưng phát triển, thường kéo dài 2 – 3 tháng.
- Giai đoạn exogen (rụng), sợi tóc cũ rụng đi và thay thế bằng sợi tóc mới mọc từ cùng nang tóc, lặp lại chu kỳ từ đầu.
Mỗi nang tóc trải qua chu kỳ này khoảng 10 – 30 lần trong suốt đời. Nếu tất cả nang tóc mọc đồng bộ và vào cùng giai đoạn, sẽ có thời điểm chúng ta trọc đầu. Nhưng thường chỉ một phần nhỏ (khoảng 10%) sợi tóc ở giai đoạn nghỉ tại bất kỳ thời điểm nào. Dù mỗi ngày ta mất 100 – 150 sợi tóc, ta vẫn không cảm nhận rõ vì có đến 100.000 sợi tóc trên đầu.
Yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ mọc tóc và móng
Di truyền là yếu tố quan trọng nhất. Tốc độ mọc tóc ở mỗi người khác nhau, nhưng thường tương đồng trong cùng gia đình. Móng tay cũng chịu ảnh hưởng tương tự, đặc biệt ở anh chị em sinh đôi cùng trứng.
Tuổi tác cũng tác động đến tốc độ mọc tóc và móng, ngay cả với người khỏe mạnh. Người trẻ thường có tốc độ mọc nhanh hơn, do quá trình trao đổi chất và phân bào chậm dần khi già đi.
Thay đổi hormone là một nguyên nhân đáng kể khác. Phụ nữ mang thai thường thấy tóc và móng mọc nhanh hơn, trong khi giai đoạn mãn kinh hoặc stress (cortisol cao) có thể làm chậm tốc độ mọc.
Dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng, giúp tóc và móng khỏe mạnh. Tuy keratin là thành phần chính, chúng vẫn chứa nước, chất béo và khoáng chất. Thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể gây rụng tóc hoặc móng dễ gãy, vì chu kỳ phát triển bị gián đoạn hoặc cấu trúc tóc móng trở nên yếu. Đặc biệt, thiếu sắt và kẽm có liên quan đến tóc mỏng và móng giòn.
Một “huyền thoại” phổ biến là tóc và móng vẫn dài ra ngay cả khi chúng ta đã qua đời, có thể gắn với các truyền thuyết về ma cà rồng. Trong thực tế, chúng chỉ trông có vẻ dài hơn vì khi cơ thể mất nước sau khi chết, da co lại, khiến tóc và móng lộ nhiều hơn. Những người làm công việc tẩm liệm thi thể hiểu rõ hiện tượng này và thường tiêm chất làm đầy vào đầu ngón tay người đã khuất để hạn chế tác động đó.
Vì thế, dù sống hay đã chết, chúng ta cũng khó thoát khỏi nhiệm vụ chăm sóc mái tóc và bộ móng “dài không dứt” của mình.