Chủ đề
Thức khuya xem livestream: Hóng biến cũng dễ gặp biến!
Việc thức khuya xem livestream hóng drama đang dần trở thành thói quen phổ biến ở giới trẻ. Không chỉ rút ngắn thời gian ngủ, thú vui này còn tiềm ẩn nhiều tác hại đáng sợ hơn bạn nghĩ.

Thức khuya xem livestream gây rối loạn giấc ngủ
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS ONE, những người sử dụng điện thoại càng nhiều thì chất lượng giấc ngủ của họ càng giảm. Kết luận được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu theo dõi thời gian sử dụng điện thoại của hơn 650 người trưởng thành trong khoảng thời gian 30 ngày.
CNN Health cho rằng một trong những lý do chính khiến smartphone gây hại cho giấc ngủ là ánh sáng xanh từ màn hình, vốn có thể ức chế việc sản sinh melatonin – hormone giúp chúng ta buồn ngủ.
Mỗi phiên livestream thường kéo dài từ 1-2 tiếng trở lên kèm theo nhiều hoạt động giữ chân người xem. Khi bị sự hấp dẫn của những phiên livestream lôi cuốn, nhiều người chấp nhận rút ngắn thời gian ngủ để tiếp tục thức xem. Nếu điều này lặp lại thường xuyên rất có thể gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ.
Tăng nguy cơ trầm cảm và giảm hiệu suất làm việc
Các livestream, đặc biệt là nội dung “drama” hay gây tranh cãi, có thể khiến não bộ bị kích thích quá mức, khó thư giãn đi vào giấc ngủ. Ngủ không đủ giấc khiến não hoạt động chậm chạp, khó tập trung, uể oải, dẫn đến hiệu suất làm việc và học tập bị giảm sút.
Theo nghiên cứu Việc sử dụng điện thoại thông minh vào ban đêm, rối loạn giấc ngủ và các triệu chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên ( Rian Kusuma Dewi, Ferry Efendi, Eka Mishbahatul M. Has, và Joko Gunawan) được công bố năm 2018 trên Tạp chí Y học Vị thành niên Quốc tế đã chỉ ra mối liên hệ đáng báo động giữa việc sử dụng smartphone vào ban đêm và các triệu chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên.
Nghiên cứu được thực hiện với dữ liệu từ 714 học sinh, kết quả cho thấy: việc sử dụng điện thoại vào ban đêm có mối tương quan dương với các biểu hiện trầm cảm. Điển hình là thức khuya xem livestream hoặc nội dung giải trí liên tục thì nguy cơ xuất hiện triệu chứng trầm cảm ở giới trẻ càng tăng.
Gây nghiện cảm xúc, phụ thuộc vào điện thoại
Thức khuya xem livestream tạo cảm giác kết nối và tương tác, khiến người xem dễ bị cuốn vào vòng lặp “xem thêm chút nữa”, khó dứt ra để đi ngủ. Khi cảm xúc bắt đầu phụ thuộc vào việc “phải theo dõi tiếp”, “sợ bỏ lỡ”, bạn đang dần đánh mất sự kiểm soát và lệ thuộc vào smartphone.
Theo thời gian, não bộ bắt đầu liên kết cảm giác hào hứng, hồi hộp hoặc thỏa mãn tinh thần với hành vi xem livestream, tạo nên một chuỗi hành vi lặp lại khó kiểm soát. Dần dần, bạn không chỉ xem vì muốn biết chuyện gì xảy ra, mà còn xem vì… không biết phải làm gì khác để thoát khỏi cảm giác trống rỗng khi không online. Đó chính là lúc bạn cần cảnh báo bản thân về thói quen thức khuya xem livestream.
Làm da xấu, nổi mụn và thâm mắt
Mỗi đêm thức khuya xem livestream nhiều tiếng đồng hồ, bạn đang tước đi thời gian tái tạo và phục hồi tự nhiên của làn da – một quá trình quan trọng vốn diễn ra mạnh nhất trong khoảng 11h đêm đến 2h sáng. Trong khi bạn còn đang đắm chìm trong comment, like, share, thì làn da lại gồng mình chống lại stress, ánh sáng xanh và hormone rối loạn do thiếu ngủ.
Thiếu ngủ làm tăng hormone gây căng thẳng, thúc đẩy tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, dẫn đến bít tắc lỗ chân lông, nổi mụn và viêm da. Không chỉ vậy, khi cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ, lưu thông máu kém hơn, khiến da trở nên xỉn màu, khô ráp, dễ kích ứng và mất đi độ đàn hồi vốn có.
Thói quen thức khuya kéo dài sẽ khiến quá trình sản xuất collagen chậm lại, tạo điều kiện cho nếp nhăn, quầng thâm và bọng mắt xuất hiện sớm hơn tuổi.
Bạn có thể đầu tư skincare hàng triệu mỗi tháng, nhưng nếu vẫn bật livestream đến 2 – 3 giờ sáng mỗi đêm, mọi nỗ lực chăm sóc da đều gần như “đổ sông đổ biển”.
Thức khuya xem livestream tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính
Ngủ muộn một vài hôm, bạn có thể chỉ cảm thấy hơi mệt. Nhưng nếu việc thức khuya xem livestream trở thành thói quen kéo dài, cơ thể bạn sẽ bắt đầu “lên tiếng” bằng những cách mà bạn không ngờ tới. Theo CNN Health, thiếu ngủ kinh niên liên quan đến tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2, béo phì, rối loạn nội tiết tố, thậm chí là ung thư do các tế bào không được tái tạo đúng chu kỳ.
Kết luận: Drama có thể đợi, giấc ngủ thì không
Xem livestream để giải trí là điều bình thường trong thời đại số nhưng sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần mới là điều cần được ưu tiên. Bạn hoàn toàn có thể xem lại các nội dung vào ngày hôm sau thông qua các trang mạng xã hội.
Một đêm thức khuya xem livestream hóng drama có thể làm bạn mất năng lượng cả tuần. Hãy tập cách sử dụng điện thoại hợp lý, biết dừng đúng lúc và chăm sóc giấc ngủ mỗi đêm vì không ai giúp bạn khỏe mạnh bằng chính bạn.
Có thể bạn sẽ quan tâm: 3 trên 5 người trưởng thành sẽ bị thừa cân vào năm 2050