Chủ đề
Đón đầu mùa nắng nóng: Phương pháp sơ cứu say nắng đúng cách
Mùa nắng nóng luôn là thời điểm xảy ra nhiều ca say nắng nhất trong năm. Đừng bỏ qua bài viết này để có thể sơ cứu đúng cách, an toàn cho người bị say nắng.
Người bị say nắng cần được chuyển đến nơi thoáng mát, cởi bớt quần áo, dùng khăn mát chườm, bổ sung nước, sau đó đến cơ sở y tế. Bị say nắng, say nóng khiến chúng ta mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, có khả năng dẫn đến đột quỵ. Nếu không xử trí kịp thời, người bệnh có thể bị di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan, tử vong. Dưới đây là cách xử trí khi có dấu hiệu say nắng, theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC).
Xử trí
– Mức độ nhẹ: Biểu hiện mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút.
* Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát.
* Nới lỏng hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân.
* Lau cơ thể bằng khăn mát hoặc có thể dội nước rồi lau khô.
* Đặt khăn thấm nước hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể.
* Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước oresol pha đúng liều lượng hướng dẫn.
* Nạn nhân bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút.
* Lưu ý không để nhiều người vây quanh nạn nhân. Sau khoảng 10-15 phút các biểu hiện sẽ giảm dần.
– Mức độ nặng: Biểu hiện đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt…) và có thể tử vong.
* Gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
* Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
Phòng ngừa
– Không đột ngột đi ra ngoài trời nắng khi đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp.
– Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, đặc biệt cần uống đủ nước.
– Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng.
– Che chắn, sử dụng phương tiện bảo hộ, hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt vùng vai gáy.
– Khi làm việc dưới thời tiết nắng nóng, cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc.
– Sử dụng mái che, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, điều hòa… để làm thoáng mát nơi làm việc.
Theo VnExpress