Thương lâu hóa thường: Góc nhìn khoa học về những mối tình lâu năm
Nếu không cẩn thận, chúng ta rất dễ coi mối quan hệ với người bạn đời của mình là điều hiển nhiên.
Khi các mối quan hệ phát triển và chín muồi, các cuộc trò chuyện của nhiều cặp đôi sau đó dần trở thành danh sách việc cần làm và những vấn đề hàng ngày, chứ không còn nói về chính tình yêu của họ.

Các cặp đôi có nguy cơ biến tình cảm của họ thành một mối quan hệ quản lý.
John Gottman, giáo sư danh dự tại Đại học Washington
Vì sao theo thời gian, ta dễ coi nhẹ mối quan hệ đi?
Nhiều cặp đôi bắt đầu một mối quan hệ với kỳ vọng lớn lao và những cảm xúc dâng trào. Nhưng khi thời gian trôi qua, cảm giác hứng khởi thuở ban đấu ấy dần phai nhạt đi, thay thế bằng những lo toan thường nhật.
Hai cơ chế tâm lý âm thầm góp phần vào sự “phai màu” đó là sự thích nghi khoái lạc và thiên kiến tiêu cực.
Chúng ta sẽ dần quen với những điều tốt đẹp nếu không có điều gì nhắc nhở. Thêm vào đó, bản năng sinh tồn khiến ta nhạy bén hơn với điều tiêu cực - một chiến lược tốt cho sinh tồn, nhưng độc hại trong tình yêu.
Kết quả là ta dễ thấy lỗi lầm hơn ưu điểm, ít nói lời cảm ơn, và dần dần coi sự hiện diện của bạn đời là một điều hiển nhiên hàng ngày.

Chất keo gắn kết xã hội chính là lòng biết ơn
Lòng biết ơn chính là chất keo xã hội và “lá chắn” giúp ngăn mối quan hệ bào mòn.
Theo lý thuyết “tìm-nhắc-buộc” của Sara Algoe, lòng biết ơn giúp ta tìm được những người quý giá, nhắc nhở ai đang quan tâm mình và gắn kết ta lại. Thêm nữa, nó cải thiện hạnh phúc tổng thể.
Một nghiên cứu năm 2020 phân tích 43 nghiên cứu dọc với hơn 11.000 cặp đôi đã xác nhận: sự trân trọng là yếu tố dự báo chất lượng mối quan hệ mạnh mẽ nhất.
Lòng biết ơn chính là điều làm mọi thứ trở nên trơn tru hơn, khiến người ta thư giãn và cởi mở hơn. Ngay cả việc chia sẻ công việc nhà (nguyên nhân bất mãn phổ biến) cũng khác biệt nếu có lòng biết ơn.
Trong nghiên cứu năm 2022, Gordon và cộng sự đã theo dõi hơn 2.000 người sống cùng bạn đời trong đại dịch. Dù hơn một nửa thấy phân chia việc nhà không công bằng, nhưng những người cảm thấy được trân trọng vẫn giữ lại được sự hài lòng trong quan hệ.

Cách thực hành lòng biết ơn
Nghiên cứu chỉ ra rằng, ta thường không nói ra lời cảm ơn vì đánh giá thấp tác động tích cực của nó và nghĩ rằng việc bày tỏ sẽ tạo nên những lúng túng.
Tuy nhiên, lòng biết ơn rất dễ lan tỏa và tạo ra vòng xoáy tích cực, đối lập với vòng xoáy chỉ trích và oán trách.
Hãy tập chú ý đến những điều đang diễn ra tốt đẹp. Hãy tìm nguyên nhân vì sao điều đó xảy ra để dễ nhận ra lần sau.
Đặc biệt, hãy nói ra sự trân trọng chứ đừng chỉ nghĩ nó trong đầu. Trong một nghiên cứu năm 2022 với 125 cặp đôi, chỉ cần đặt ra mục tiêu: “Nếu bạn đời làm điều gì tôi trân trọng, tôi sẽ nói lời cảm ơn,” đã giúp các cặp đôi dành thêm trung bình 68 phút bên nhau mỗi ngày.
Khi có suy nghĩ tích cực, đừng để nó biến mất. Chỉ một lời nhắn hay câu nói ngắn gọn biết đâu cũng có thể thay đổi cả ngày của đối phương.
Hãy dành thời gian nuôi dưỡng mối quan hệ. Một buổi họp hàng tuần “báo cáo tình hình” bắt đầu bằng lời cảm ơn, sau đó thảo luận vấn đề, và kết thúc bằng câu hỏi: “Anh/em có thể làm gì để khiến anh/em cảm thấy được yêu thương hơn trong tuần tới?" - một cách đơn giản nhưng hiệu quả để duy trì hương vị tình yêu.
Có thể bạn không nhận ra, nhưng lòng biết ơn là sợi dây vô hình, giữ cho trái tim chúng ta gần nhau hơn mỗi ngày.