Xung đột đẫm máu ở Dải Gaza gây thảm hoạ y tế
Chỉ trong 3 tuần, thương vong trong cuộc xung đột ở Dải Gaza đã gần 9.000 người. Dải Gaza đang cận kề thảm họa nhân đạo, y tế toàn diện.
Ngày 7-10, phong trào Hồi giáo Hamas tấn công bất ngờ lãnh thổ Israel, giết khoảng 1.400 người Israel và bắt cóc hơn 200 người khác. Ngay lập tức, Tel Aviv đã trả đũa bằng cách không kích dữ dội Dải Gaza hòng “tiêu diệt hoàn toàn Hamas”.
Tính đến đầu tháng 11-2023, thương vong của cuộc chiến tại Dải Gaza đã lên đến gần 9.000 người Palestine, theo Hãng tin Reuters. Con số trên được xem là rất lớn trong khoảng thời gian tương đối ngắn.
Xung đột Israel – Hamas đang trên đường trở thành cuộc chiến đô thị đẫm máu nhất thời gian qua. Dải Gaza ở bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn diện.
Trong sáu ngày đầu xung đột, Israel đã trút 6.000 quả bom xuống Dải Gaza. Quân đội Israel đã tiến sâu vào phía bắc Dải Gaza từ ngày 30-10. Hơn 420 trẻ em chết hoặc bị thương mỗi ngày do bom đạn. Người dân thiếu nước sạch và nguồn cung thiết yếu để đảm bảo sự sống…
Với việc Dải Gaza bị bao bọc hầu như hoàn toàn bởi Israel, người dân ở đây chỉ còn lối thoát duy nhất là Ai Cập. Tuy nhiên, Cairo không muốn chịu trách nhiệm với dòng người tị nạn và chưa đồng ý mở cửa biên giới.
“Người dân không thể trốn đi đâu, giao tranh cũng không thể dời sang những khu vực vắng vẻ cách xa trung tâm đô thị. Chiến tranh đô thị ở Gaza khép kín và có thể sẽ mang lại cái giá đắt hơn những gì chúng ta thấy trong những năm qua nhiều” – ông Amos Fox, chuyên gia về chiến tranh đô thị nhận định.
Thảm cảnh vùng chiến sự
Trưởng công tố Karim Khan của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) cảnh báo việc ngăn chặn viện trợ vào Dải Gaza có thể cấu thành tội ác.
“Quy mô kinh hoàng” của điều kiện sống thiếu thốn cùng cực mà người dân Gaza đang trải qua đã được bà Lisa Doughten (giám đốc Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc – OCHA) xác nhận trong báo cáo ngày 31-10.
“Đơn giản là chúng tôi không có đủ nguồn cung thiết yếu để đảm bảo sự sống cho những người phải di dời ở quy mô lớn thế này”, bà Dougten nói.
Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Catherine Russell cũng nhấn mạnh thảm cảnh “hơn 420 trẻ em bị giết hoặc bị thương ở Gaza mỗi ngày” do bom đạn.
Không chỉ vậy, bà còn cho biết nhà máy khử muối còn lại của Gaza hiện chỉ chạy với 5% công suất, trong khi các nhà máy xử lý nước thải đã dừng hoạt động. Bà nói thêm: “Việc thiếu nước sạch và vệ sinh an toàn đang có nguy cơ trở thành thảm họa”.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ông Philippe Lazzarini, người phụ trách Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA), cho biết tỉ lệ tử vong của người Palestine tại Bờ Tây đang ở “mức cao nhất kể từ khi Liên Hiệp Quốc bắt đầu lưu trữ hồ sơ vào năm 2005”.
Cùng với UNICEF, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Gaza đã báo cáo 34 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe, trong đó có 21 bệnh viện và 12 trong số 35 bệnh viện của Gaza không thể hoạt động nữa.
Ít nhất 221 trường học và hơn 177.000 căn nhà bị hư hại hoặc phá hủy, nước sạch nhanh chóng cạn kiệt, 55% cơ sở hạ tầng liên quan cần được sửa chữa hoặc xây lại.
Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) cho biết một số nguồn cung viện trợ của họ đã bị lấy đi, do “nạn đói ngày càng gia tăng”. Hàng ngàn người Palestine ở Gaza đột nhập nhà kho của Liên Hiệp Quốc, giành giật lương thực, nhu yếu phẩm.
“Đây là dấu hiệu cho thấy mọi người đang dần trở nên tuyệt vọng. Họ đói khát, bị cô lập, phải chịu đựng bạo lực và đau khổ tột cùng trong 3 tuần qua”, Đài CNN dẫn lời ông Samer Abdeljaber, đại diện WFP, nói.
Việc tự lấy đồ dùng viện trợ “là một dấu hiệu đáng lo ngại rằng trật tự xã hội đang bắt đầu bị phá vỡ sau 3 tuần chiến tranh và cuộc bao vây chặt chẽ ở Gaza. Mọi người sợ hãi, thất vọng và tuyệt vọng”, ông Thomas White từ Cơ quan Cứu trợ và Công trình của Liên Hiệp Quốc cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) cho hay.
Gaza, địa ngục trần gian
Liên Hiệp Quốc cảnh báo tình hình ở Dải Gaza ‘tuyệt vọng theo từng giờ’. Mạng lưới viễn thông tại đây bị hỏng từ tối 27-10 khiến cơ quan y tế và các tổ chức viện trợ mất liên lạc với nhân viên của họ tại các khu vực đông dân cư.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 31-10 lên tiếng về tình hình xung đột Israel – Hamas leo thang dữ dội và có nguy cơ vượt ra ngoài khu vực Dải Gaza. Ông nhấn mạnh việc bảo vệ dân thường trong xung đột.
“Luật nhân đạo quốc tế đưa ra những quy định rõ ràng và không thể bị phớt lờ. Đó không phải là ‘thực đơn gọi món’ và không thể được áp dụng một cách có chọn lọc”, ông Guterres tuyên bố.
Trong khi đó, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Filippo Grandi đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đoàn kết và ủng hộ lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt “vòng xoáy chết chóc” ở Trung Đông.
Còn Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) nói rằng Gaza đang trở thành nấm mồ của hàng ngàn trẻ em và con số vẫn đang tăng mạnh mỗi ngày.
“Gaza đã trở thành nghĩa địa cho hàng ngàn trẻ em. Đó là địa ngục trần gian đối với tất cả những người khác”, Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn UNICEF James Elder.
Cơ quan này lo ngại đây có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng” khi tiếp cận nhân đạo vào Gaza nhiều hơn trong bối cảnh hơn 1 triệu trẻ tại Gaza đang thiếu nước sạch.
Hamas được cho là đã bắt ít nhất 240 con tin sau vụ tấn công vào Israel ngày 7-10, trong đó bao gồm nhiều người nước ngoài. Đến nay, mới có 5 con tin được tự do, trong đó 4 con tin là phụ nữ, trẻ em và người già được thả sau những cuộc đàm phán thông qua kênh ngoại giao và 1 người được giải cứu sau chiến dịch của quân đội Israel.
Một giải pháp “đình chiến nhân đạo” tổng lực và toàn diện đang thực sự trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết cho người dân ở Dải Gaza.
Tổng hợp