Trẻ nhỏ có thể mắc bệnh tự kỷ khi có những dấu hiệu sau đây - Doctor247

Trẻ nhỏ có thể mắc bệnh tự kỷ khi có những dấu hiệu sau đây

Ở trẻ sơ sinh và mới biết đi, dấu hiệu tự kỷ khó nhận biết hơn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp trẻ có thể phát triển tốt hơn.

Trẻ em thường xuyên được kiểm tra bệnh tự kỷ, còn được gọi là rối loạn phổ tự kỷ (ASD), tại các lần khám sức khỏe cho trẻ 18 tháng và 24 tháng tuổi. Nhưng các dấu hiệu của ASD có thể được chú ý trước đó.

Tiến sĩ Abigail Angulo, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng Colorado và trợ lý giáo sư nhi khoa tại Đại học Colorado (Mỹ), cho biết cha mẹ hiểu con mình (trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi) rõ nhất. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu khiến bạn lo lắng và/hoặc nghi ngờ con mình có thể mắc chứng tự kỷ, điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ. Việc can thiệp và điều trị sớm có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

tu-ki
Rất khó để phát hiện dấu hiệu tự kỷ ở trẻ sơ sinh vì chúng có những khác biệt nhỏ. Ảnh: Usatoday.

Dấu hiệu tự kỷ ở trẻ sơ sinh

Theo Very Well Family, tự kỷ có thể khó phát hiện ở trẻ sơ sinh. Tiến sĩ Angulo cho biết các dấu hiệu thông thường không rõ ràng, đặc biệt là đối với người bình thường, cho đến khi trẻ lớn hơn.

“Tuy nhiên, việc trẻ không cười xã giao với mọi người khi được 6 tháng tuổi có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, cha mẹ có thể nhận thấy rất khó để chơi các trò chơi dành cho trẻ nhỏ như ú òa với con mình”, chuyên gia này chia sẻ.

Đôi khi trẻ không trò chuyện (thủ thỉ hoặc bập bẹ qua lại) hoặc không phản ứng với tên riêng của mình khi gần đến sinh nhật đầu tiên. Tiến sĩ Angulo cho biết: “Các dấu hiệu của ASD có thể xuất hiện ngay từ khi còn nhỏ, đôi khi ở giai đoạn sơ sinh. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta bỏ qua những dấu hiệu ban đầu này vì chúng có thể là những khác biệt nhỏ”.

Các dấu hiệu tự kỷ ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Không có dấu hiệu mỉm cười trước 6 tháng.
  • Không bập bẹ, chỉ trỏ hoặc sử dụng các cử chỉ khác trước 12 tháng.
  • Không sử dụng các từ đơn trước 16 tháng tuổi.
  • Không sử dụng cụm từ hai từ trước 24 tháng.
  • Chậm phát triển, mất ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội.
  • Tránh tiếp xúc cơ thể, không muốn người khác bế.
  • Tránh giao tiếp bằng mắt với người khác.
  • Dường như không để ý khi mọi người đến và đi.

Dấu hiệu tự kỷ ở trẻ mới biết đi

Tiến sĩ Angulo cho biết các dấu hiệu của bệnh tự kỷ ở trẻ mới biết đi bao gồm hạn chế chia sẻ trò chơi với người chăm sóc, hạn chế chỉ tay hoặc chỉ tay bất thường.

Cha mẹ cũng có thể nhận thấy phải mất một thời gian dài để thu hút sự chú ý của trẻ khi gọi tên chúng hoặc trẻ sẽ đi kiễng chân, thực hiện các cử động bàn tay/ngón tay bất thường.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thấy tình trạng chậm nói ở trẻ mới biết đi hoặc các kiểu phát triển giọng nói không điển hình. “Trẻ mới biết đi có thể có nhiều dấu hiệu rõ ràng hơn về ASD so với trẻ sơ sinh. Có nghiên cứu quan trọng cho thấy trẻ em mắc ASD có thể được chẩn đoán chính xác khi mới 14 tháng tuổi”, tiến sĩ Angulo cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý một số cha mẹ cho biết họ nghi ngờ sớm hơn nhiều trong khi những người khác báo cáo không nhận thấy những bất thường cho đến thời gian lâu sau đó. Các bác sĩ không thường xuyên sàng lọc ASD ở trẻ em cho đến 18 tháng tuổi. Nhưng nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu của ASD trước thời điển này, hãy nói chuyện với bác sĩ để được chẩn đoán sớm.

Lợi ích của việc can thiệp sớm

Chẩn đoán sớm có thể cung cấp khả năng can thiệp sớm. Điều này giúp trẻ đạt được các kỹ năng tốt gần như bình thường. “Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi là thời kỳ não bộ phát triển nhanh chóng và việc giúp đỡ trẻ chậm phát triển hoặc gặp khó khăn trong thời gian này có thể giúp trẻ đạt được nhiều thành tựu hơn so với những giai đoạn khác trong cuộc đời”, tiến sĩ Angulo nhận định.

Chẩn đoán sớm cũng có thể giúp gia đình và bạn bè hiểu được những vấn đề có thể là thách thức và giúp đứa trẻ nhận được bất kỳ sự hỗ trợ bổ sung hoặc khác nào mà chúng cần.

Lợi ích khác của can thiệp sớm là cha mẹ có thể tìm hiểu thêm về chứng tự kỷ và đa dạng thần kinh, để trở thành người chăm sóc tôn trọng, thấu hiểu và ủng hộ con mình. “Trò chuyện thường xuyên với bác sĩ có thể giúp mọi người hiểu và yêu con hơn”, tiến sĩ Angulo cho biết.

Phương Mai

Theo ZingNews

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận