Chủ đề
Trầm cảm sau sinh, làm sao điều trị?
Trầm cảm sau sinh là một rối loạn tâm trạng ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Cần phát hiện sớm để điều trị nhằm tránh bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn. Có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng trầm cảm sau sinh, trong đó có thể cần kết hợp các liệu pháp tâm lý, dùng thuốc…
Liệu pháp tâm lý điều trị trầm cảm sau sinh
Liệu pháp đầu tiên điều trị trầm cảm sau sinh là tư vấn tâm lý. Đây là liệu pháp được ưu tiên lựa chọn khi bệnh đang ở giai đoạn nhẹ. Điều quan trọng là phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa người mẹ đi gặp bác sĩ tâm lý, chuyên gia để được trò chuyện, tư vấn hỗ trợ người bệnh vượt qua giai đoạn này. Theo đó, bác sĩ trị liệu sẽ có biện pháp điều trị chứng trầm cảm sau sinh:
- Giúp người bệnh nhận ra và thay đổi suy nghĩ tiêu cực và hành vi của mình.
- Giúp mọi người xung quanh hiểu và hỗ trợ điều trị với người bị bệnh.
Các liệu pháp vật lý trị liệu đơn giản cũng góp phần cải thiện tốt các tình trạng này, như: Tập thể dục hàng ngày, thư giãn, tận hưởng các sở thích, tiếp xúc nhiều hơn và mở lòng với những người thực sự quan tâm đến bạn…
Ngoài ra, các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người chồng cần quan tâm, động viên, chú ý hơn tới người bệnh bằng cách: Hỗ trợ việc chăm sóc con, chia sẻ công việc gia đình, đưa vợ đi chơi, đi ra ngoài tiếp xúc, nói chuyện với người thân, bạn bè nhiều hơn.
Các thuốc điều trị trầm cảm sau sinh
Ở một số bệnh nhân, cần kết hợp cả liệu pháp tâm lý và liệu pháp dùng thuốc để việc điều trị đạt kết quả cao hơn. Tuy nhiên, thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ, nên cần được xem xét cẩn trọng. Bệnh nhân được bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán trước khi dùng thuốc. Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần thường xuyên trao đổi với bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn nhất cho cả mẹ và bé.
Các thuốc chống trầm cảm tác động lên các chất dẫn truyền thần kinh, giúp điều chỉnh tâm trạng người bệnh. Các thuốc thường được sử dụng gồm:
– Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Gồm các thuốc phổ biến như amitriptylin, clomipramin, imipramin.
Tác dụng phụ của nhóm thuốc này là gây buồn ngủ, khô miệng, táo bón, bí tiểu…
– Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin: Các thuốc phổ biến như fluoxetin, sertraline, paroxetine… thường được ưu tiên sử dụng. Các thuốc này dung nạp khá tốt, ít bài tiết qua sữa mẹ nên khá an toàn khi cho con bú.
Ngoài ra, còn một số thuốc khác cũng có thể được sử dụng trong điều trị trầm cảm sau sinh như selegiline, mirtazapine, benzodiazepine…
Lưu ý: Các thuốc chống trầm cảm có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ và bài tiết qua sữa mẹ, ảnh hưởng đến trẻ. Do đó, cần cân nhắc sử dụng khi người mẹ cho con bú. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc chống trầm cảm bừa bãi, phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Các thuốc chống trầm cảm thế hệ mới có ít tác dụng phụ hơn so với các thuốc cũ. Nhưng mỗi thuốc lại có khả năng gây tác dụng phụ khác nhau, phụ thuộc vào từng bệnh nhân. Do đó trước khi dùng thuốc, rất khó biết bệnh nhân sẽ gặp phải tác dụng phụ nào. Trong quá trình dùng thuốc nếu gặp phải các triệu chứng: Tăng cân, buồn nôn… bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ để được cân nhắc đổi thuốc.
Lưu ý khi điều trị trầm cảm sau sinh
Thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng kết hợp với các liệu pháp điều trị tư vấn và hỗ trợ. Người bệnh có thể cảm thấy tốt hơn ngay sau 1 đến 3 tuần dùng thuốc, tuy nhiên, có thể mất từ 6 đến 8 tuần mới có thể cải thiện phần lớn các triệu chứng. Nếu người mẹ có thắc mắc hoặc lo lắng trong quá trình dùng thuốc, hoặc không nhận thấy bất cứ sự cải thiện nào sau 3 tuần dùng thuốc, hãy trao đổi lại với bác sĩ.
Thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng trong ít nhất 6 tháng thậm chí kéo dài đến hơn 1 năm. Thời gian điều trị dài là bởi vừa điều trị chứng trầm cảm sau sinh vừa ngăn ngừa tái phát triệu chứng. Thời gian điều trị càng kéo dài ở các phụ nữ có tần suất xuất hiện các cơn trầm cảm cao.
Điều trị chứng trầm cảm của người mẹ rất quan trọng. Nhưng cho con bú sữa mẹ rất tốt cho mối quan hệ của bé với mẹ. Do đó tốt nhất nên vừa điều trị trầm cảm cho mẹ và vẫn nuôi con bằng sữa mẹ. Nhưng nếu phải quyết định lựa chọn giữa uống thuốc và cho con bú, hãy dùng thuốc để điều trị cho mẹ.
Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm trên mỗi bệnh nhân cũng khác nhau, phụ thuộc vào liều dùng. Bệnh nhân dùng liều cao thường dễ gặp tác dụng phụ hơn. Tác dụng phụ thường hết sau một khoảng thời gian ngắn dùng thuốc. Nhưng nếu tác dụng phụ vẫn tiếp tục kéo dài, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ.
Lạm dụng thuốc trong điều trị trầm cảm khiến người bệnh rơi vào tình trạng phụ thuộc thuốc và có thể gặp phải tác dụng phụ như:
- Ngủ li bì trong thời gian dài.
- Tăng cân hoặc giảm cân nhanh.
- Gây suy giảm thể lực, làm người bệnh trở nên mệt mỏi hơn.
- Giảm trí nhớ từ từ.
- Nhiều trường hợp gây ra chứng mất ngủ, khó ngủ.
- Đau đầu, nhức đầu.
- Có thể gây nên các bệnh lý nghiêm trọng khác như: Suy thận, suy gan, viêm dạ dày, tim mạch… do thuốc.
- Làm người bệnh nghĩ đến tự sát nhiều hơn, đặc biệt là trong mấy tuần đầu sử dụng thuốc.
- Nhờn thuốc, buộc phải dùng thuốc liên tục hoặc tăng liều trong thời gian dài để cảm thấy thoải mái, an thần…
- Phụ thuộc vào thuốc, bỏ thuốc bệnh dễ trở lại.
Theo SK&ĐS
Nếu không điều trị, trầm cảm sau sinh có thể kéo dài hàng tháng hoặc nhiều năm. Ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ, nó có thể ảnh hưởng đến khả năng kết nối và chăm sóc con của người phụ nữ và có thể gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe như: Ngủ, ăn uống và hành vi khi bé phát triển.
Các thành viên trong gia đình và bạn bè nên là người đầu tiên nhận ra các triệu chứng trầm cảm sau sinh ở người phụ nữ. Khi đó hãy động viên để người phụ nữ đến gặp các chuyên gia tư vấn y tế. Đồng thời hỗ trợ về mặt tinh thần cũng như công việc để người phụ nữ có cơ hội hồi phục thể lực và thay đổi trạng thái tâm lý.