Chủ đề
Từ vụ Ngọc Trinh bị bắt: lái mô tô sao cho an toàn?
Ngày 19-10, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng Trần Thị Ngọc Trinh (34 tuổi, ngụ phường Phú Hữu, TP Thủ Đức – nghệ danh Ngọc Trinh) về tội Gây rối trật tự công cộng.
Ngọc Trinh chấn thương rồi bị tạm giam
Công an xác định, Ngọc Trinh và Đông tổ chức, thực hiện việc điều khiển xe mô tô 59A3-115.88 lưu thông, biểu diễn trên đoạn đường D15 Khu Công nghệ cao (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) với các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe…
Việc biểu diễn này được quay video, sau đó biên tập lại rồi đăng tải lên mạng xã hội, bị dư luận phản ứng mạnh. Bản thân Ngọc Trinh cũng từng bị té ngã hết sức nguy hiểm khi “làm trò” trên mô tô, dẫn đến phải nhập viện chữa nhiều vết thương, xây xát trên tay, chân…
Từ trường hợp và bài học đắt giá của Ngọc Trinh, việc cần biết những kỹ năng lái mô tô an toàn cho cơ thể và không vi phạm pháp luật trở nên cấp thiết.
Thực tế, bên cạnh việc sở hữu một mẫu xe phù hợp với bản thân và các trang bị bảo hộ đi kèm, thì việc sở hữu một kỹ năng lái xe mô tô an toàn là một vấn đề rất quan trọng. Người điều khiển xe mô tô phân khối lớn cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để lái xe an toàn.
Dưới đây là 6 điều cần lưu ý khi lái xe môtô phân khối lớn:
Đồ bảo hộ phù hợp
Điều trước tiên cần lưu ý khi lái xe môtô phân khối lớn, đó là chuẩn bị đầy đủ những thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn cho chính bản thân. Người điều khiển xe không bắt buộc luôn phải mặc đồ bảo hộ khi đi xe môtô phân khối lớn, nhưng đây là cách để bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm, đặc biệt đối với những người mới lái xe.
Việc điều khiển một chiếc xe mô tô phân khối lớn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, đôi khi không nhất thiết va chạm với các phương tiện khác mà chỉ cần sơ hở người điều khiển có thể mất lái và té ngã. Trong trường hợp đó, đồ bảo hộ sẽ phát huy công dụng tránh những tổn thương đáng kể cho người lái.
Tham gia khóa học lái xe an toàn
Một trong những điều quan trọng mà những người mới tậu xe môtô không được bỏ qua chính là những bài học về kỹ năng lái xe mô tô an toàn. Những khóa học này sẽ cung cấp những thông tin bổ ích về quy tắc an toàn khi lái xe trên đường, cách phản ứng những tình huống giao thông nguy cấp khi lái mô tô và được thực hành chúng ngay trong buổi học.
Người hướng dẫn sẽ đưa ra một số gợi ý thêm về cách bảo dưỡng chiếc xe môtô. Khóa học cũng sẽ hướng dẫn những điều cơ bản trong cách vận hành cũng như tính an toàn.
Nhiều trung tâm có cả phòng học lý thuyết và sân thực hành, khi kết thúc khóa học sẽ có kỳ thi để lấy chứng chỉ.
Mang giày thay vì đi dép
Tuyệt đối không mang dép khi lái mô tô vì sẽ không đảm bảo được độ an toàn khi xe đang chạy, đặc biệt gây khó khăn cho việc chống chân dừng xe. Những dòng xe môtô phân khối lớn đều có cơ chế 1 số tiến, 5 số móc, việc di chuyển trên hành trình dài và liên tục phải móc số với bàn chân hở là một việc nguy hiểm.
Thêm vào đó, với khối động cơ công suất lớn ngay nơi đặt chân sẽ nhanh chóng nóng lên và trực tiếp toả nhiệt. Giày chuyên dùng cho mô tô che phủ qua mắt cá, chúng sẽ bảo vệ bàn chân và mắt cá chân.
Một lưu ý khi lựa chọn giày đi xe mô tô là đế giày phải thiết kế chống trượt. Tránh trường hợp khi chống chân bị trượt do mặt đường trơn và giày thiếu ma sát cần thiết.
Thói quen đặt tay lên phanh
Thói quen luôn đặt ít nhất một ngón tay lên phanh sẽ giúp rút ngắn thời gian phản ứng khi cùng sử dụng đến phanh tay. Trong những tình huống tai nạn bất ngờ, chỉ cần một giây không tác động lên phanh cũng đủ tạo ra một khác biệt khá lớn trong việc dừng lại hay va chạm.
Khi lái xe với tốc độ chậm, nhất là trong các khu đô thị, đông dân cư, nên sử dụng phanh sau để giúp chiếc xe ổn định mà không làm tăng vận tốc của xe. Rèn luyện kỹ năng để cân bằng tay ga và phanh luôn là đòi hỏi quan trọng trước khi bắt đầu những chặng đường “tốc độ”.
Ôm sát chân khi lên xe
Việc ôm sát đùi, đầu gối vào thân xe khi lái xe sẽ giúp người lái và chiếc xe trở thành một khối liên kết. Từ đó, giúp lái xe giữ thăng bằng tốt hơn trong khi phanh hay qua các khúc cua, đường dốc, đồng thời góp phần làm giảm lực cản gió do cơ thể tạo ra khi đang lái xe.
Những động tác nhanh gọn tưởng chừng như không thành vấn đề, tuy nhiên, việc vội vã bước lên xe sẽ khiến nhiều trường hợp dễ mất thăng bằng, dễ vướng vào yên sau nhô cao gây ngã xe.
Đặt mũi bàn chân trên thanh gác chân
Khi liên tục cầm lái trên quãng đường dài, nếu từ bỏ được thói quen đặt phần giữa đế giày hoặc gót giày trên gác chân thì người lái sẽ tránh được các rung chấn từ mặt đường lan dọc theo ống chân lên cả phần thân trên cơ thể, từ đó sẽ cảm thấy giảm thiểu mệt mỏi hơn hẳn.
Bên cạnh đó, nếu đặt mũi chân tì trên thanh gác chân sẽ tăng độ đàn hồi cho phần bàn chân, cổ chân, hỗ trợ người lái tăng sự phản xạ linh hoạt khi vận hành xe.
Tổng hợp và theo báo Nghệ An