Chủ đề
Vì sao khi đói và no cũng bị đau dạ dày?
Đối với người có bệnh lý viêm loét dạ dày, khi quá đói hay quá no cũng có thể bị đau dạ dày. Vậy nguyên nhân là gì và xử trí như thế nào để hạn chế những cơn đau khó chịu này?
Viêm loét dạ dày có nhiều nguyên nhân, trong đó chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý là nguyên nhân quan trọng. Nếu người bệnh có dấu hiệu đau vùng thượng vị dữ dội, có cảm giác cồn cào, nóng rát hoặc đau âm ỉ kèm theo các biểu hiện: khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn… thì chắc chắn đang gặp vấn đề về dạ dày.
1. Nguyên nhân gây đau dạ dày khi quá đói hoặc quá no
Những cơn đau này rất khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và làm việc. Cơn đau thường hay tái phát khi người bệnh căng thẳng, không được nghỉ ngơi hoặc ăn uống, sinh hoạt không điều độ.
Dạ dày tiết ra axit dịch vị và co bóp tiêu hóa thức ăn. Khi lượng axit trong dạ dày cân bằng vừa đủ sẽ giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn nhưng nếu dư thừa axit thì có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày gây viêm loét, trào ngược axit và xuất hiện các cơn đau dạ dày.
Nếu người bệnh để tình trạng quá đói, axit dịch vị tiết ra nhiều làm tổn thương niêm mạc dạ dày gây viêm loét và đau. Còn khi ăn quá no, dạ dày phồng căng, thức ăn ứ đọng lâu trong dạ dày, gây chướng bụng, khó tiêu và đau dạ dày.
Vì vậy, thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp là biện pháp đầu tiên mà người bệnh viêm loét dạ dày cần nhớ để hạn chế những cơn đau khó chịu.
Theo ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chế độ ăn trong bệnh lý dạ dày nhằm mục đích làm giảm tiết axit, giảm bất lợi của axit lên niêm mạc dạ dày, hạn chế hoặc loại bỏ những kích thích có hại để dạ dày nghỉ ngơi và các tổn thương mau lành.
Người bệnh nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp dạ dày thường xuyên có thức ăn để trung hòa được axit. Không để bụng quá đói làm dạ dày rỗng, co bóp mạnh hơn gây đau, thậm chí chảy máu.
Không nên ăn quá no khiến dạ dày căng to, co bóp yếu ảnh hưởng đến quá trình nhào trộn thức ăn, tăng cọ xát làm gia tăng cơn đau. Ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh cũng đều làm dạ dày co bóp mạnh hơn gây đau…
2. Ăn uống đúng cách giúp hạn chế cơn đau dạ dày
Dưới đây là một số cách giúp hạn chế cơn đau dạ dày:
2.1. Ăn đúng giờ, không bỏ bữa
Việc ăn uống thất thường không theo một giờ giấc cố định sẽ làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể. Đây cũng là nguyên nhân khiến quá trình trao đổi chất bị cản trở và dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày…
Ăn không đúng giờ hoặc bỏ bữa sẽ khiến dạ dày tăng tiết dịch vị khiến dạ dày bị tổn thương và gây ra viêm loét. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý ăn đủ bữa và đúng giờ.
2.2. Ăn chậm, nhai kỹ
Nên ăn chậm, nhai kỹ thức ăn, vì trong khi nhai có thể tăng thêm sự bài tiết của nước bọt, có tác dụng giảm tiết axit và trung hòa axit có trong dạ dày, giúp tiêu hóa dễ dàng hơn.
Sau khi ăn xong không nên vận động mạnh hoặc nằm ngủ ngay khiến thức ăn không tiêu hóa được, gây đầy bụng và khó chịu dạ dày.
My Châu
Theo ZingNews