Chủ đề
Tinh thần kém gây nhiều bệnh lý nguy hại
Tại chương trình Bền sức khoẻ, trẻ thân tâm do mạng xã hội Doctor247 tổ chức tháng 11/2023 tại TPHCM, TS.BS Lê Văn Nhân cho biết hiện nay, giới trẻ ngày càng mắc nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần, dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Ba trụ cột của sức khỏe
Nói đến sức khỏe, là phải nói đến 3 yếu tố: thể chất – tinh thần – mối quan hệ xã hội. Đây là 3 yếu tố xen lẫn vào nhau và không thể tách rời. Trước đây chúng ta nghĩ đến bệnh tật là các bệnh về thể chất, ít ai quan tâm đến bệnh về tinh thần. Giờ xã hội phát triển, là thời đại của thông tin bùng nổ, có mặt phải và mặt trái.
Một trong những mặt trái đó chính là người trẻ đang ngày càng mắc nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần. Có rất nhiều nguyên do như ngày nay áp lực cạnh tranh trong xã hội khá lớn. Nhiều người chạy theo những giá trị kỳ vọng khác nhau rồi không đạt được điều mình muốn, dẫn đến lo âu, trầm cảm kéo dài.
Họ ăn không ngon, ngủ không yên, thiếu vận động cơ thể, lạm dụng những chất gây nghiện chẳng hạn như rượu, thuốc lá, thường xuyên dùng thuốc chống mất ngủ… đều có thể khiến người trẻ gặp các vấn đề liên quan đến tâm thần một cách tiêu cực.
Bi kịch nhất là họ có thể nghĩ quẫn, muốn kết thúc mạng sống quý giá của mình, hoặc xâm hại đến mạng sống của những người xung quanh.
Bệnh lý về tinh thần
Kỳ thực, những mầm mống bệnh liên quan đến tinh thần rất dễ nhận biết. Các bạn có đang bị quay cuồng với công việc và phải làm quá sức mình? Các bạn có bị rối loạn lo âu vì những deadline công sở? Các bạn có đề ra quá nhiều mục tiêu, quá cầu toàn trong sự nghiệp để rồi bất đắc ý khi không đạt được điều mình muốn về chức vụ, địa vị, lương bổng?
Cả bạn lẫn tôi, chúng ta đều có thể thường xuyên lo âu, căng thẳng. Lo âu kéo dài thì dẫn đến trầm cảm. Khi tinh thần không tốt dẫn đến những hệ luỵ. Bởi cơ thể chúng ta là một cơ thể hoàn chỉnh do bộ não chỉ huy. Nếu tinh thần không tốt thì não gặp ảnh hưởng, dẫn đến những bộ phận khác trên cơ thể chúng ta có thể trục trặc theo.
Ví dụ sức khoẻ tinh thần xuống sẽ ảnh hưởng đến bệnh lý về tim mạch. Tôi từng gặp những bệnh nhân sinh viên mới có hơn 20 tuổi mà huyết áp tăng rất cao, không ổn định (có lúc xuống thật thấp, có lúc lên thật cao). Lý do là bạn sinh viên này bị lo âu trong cuộc sống và học hành.
Bệnh lý thứ hai là đái tháo đường (tiểu đường). Tôi từng gặp những nhân viên chỉ mới trên dưới 30 tuổi thôi mà bị đái tháo đường. Căng thẳng, lo âu, trầm cảm đều có thể ảnh hưởng đến sự chuyển hóa chất trong cơ thể, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, tổn thương mạch máu… Từ đó, dẫn đến đột quị, đột tử ngay ở những người mà độ tuổi vẫn còn trẻ.
Sức khỏe tinh thần kém cũng gây nên những bệnh lý về dạ dày như rối loạn trào ngược dạ dày, thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mãn tính… Nói chung bạn càng bị lo âu, trầm cảm, căng thẳng thần kinh thì càng khó điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.
Hài hoà giữa làm việc và nghỉ ngơi
Khi khám và kê toa chữa trị cho sức khỏe tinh thần của bệnh nhân, tôi thường có lời khuyên họ tìm cách giảm bớt công việc xuống. Kế đến là đừng quá tham muốn, quá cầu toàn. Càng cầu toàn bao nhiêu thì bệnh càng dễ và càng nặng. Có bao giờ bạn tự hỏi rằng có thể chấp nhận vị trí không cao, mức lương thấp một chút nhưng mà sức khoẻ mình tốt hơn, mình ít nguy cơ bệnh lý tinh thần lẫn thể chất hơn?
Nhiều bạn bây giờ mong muốn mức lương cao. Đó là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, đổi ngược lại là bạn căng sức, căng mình ra làm việc không nghỉ. Cái nào cũng có cái giá của nó. Công ty trả lương bạn cao thì phải đòi hỏi bạn càng nhiều là đương nhiên.
Có chị giám đốc kia tâm sự với tôi rằng trong công ty có nhân viên làm rất tốt song khi đề nghị thăng chức thì bạn ấy từ chối. Tôi đáp rằng: “Đơn giản thôi, bởi bạn ấy quý sức khỏe hơn!”. Có thể bạn ấy đã nhìn những người quản lý của mình. Bạn ấy thấy các sếp nhận lương cao với những con số trong mơ, song ngày nào cũng làm miệt mài ở công sở tới tối mịt.
Thăng tiến, lương cao, được trọng vọng… là nhu cầu chính đáng của mọi người. Song chỉ xin lưu ý bạn một điều thôi. Đó là hãy coi chừng lợi bất cập hại: lương càng cao có thể khiến bệnh càng nhiều. Vì vậy, chúng ta nên có cái nhìn chừng mực, dung hoà giữa ước mơ và sức khoẻ, giữa công việc và sự chăm lo cơ thể chính mình.
Bạn có thể tìm cách hạn chế các áp lực xã hội đè nặng lên mình; đặt mục tiêu phù hợp với khả năng, sở thích; kiểm soát thời gian sử dụng công nghệ; xây dựng lối sống lành mạnh và quan tâm thường xuyên đến việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần nói riêng và sức khoẻ cơ thể nói chung.
Trên mạng có lan truyền một bức ảnh có dãy số 1000000, chú thích số 1 là Sức khoẻ. Các số 0 còn lại lần lượt là Tiền bạc, Nhà cửa, Xe cộ, Sự nghiệp, Gia đình, Ước mơ. Và thông điệp kèm theo là: “Đừng để số “1” rơi xuống, nếu không tất cả phía sau đều là số 0”.
Vâng, chỉ có khoẻ mạnh mới giúp bạn đạt được nhiều mục tiêu như ý trong cuộc sống.
TS.BS LÊ VĂN NHÂN
Giảng viên Trường ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch