No căng nhưng vẫn còn chỗ cho món tráng miệng? Khoa học gọi nó là "dessert stomach" - Doctor247

No căng nhưng vẫn còn chỗ cho món tráng miệng? Khoa học gọi nó là “dessert stomach”

Bạn đã bao giờ cảm thấy no căng bụng nhưng vẫn có thể ăn thêm một miếng bánh ngọt hay một ly kem mát lạnh? Nếu có, bạn không hề đơn độc! Hiện tượng này được gọi là “dạ dày tráng miệng” (dessert stomach).

dạ dày tráng miệng - dessert stomach

Một nghiên cứu mới từ Viện Nghiên cứu Chuyển hóa Max Planck (Đức) đã xác nhận rằng nó hoàn toàn có thật – nhưng không phải nằm ở dạ dày mà ở trong não của bạn.

Tại sao chúng ta luôn có chỗ cho đồ ngọt?

Theo tiến sĩ Henning Fenselau, chuyên gia thần kinh học và tác giả của nghiên cứu này, từ góc độ tiến hóa, việc não bộ ưu tiên hấp thụ đường có lý do rất rõ ràng. Trong tự nhiên, đường là một nguồn năng lượng hiếm có nhưng lại giúp cung cấp năng lượng nhanh chóng. Vì vậy, não chúng ta đã được lập trình để tiếp nhận đường bất cứ khi nào có thể.

Thí nghiệm với chuột

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm trên chuột, cho chúng ăn đường ngay cả khi chúng đã no. Kết quả cho thấy, giống như con người, chuột cũng dường như luôn có chỗ cho món tráng miệng.

Dữ liệu quét não của chuột cho thấy một nhóm tế bào thần kinh gọi là pro-opiomelanocortin (PMOC) neurons sáng lên ngay khi chúng được cho ăn đường, kích hoạt cảm giác thèm ăn ngay cả khi đã no. Khi chuột ăn đường, các tế bào thần kinh này không chỉ giải phóng các phân tử báo hiệu sự no mà còn tiết ra ß-endorphin – một loại opioid tự nhiên trong cơ thể, giúp tạo cảm giác phần thưởng và khiến chúng muốn ăn tiếp.

Đáng chú ý, khi chuột được cho ăn thực phẩm giàu chất béo hoặc thông thường, cơ chế này không hề được kích hoạt. Nhưng khi các nhà khoa học chặn tín hiệu của ß-endorphin, những con chuột đã no không còn muốn ăn thêm đường nữa.

Thí nghiệm với con người

Sau khi thu được kết quả khả quan trên chuột, nhóm nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm trên con người bằng cách quét não những tình nguyện viên được cho uống dung dịch đường.

Kết quả cho thấy bộ phận kích hoạt “dạ dày tráng miệng” ở con người cũng giống với chuột: các tế bào thần kinh liên quan đến cảm giác no nằm rất gần với các thụ thể opioid. Điều này giải thích vì sao chúng ta luôn cảm thấy có chỗ cho món tráng miệng, ngay cả khi bụng đã no.

Liệu có thể kiểm soát “dạ dày tráng miệng”?

Liệu có thể kiểm soát "dạ dày tráng miệng"?

Các nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện này có thể mở ra nhiều hướng điều trị mới cho bệnh béo phì. Một số loại thuốc chặn thụ thể opioid đã tồn tại, nhưng hiệu quả giảm cân vẫn chưa bằng các loại thuốc ức chế cảm giác thèm ăn.

Tiến sĩ Fenselau cho rằng, nếu kết hợp các phương pháp này hoặc kết hợp với liệu pháp khác, chúng ta có thể kiểm soát tốt hơn sự thèm ăn và cân nặng.

“Chúng tôi vẫn còn nhiều câu hỏi cần giải đáp. Ví dụ, hiện tượng này diễn ra như thế nào ở những người béo phì? Liệu cơ chế opioid này có góp phần gây ra béo phì không? Và béo phì có ảnh hưởng ngược lại đến cơ chế này không?” – tiến sĩ Fenselau chia sẻ.

“Dạ dày tráng miệng” không chỉ là một cảm giác mà còn là một cơ chế thực sự được điều khiển bởi não bộ. Điều này lý giải vì sao bạn luôn có thể ăn thêm một chút bánh hay kem dù đã no. Dù vậy, hiểu rõ về cơ chế này có thể giúp bạn kiểm soát cơn thèm đồ ngọt tốt hơn, đặc biệt nếu bạn đang muốn duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh.

Vậy lần tới khi bạn thấy mình sẵn sàng ăn thêm một chiếc bánh sau bữa tối, hãy nhớ rằng không phải do bạn thiếu ý chí, mà là do bộ não của bạn đã “bật công tắc” cho món tráng miệng.

Theo ‘Dessert Stomach’ Is Real And It Lives in Your Brain – Newsweek

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận