Chủ đề
Ngoài vi nhựa, hộp nhựa đựng thức ăn còn có thể làm suy tim
Các hộp nhựa đựng thức ăn có thể rò rỉ ra các hóa chất độc hại vào thức ăn mang đi của bạn, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc đã tiến hành thí nghiệm trên chuột về việc nước uống khi tiếp xúc với chất phụ gia hóa học từ nhựa, khi bị đun nóng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe hay không. Kết quả cho thấy, nó có thể gây ra sự biến đổi của hệ vi sinh đường ruột.
Những con chuột tiếp xúc với hỗn hợp chất ô nhiễm từ nhựa trong vòng 3 tháng đã cho thấy, các sợi cơ tim bị đứt gãy hoặc lệch hướng, sự xâm nhập của tế bào viêm và sự sưng lên của ty thể trong mô tim. Ngoài ra, chúng còn bị chảy máu giữa các tế bào cơ tim.
Hiện chưa rõ liệu điều này có xảy ra tương tự trên cơ thể con người hay không. Nhưng phát hiện này gợi ý rằng, các hộp nhựa dùng để chứa thực phẩm nóng có thể không an toàn với sức khỏe con người.

Trong khi chờ đợi thêm nghiên cứu, các tác giả của nghiên cứu tại Đại học Y khoa Ninh Hạ (Trung Quốc) khuyến nghị: “Cần tránh sử dụng hộp nhựa để đựng thực phẩm có nhiệt độ cao.”
Thí nghiệm này được tiến hành dựa trên một cuộc khảo sát với 3.179 người cao tuổi tại Trung Quốc. Những người có mức độ tiếp xúc với nhựa cao hơn theo bảng câu hỏi khảo sát có nguy cơ mắc bệnh suy tim sung huyết cao hơn.
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, vi nhựa đang tích tụ trong các cục máu đông ở não, tim và chân của con người. Do đó, nhà dịch tễ học Yueping Wu và các đồng nghiệp đã quyết định điều tra kỹ hơn về ảnh hưởng của nhựa đối với hệ tim mạch.

Trong vòng ba tháng, nhóm nghiên cứu đã cho 24 con chuột tiếp xúc với các hóa chất rò rỉ từ hộp nhựa khi tiếp xúc với nước sôi, bao gồm BPA, phthalates và các chất hóa dẻo khác. Những “chất rò rỉ” này được tạo ra bằng cách đặt hộp nhựa vào nước nóng trong các khoảng thời gian 1, 5 và 15 phút.
Cuối cùng, những con chuột uống nước bị nhiễm hóa chất có hệ vi sinh đường ruột bị thay đổi đáng kể so với nhóm đối chứng. Các vi khuẩn trong ruột của chúng có sự biến đổi rõ rệt, bao gồm cả sự gia tăng của các loài vi khuẩn liên quan đến viêm nhiễm.
Máu của những con chuột này cũng cho thấy mức tăng đột biến của các chất trung gian miễn dịch gây viêm, vốn là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.
Nhiệt độ cao khiến nhựa dễ bị phân hủy hơn, ngay cả nước đóng chai chúng ta sử dụng vốn thường được bảo quản ở nhiệt độ phòng hoặc lạnh cũng chứa một lượng lớn vi nhựa.
Gần đây, các nghiên cứu đã phát hiện rằng việc hâm nóng hộp nhựa trong lò vi sóng có thể giải phóng vi nhựa và hạt nhựa nano vào thức ăn, ngay cả khi hộp được ghi là “an toàn với lò vi sóng”. Chỉ trong 3 phút hâm nóng, một hộp nhựa có thể giải phóng hàng tỷ hạt nhựa nhỏ.
Hiện vẫn chưa rõ cơ thể hấp thụ bao nhiêu trong số các hạt vi nhựa này, cũng như thời gian chúng tồn tại trong cơ thể là bao lâu.

Một số nghiên cứu trên động mạch bị tắc nghẽn ở bệnh nhân đã phát hiện hơn 50% các mảng xơ vữa có chứa các hạt nhựa nhỏ. Trong vòng khoảng 34 tháng sau phẫu thuật, những bệnh nhân có nhựa trong động mạch có nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc tử vong cao hơn 4,5 lần so với những người không có dấu hiệu của nhựa.
Khi cơ thể tiếp xúc với các chất ô nhiễm từ nhựa, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng, chúng có thể làm giảm hoạt động của các enzym chống oxy hóa, kích hoạt phản ứng viêm và để lại hậu quả nghiêm trọng cho hệ tim mạch.
Tác động của ô nhiễm nhựa đối với sức khỏe vẫn đang được nghiên cứu, nhưng những bằng chứng ngày càng gia tăng không mang lại nhiều hy vọng. Một nghiên cứu năm ngoái phát hiện rằng khi con người ngậm dao, nĩa nhựa dùng một lần, sự đa dạng của hệ vi sinh đường ruột của họ bị suy giảm đáng kể.
Lần tới khi gọi ship đồ ăn mang về, bạn nên cân nhắc liệu có nên đặt những món nóng hổi hay không.
Theo Science Alert