Chủ đề
OpenAI ‘tốn’ hàng triệu đô khi người dùng cảm ơn ChatGPT
Nhiều người đùa rằng, đây là một khoản đầu tư cho tương lai trong trường hợp… AI thống trị thế giới.

ChatGPT tốn hàng triệu đô vì được cảm ơn
Trong thời đại công nghệ lên ngôi, việc nói chuyện với những chatbot AI đã trở nên vô cùng phổ biến. Nhưng điều bất ngờ ở đây là: cứ mỗi lần bạn gõ “làm ơn” (please) hay “cảm ơn” với một chatbot như ChatGPT, bạn có thể đang tiêu tốn không chỉ thời gian mà còn cả tiền điện, rất nhiều là đằng khác.
CEO của OpenAI là Sam Altman gần đây thừa nhận rằng, việc người dùng thể hiện sự lịch sự với chatbot ChatGPT đã khiến công ty của ông tốn “hàng chục triệu đô la tiền điện”. Dù vậy, Altman vẫn cho rằng đó là “khoản chi đáng giá”, bởi biết đâu, sự lịch sự ấy lại có ý nghĩa nhiều hơn chúng ta tưởng.
Một khảo sát vào cuối năm 2024 đã cho thấy, có đến 67% người Mỹ nói chuyện một cách tử tế với chatbot AI. Trong số này, 55% đơn giản cho rằng đó là phép lịch sự cơ bản, còn 12% thì đùa (hay nghiêm túc?) rằng họ làm vậy để “làm vui lòng thuật toán”, đề phòng sau này AI nổi dậy thống trị thế giới.
Thực tế, các chuyên gia thiết kế AI như Kurtis Beavers (làm việc tại Microsoft) lại rất ủng hộ điều này. Ông cho biết, việc sử dụng ngôn ngữ một cách tôn trọng giúp thiết lập một “tông thái độ” tích cực, từ đó AI cũng phản hồi lịch sự và hợp tác hơn.
Các chatbot AI tạo sinh có xu hướng mô phỏng lại chính những gì con người đã cung cấp – từ sự rõ ràng, chi tiết cho đến cách ứng xử. Nếu để ý, khi bạn lịch sự với AI, chúng cũng sẽ hồi âm lại cho bạn một cách vô cùng lịch sự.
Lịch sự với nhau nhưng lại tốn tiền
Vấn đề là: AI không miễn phí, nhất là về mặt năng lượng.
Một nghiên cứu của Washington Post và Đại học California cho thấy, chỉ một email 100 từ do AI viết cũng đã tiêu tốn khoảng 0,14 kilowatt điện.
Để cụ thể hơn, lượng điện tiêu thụ này tương đương lượng điện để bật 14 bóng đèn LED trong một giờ. Nếu bạn gửi một email kiểu này mỗi tuần, trong một năm bạn đã tiêu thụ 7,5 kWh – tương đương mức điện mà 9 hộ gia đình ở Washington DC tiêu thụ trong một giờ.
Và đó chỉ là một email. Hãy nhân con số đó lên với hàng triệu lệnh yêu cầu mà hàng triệu người dùng đang gửi đến chatbot mỗi ngày, có thể thấy rõ đây không phải chuyện nhỏ.
Hiện nay, các trung tâm dữ liệu để duy trì hoạt động của các mô hình AI đã chiếm đến 2% lượng điện tiêu thụ toàn cầu. Và với tốc độ AI phát triển như hiện nay, con số đó chỉ có thể… tăng thêm.
Vậy giải pháp được khuyến nghị là gì?
Rất đơn giản: nếu việc viết một email ngắn không quá khó với bạn, có thể bạn nên tạm gác việc nhờ cậy chatbot AI lại. Vừa tiết kiệm điện, vừa giúp bộ não của bạn không bị “lụi nghề”.
Việc lịch sự với chatbot hay với bất cứ ai là một điều hoàn toàn không sai. Nhưng trong một thế giới mà từng cú click đều ảnh hưởng đến môi trường, điều đúng đắn có thể là: nói ít thôi – và làm nhiều hơn.
Nguồn tổng hợp