Chủ đề
Nội dung chính
Chào mừng các bạn đến với chuyên mục chạy đua với tử thần – chuỗi podcast truyền cảm hứng sống khỏe, thông qua những câu chuyện có thật trên hành trình “chạy đua” để giành lại mạng sống trước lưỡi hái tử thần.
Chạy đua với tử thần nằm trong chuỗi Podcast Nghe Để Khỏe, độc quyền từ Doctor247.
Hôm nay, chúng tôi trân trọng mời bạn cùng lắng nghe câu chuyện “chạy đua” với căn bệnh Ung thư cổ tử cung của chị T.H.T. (45 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước).
Cuối tháng 7 năm 2020, thấy âm đạo chảy máu bất thường sau quan hệ, chị T.H.T. cứ ngỡ đây là dấu hiệu tiền mãn kinh.
Qua thăm khám, xét nghiệm tại một phòng khám địa phương và một bệnh viện phụ sản ở thành phố Hồ Chí Minh, các bác sĩ đều kết luận chị T. bị ung thư cổ tử cung, tế bào ung thư xâm lấn, yêu cầu đến bệnh viện tuyến cuối phẫu thuật.
Dưới sự động viên của gia đình, chị T. quyết định đến Bệnh viện để điều trị.
Tại đây, chị được bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa tư vấn, chỉ định làm thêm MRI vùng chậu để đánh giá giai đoạn ung thư. Kết quả, chị bị ung thư giai đoạn sớm do virus HPV 18.
Thông qua hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ quyết định dùng phương pháp phẫu thuật nội soi để điều trị cho trường hợp này.
Bác sĩ cho biết, phẫu thuật nạo hạch bằng nội soi là một kỹ thuật khá khó, đòi hỏi tay nghề của phẫu thuật viên phải cao. Tuy nhiên, phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm là ít xâm lấn và mau hồi phục sau mổ.
Sau 10 ngày, chị T. bước vào cuộc phẫu thuật bằng phương pháp nội soi kéo dài khoảng 3 tiếng để cắt tử cung, kèm hai phần phụ và nạo hạch chậu. Các bác sĩ cũng tiến hành cho phân tích giải phẫu bệnh trên các bộ phận này để quyết định phương án điều trị tiếp theo.
Thời điểm hay tin mình mắc bệnh, cũng như bao bệnh nhân khác, chị T. vẫn có những suy nghĩ tiêu cực, muốn tìm đến cái chết để không phải trở thành gánh nặng cho người thân.
Tuy nhiên, sau khi bình tâm trở lại, chị T. đã thay đổi suy nghĩ: “Bệnh thì phải điều trị, có khối ung thư thì phải cắt bỏ, buồn cũng không giải quyết được gì, cứ thoải mái điều trị thôi”.
Sau phẫu thuật, các vị trí vết thương mổ nội soi mau lành, chị T. xuất viện sớm hơn dự kiến.
Đến ngày 2 tháng 10, chị T. tái khám, các bác sĩ thông báo kết quả giải phẫu bệnh trên mẫu bệnh phẩm đã phẫu thuật xác định không có di căn. Hiện, chị T. sinh hoạt, làm việc bình thường như chưa từng trải qua phẫu thuật.
Trên thực tế, đã có rất nhiều chị em phụ nữ đến khám ung thư cổ tử cung khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, hiệu quả phẫu thuật thấp do khối u xâm lấn nhiều, thậm chí di căn, cần áp dụng phương pháp điều trị đa mô thức kết hợp với hóa trị, xạ trị…
Theo WHO, ung thư ở giai đoạn sớm nếu được điều trị kịp thời, cùng tinh thần lạc quan, quyết tâm chiến thắng bệnh tật thì tỉ lệ sống sau 5 năm có thể lên đến 95%. Ngược lại, nếu ở giai đoạn muộn, khi ung thư đã di căn xa mới được phát hiện, cùng tinh thần tuyệt vọng, tỉ lệ sống sau 5 năm chỉ còn 10%.
Chủ đề khác
Ung thư cổ tử cung: Lành bệnh nhờ lạc quan