Chủ đề
Nếu được thụ thai vào mùa lạnh, trẻ sinh ra có thể sẽ trao đổi chất tốt hơn
Các nhà khoa học phát hiện rằng quá trình trao đổi chất của trẻ về sau không phụ thuộc vào thời điểm sinh ra mà là từ trước đó, thời điểm thụ thai trong bụng mẹ.
Không phải mùa sinh, mà là… mùa thụ thai
Một nghiên cứu lớn từ Đại học Tokyo đã phát hiện ra thời điểm mà chúng ta được thụ thai sẽ quyết định lượng mỡ hay quá trình trao đổi chất sau này có tốt hay không.
Trong số 356 nam thanh niên khỏe mạnh tại Nhật Bản tham gia nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện những người được thụ thai vào mùa lạnh có hoạt động mô mỡ nâu cao hơn.
Mô mỡ nâu/mỡ nâu (brown adipose tissue – BAT) là một loại chất béo có chức năng đốt năng lượng, giữ ấm cho cơ thể và giúp điều hòa lượng đường trong máu.
Cùng với hoạt động tăng của mỡ nâu, những người được thụ thai vào mùa lạnh còn có mức tiêu hao năng lượng cao hơn, chỉ số khối cơ thể (BMI) cũng thấp hơn và lượng mỡ tích tụ quanh các cơ quan nội tạng ít hơn hẳn. Nhìn chung, tất cả đều là các dấu hiệu của sức khỏe trao đổi chất tốt hơn.
Ở những người thừa cân hoặc béo phì, hoạt động của mỡ nâu thường suy giảm hoặc không có.
Để mở rộng kết quả, nhóm nghiên cứu đã xem xét thêm một nhóm nữa gồm 286 người trưởng thành, bao gồm cả nam và nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Họ cũng phát hiện ra mối liên hệ giữa việc được thụ thai vào mùa lạnh và hoạt động của mỡ nâu, cùng với BMI thấp hơn, vùng mỡ nội tạng nhỏ hơn và vòng eo nhỏ hơn.
Trước đây, nhiều nghiên cứu tin rằng sức khỏe của trẻ khi trưởng thành phụ thuộc vào thời điểm sinh, nhưng kết quả hiện tại không phát hiện mối liên hệ nào. Thay vào đó, thời điểm thụ thai, tức 266 ngày trước khi sinh mới quyết định liệu cơ thể trẻ có trao đổi chất tốt hay không.
Cơ chế của cơ thể giúp thế hệ sau thích nghi tốt hơn
Các nhà khoa học cho rằng thời tiết lạnh có thể tác động đến biểu hiện gene trong tinh trùng hoặc trứng, và những thay đổi này được truyền lại cho con khi hai tế bào giao hợp.
Theo nhà sinh y học Takeshi Yoneshiro từ Đại học Tokyo, điều này có thể là một dạng “thích nghi tiên đoán với thời tiết lạnh” – cơ chế giúp thế hệ sau sinh tồn tốt hơn trong môi trường lạnh.
Khái niệm này được nhóm gọi là “Nguồn gốc tiền-thụ tinh của sức khỏe và bệnh tật” (Pre-fertilization Origins of Health and Disease) – và họ cho rằng cần thêm nghiên cứu để hiểu rõ hơn.
Các nghiên cứu trước đây trên chuột đã chỉ ra rằng, tiếp xúc với điều kiện thời tiết nhất định trước khi thụ tinh có thể cải thiện trao đổi chất ở thế hệ sau, có thể do thay đổi biểu hiện gene trong tinh trùng của chuột cha.
Khi áp dụng kết quả này lên người, các nhà khoa học phát hiện những người được thụ thai vào mùa lạnh có khả năng cao hơn 3,2% sở hữu mỡ nâu hoạt động. Trong khi đó, những người được thụ thai vào mùa nóng có tỉ lệ sở hữu loại mỡ này thấp hơn.
Sức khỏe cha mẹ và các yếu tố môi trường tại thời điểm thụ thai, cùng với tình trạng sức khỏe của mẹ trong thai kỳ và thời kỳ cho con bú, đang dần được công nhận là yếu tố then chốt quyết định sức khỏe của con cái và nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây.
Nguồn tổng hợp