Trẻ bị tự kỷ, nên điều trị như thế nào? - Doctor247

Trẻ bị tự kỷ, nên điều trị như thế nào?

Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) được coi là một khuyết tật phát triển mà chưa có loại thuốc hoặc phương pháp nào được công nhận có khả năng chữa khỏi hoàn toàn.

Tuy nhiên, có một số các phương pháp điều trị và can thiệp có thể giúp người bệnh tự kỷ có khả năng độc lập, hòa nhập cộng đồng, có thể học tập và lao động, nâng cao chất lượng sống.

Tự kỷ là gì?
Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một thuật ngữ sử dụng để mô tả tình trạng rối loạn phát triển, đặc trưng bởi sự khác biệt trong giao tiếp và tương tác xã hội, những người bị ASD thường thể hiện sở thích hoặc những mô hình hành vi bị hạn chế và lặp đi lặp lại.

Nghiên cứu của Jon Baio và cộng sự năm 2014 cho thấy tỷ lệ mắc ASD trong dân số chung là 1/59 trẻ, phổ biến ở nam hơn so với nữ với tỷ lệ nam/nữ dao động từ 4-5/1. Tại Việt Nam theo báo cáo của Vũ Hà năm 2012 tại Bệnh viện Nhi Trung ương số lượng trẻ được chẩn đoán tự kỷ trong các năm 2008 là 450 trẻ; 2010 là 1792 trẻ; 2011 là 1968 trẻ với xu hướng ngày càng tăng.

Rối loạn phổ tự kỷ là một khuyết tật phát triển cho đến nay vẫn chưa có một loại thuốc hoặc một phương pháp cụ thể nào được đánh giá là có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số các phương pháp điều trị và can thiệp có thể giúp người bệnh có khả năng độc lập, hòa nhập cộng đồng, có thể học tập và lao động, nâng cao chất lượng sống. Hiệu quả của các can thiệp điều trị này phụ thuộc vào thời gian can thiệp, càng sớm càng có hiệu quả và mức độ nặng của rối loạn.

Các phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ - Ảnh 1.
Can thiệp kịp thời giúp trẻ tự kỷ có khả năng độc lập, hòa nhập cộng đồng… Ảnh minh họa..

Các phương pháp trong can thiệp cho trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ
1. Phương pháp tiếp cận hành vi
Phân tích hành vi ứng dụng (ABA) là một trong những lựa chọn được sử dụng rộng rãi nhất cho cả người lớn và trẻ em, nó đề cập đến một loạt các kỹ thuật được thiết kế để khuyến khích các hành vi tích cực bằng cách sử dụng hệ thống phần thưởng.

2. Phương pháp tiếp cận phát triển

– Trị liệu ngôn ngữ, lời nói: Giúp cải thiện khả năng hiểu và sử dụng ngôn ngữ của trẻ, ngoài ra có thể giao tiếp thông qua việc sử dụng các dấu hiệu, cử chỉ, hình ảnh hoặc thiết bị liên lạc điện tử.

– Trị liệu nghề nghiệp: Dạy các kỹ năng giúp trẻ sống độc lập nhất có thể. Các kỹ năng có thể bao gồm mặc quần áo, ăn uống, tắm rửa và quan hệ với mọi người. Trị liệu nghề nghiệp cũng có thể bao gồm:

+ Liệu pháp tích hợp giác quan: Trẻ mắc ASD có thể gặp các vấn đề liên quan đến đầu vào cảm giác chẳng hạn như thị giác, thính giác hoặc khứu giác, dựa trên lý thuyết rằng một số giác quan của trẻ bị khuếch đại sẽ khiến trẻ khó học và thể hiện hành vi tiêu cực, liệu pháp này giúp cân bằng phản ứng của trẻ với kích thích giác quan

+ Vật lý trị liệu: Có thể giúp cải thiện các kỹ năng thể chất, vận động tinh.

3. Phương pháp giáo dục

Được đưa ra trong môi trường lớp học, được áp dụng phổ biến hiện nay như phương pháp TEACCH dựa trên ý tưởng rằng trẻ ASD phát triển mạnh nhờ tính nhất quán và học tập trực quan. Nó cung cấp cho giáo viên những cách để điều chỉnh cấu trúc lớp học và cải thiện kết quả học tập và các kết quả khác.

4. Phương pháp tiếp cận quan hệ xã hội

Tập trung vào việc cải thiện các kỹ năng xã hội và xây dựng mối quan hệ tình cảm.

– Mô hình phát triển, khác biệt cá nhân, dựa trên mối quan hệ (còn gọi là “Thời gian ở nhà”) khuyến khích cha mẹ và nhà trị liệu tuân theo sở thích của cá nhân để mở rộng cơ hội giao tiếp.

– Mô hình can thiệp phát triển mối quan hệ (RDI) liên quan đến các hoạt động làm tăng động lực, sở thích và khả năng tham gia vào các tương tác xã hội được chia sẻ.

– Câu chuyện xã hội cung cấp những mô tả đơn giản về những gì có thể xảy ra trong một tình huống xã hội.

– Các nhóm kỹ năng xã hội tạo cơ hội cho những người mắc ASD thực hành các kỹ năng xã hội trong một môi trường có tổ chức.

5. Phương pháp dược lý

Sử dụng để kiểm soát, làm giảm một số triệu chứng nhất định như hành vi hung hăng, tự làm hại, tình trạng lo lắng, ám ảnh cưỡng bức hoặc các rối loạn đồng mắc như tăng động giảm chú ý.

6. Tiếp cận tâm lý

Phương pháp tiếp cận tâm lý có thể giúp những người mắc ASD đối phó với lo lắng, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Trị liệu nhận thức hành vi (CBT) giúp trẻ tìm hiểu về mối quan hệ giữa cảm xúc, suy nghĩ và hành vi, giúp xác định những suy nghĩ và cảm xúc kích hoạt hành vi tiêu cực.

CBT đặc biệt có lợi trong việc trẻ kiểm soát sự lo lắng, giúp nhận ra cảm xúc của người khác tốt hơn và đối phó tốt hơn trong các tình huống xã hội

7. Điều trị thay thế

Có thể bao gồm chăm sóc chỉnh hình, liệu pháp động vật, liệu pháp nghệ thuật, chánh niệm hoặc liệu pháp thư giãn. Các cá nhân và gia đình nên trao đổi và thống nhất trước khi bắt đầu.

8. Can thiệp điều biến não, liệu pháp gen, liệu pháp tế bào gốc hiện đang được nghiên cứu.

Quản lí, khám cho trẻ tự kỷ ở đâu?

Khi có yêu cầu đánh giá, khám, can thiệp cho trẻ tự kỷ, cha mẹ có thể đưa con đến chuyên khoa Tâm thần, Nhi khoa:

Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, II
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Khoa tâm bệnh – Bệnh viện Nhi Trung ương

Thanh Liên

Theo suckhoedoisong.vn

 

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận