Vì sao “Hồng Tỷ” có tới 1691 mối tình? Góc nhìn từ 5 ngôn ngữ tình yêu
Vụ án “Hồng Tỷ” gây chấn động tại Trung Quốc không chỉ vì sự tinh vi trong việc giả mạo giới tính, mà còn vì con số nạn nhân lên tới 1691 NGƯỜI. Vậy điều gì khiến một người đàn ông giả gái lại có sức hút đến thế?
“Hồng Tỷ” là một vụ án chấn động ở Trung Quốc, khi một người đàn ông tên Tiêu Jiao, 38 tuổi, giả gái trên mạng xã hội để hẹn hò và lừa tình hàng trăm nam giới. Ông ta đội tóc giả, trang điểm kỹ, giả giọng nữ và tự xây dựng hình ảnh một người phụ nữ hiền lành, biết điều, từng ly hôn.
Sau khi tạo dựng mối quan hệ, ông bí mật quay lại các cảnh thân mật để đăng lên nền tảng thu phí. Hiện ông đã bị tạm giữ hình sự và vụ việc đang tiếp tục được điều tra.

Nhiều người thắc mắc: Làm sao một người giả danh như Hồng Tỷ lại có thể “chinh phục” đến 1691 người, trong đó không ít người đã có gia đình, ngoại hình sáng sủa, công việc ổn định, cuộc sống tưởng chừng chẳng thiếu thứ gì? Có người thậm chí quay lại gặp Hồng Tỷ nhiều lần, như thể bị cuốn vào một mối quan hệ đặc biệt mà chính họ cũng khó lý giải.
Nếu gạt bỏ định kiến và phân tích dưới góc độ tâm lý học tình cảm, đặc biệt là thuyết 5 ngôn ngữ tình yêu của tiến sĩ Gary Chapman, ta sẽ thấy nhiều mảnh ghép tâm lý hợp lý đến bất ngờ.
Ngôn ngữ thứ nhất: Lời yêu thương (Words of Affirmation) - Khi đàn ông cũng cần được khen
Một trong những phân tích được lan truyền trên mạng cho thấy “Hồng Tỷ” rất giỏi trong việc khen ngợi đàn ông. Từ khen cao to, đẹp trai, có gu ăn mặc tới việc nâng người ta lên tận “mây xanh” - Hồng Tỷ đã chạm đúng vào nhu cầu được công nhận của nhiều người.
Với nhiều người đàn ông, trong cuộc sống thường ngày họ không được khen ngợi, không được ai ngưỡng mộ thật lòng, thậm chí phải chịu đựng những lời chỉ trích, la mắng nhỏ nhặt. Dần dần điều đó tích tụ trong họ và gây nên cảm giác ức chế dài lâu.
Vậy nên, khi ai đó bỗng xuất hiện và dành cho họ những lời khen ngọt ngào, liên tụcsẽ dễ tạo cảm giác được thấu hiểu, được công nhận. Nó đánh trúng vào lòng tự tôn, khiến họ dễ mở lòng và rơi vào lưới tình đậm sâu.
Ngôn ngữ thứ hai: Hành động quan tâm (Acts of Service) - Khi bạn cảm thấy có người luôn sẵn sàng vì mình
Cư dân mạng nói đùa với nhau rằng: Giữa một xã hội áp lực về ngoại hình, địa vị, tiền bạc và quà cáp để tiến tới mối quan hệ yêu thương, Hồng Tỷ lại không đòi hỏi gì cả. Thậm chí còn chỉ xin vài thứ lặt vặt như dưa hấu, dầu ăn, giấy vệ sinh - những điều tưởng chừng nhỏ bé lại khiến đối phương cảm thấy họ có vai trò quan trọng và được gửi gắm niềm tin.
Nhiều người dũng cảm xem qua loạt video và đưa ra nhận định: Hồng Tỷ rất chu đáo, biết cảm ơn, luôn thể hiện sự trân trọng từng hành động dù nhỏ nhất như treo áo khoác, túi xách hộ người đến, nhẹ nhàng vệ sinh cá nhân, mở cửa chào tạm biệt...
Điều đó vô hình trung khiến người ta cảm thấy mình "có giá trị", có chỗ đứng trong trái tim đối phương. Một hành động nhỏ kèm theo sự biết ơn đúng lúc sẽ biến thành chất kết dính vô hình trong mối quan hệ.
Ngôn ngữ thứ ba: Quà tặng (Gifts) - Tinh tế và gây thương nhớ
Nam giới trưởng thành vốn quen vai “cho đi”, việc được ai đó tặng lại một điều gì đó dù rất nhỏ cũng tạo nên cảm giác được chăm sóc và được trân trọng.
Hồng Tỷ được cho là biết cách tạo ra những khoảnh khắc tặng quà mang tính thương nhớ. Lúc là một lời cảm ơn chân thành, một túi hoa quả hay thậm chí là lì xì tiền cho người ghé qua...
Trong tình cảm, điều người ta nhớ nhiều khi là ý nghĩa đằng sau món quà và Hồng Tỷ dường như đã rất giỏi trong việc tận dụng điều đó.

Ngôn ngữ thứ tư: Thời gian chất lượng (Quality Time) - Khi có người sẵn sàng lắng nghe bạn cả đêm
Có nhiều chia sẻ cho rằng, Hồng Tỷ thường dành nhiều thời gian trò chuyện qua mạng, gọi video, nhắn tin dài, thậm chí chủ động lắng nghe chuyện đời tư, chuyện buồn của “bạn trai” để dẫn dắt họ.
Trong một xã hội đầy vội vã, việc có người kiên nhẫn lắng nghe, hỏi han và cho mình cảm giác “mình quan trọng” là một điều rất hiếm. Một số người có thể không thiếu thốn về tài chính hay hình thức, nhưng lại cô đơn trong tâm lý, không có ai đủ kiên nhẫn để ngồi nghe họ nói đến tận khuya.
Ngôn ngữ thứ năm: Tiếp xúc cơ thể (Physical Touch) - Cái ôm cũng có thể là liều thuốc
Dù phần này hiện chưa được công bố chi tiết trong vụ án, nhưng việc có những đoạn ghi hình cho thấy sự gần gũi thể xác giữa Hồng Tỷ và nạn nhân cũng phản ánh phần nào vai trò của ngôn ngữ tiếp xúc cơ thể.
Ngay sau khi mở cửa đón "bạn trai", Hồng Tỷ đã trao nhanh một cái ôm ấp, vỗ về như một người vợ hạnh phúc đón chồng trở về nhà sau một ngày dài vất vả. Hay sau trận mây mưa, Hồng Tỷ lại dịu dàng đan tay, thủ thỉ tâm sự với "bạn trai".
Đôi khi, chỉ một cái chạm nhẹ, một ánh mắt đủ tin tưởng cũng có thể làm mềm đi lớp giáp phòng vệ của ai đó. Với những người thiếu thốn cảm giác thân mật an toàn, điều này càng dễ khiến họ tin tưởng, dù chỉ sau vài lần gặp.
Nhận ra điều gì sau vụ án Hồng Tỷ?
Không ai phủ nhận Hồng Tỷ đã vi phạm pháp luật và đạo đức. Nhưng nhìn sâu ở góc độ tâm lý, câu chuyện này là một hồi chuông cảnh tỉnh về sự cô đơn cảm xúc trong xã hội hiện đại.

Khi nhiều người sống trong áp lực, thiếu sự chia sẻ thật lòng, thì chỉ một người đáp ứng được đúng “ngôn ngữ tình yêu” của họ, dù giả tạo cũng dễ trở thành “cái bẫy ngọt ngào” để họ ngày một lún sâu.
Giữ vững tiêu chuẩn sống, rèn luyện khả năng phân biệt thật giả, và học cách yêu mình trước khi yêu người khác có lẽ là điều cần thiết hơn bao giờ hết.